VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Năng lực cạnh tranh: Việt Nam xếp hạng 77/125 quốc gia (01/02)

06/08/2010 - 245 Lượt xem

Năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm là sự tích hợp của nhiều yếu tố. Theo quan niệm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào 9 tiêu chí chủ yếu là: thể chế kinh tế; hệ thống cơ sở hạ tầng; năng lực kinh tế vĩ mô; hệ thống giáo dục và y tế phổ thông; trình độ giáo dục đại học; hiệu quả vận hành của cơ chế thị trường; mức độ sẵn sàng về công nghệ; mức độ hài lòng doanh nghiệp và mức độ sáng tạo.

Với hệ thống tiêu chí nói trên, năm 2006, Việt Nam được WEF xếp hạng 77/125 quốc gia, tụt 3 bậc so với năm 2005.

Xét theo từng tiêu chí, tình hình cụ thể như sau: thể chế kinh tế xếp thứ 74; cơ sở hạ tầng xếp thứ 83; kinh tế vĩ mô xếp thứ 53; hệ thống giáo dục và y tế phổ thông xếp thứ 56; giáo dục đại học xếp thứ 90; hiệu quả của cơ chế thị trường xếp thứ 73; mức độ sẵn sàng về công nghệ xếp thứ 85; mức độ hài lòng doanh nghiệp xếp thứ 86 và mức độ sáng tạo xếp thứ 75.

So sánh năng lực cạnh tranh của Việt Nam với một số nước trong khối ASEAN mà WEF có xếp hạng cho thấy: Singapore xếp thứ 23; Malaysia xếp thứ 26; Thái Lan xếp thứ 35; Indonesia xếp thứ 50; Philippines xếp thứ 71; Campuchia xếp thứ 103.

Như vậy Singapore giữ vị trí dẫn đầu, Việt Nam chỉ xếp trên Campuchia. Còn đối với các nước Lào, Brunei, Myanmar. WEF không xếp hạng về năng lực cạnh tranh.

Đánh giá về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh năm 2006, Ngân hàng thế giới (WB) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) xếp Việt Nam thứ 104 trên 175 nền kinh tế được đánh giá, tụt thêm 6 bậc so với năm 2005.

So sánh môi trường kinh doanh của Việt Nam với 23 nền kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương, WB và IFC xếp hạng như sau: Singapore xếp thứ 1/23; Thái Lan xếp thứ 3/23; Malaysia xếp thứ 4/23. Việt Nam tụt lại rất xa, xếp thứ 17/23.

Đánh giá về môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy: để thành lập một doanh nghiệp ở Việt Nam tính bình quân phải hoàn tất 11 thủ tục với thời gian hơn 50 ngày. ở Trung Quốc là 13 thủ tục, mất 35 ngày; ở Thái Lan là 8 thủ tục, mất 33 ngày; của OECD là 6,2 thủ tục, mất 16,6 ngày; ở Australia là 3 thủ tục, mất 2 ngày.

Chi phí để thành lập doanh nghiệp trong năm 2006 tại Việt Nam mất khoảng 276 USD (ở Trung Quốc mất 162 USD; ở Thái Lan mất 160 USD). Trong đó đăng ký kinh doanh mất 15 ngày, tốn 12,54 USD; đăng ký mã số thuế mất 15 ngày, tốn 188 USD; mua hoá đơn VAT từ cơ quan thuế hoặc tự in mất 15 ngày, tốn 0,88 USD khắc dấu mất 14 ngày; thành lập công đoàn mất 15 ngày...

Nước ta đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này. Chúng ta sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn ở cả cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, ở cả thị trường trong nước và quốc tế, trước hết là ngay ở thị trường trong nước.

Bởi vậy, hệ thống các tiêu chí về năng lực cạnh tranh như: quản lý kinh tế vĩ mô, cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin và nguồn nhân lực... nếu không kịp thời được hoàn thiện thì tất yếu sẽ gây khó khăn, trở ngại rất lớn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Nguồn: TB KTVN