VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Dung Quất: “trái tim” của công nghiệp miền Trung (19/01)

06/08/2010 - 222 Lượt xem

Đại công trường

Từ bãi cát trắng mênh mông đến nay Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đã nên dáng nên hình. Những phương tiện cơ giới ngày đêm tất bật chạy ngược xuôi tham gia thi công các công trình, nhà máy đã tạo nên không khí sôi động ở Dung Quất.

Trong năm 2006, Ban quản lý KKT Dung Quất đã cấp giấy chứng nhận và chấp thuận đầu tư cho 101 dự án với số vốn đăng ký trên 5 tỉ USD, đưa Dung Quất từ hàng thứ 37 vươn lên vị trí thứ 11 trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp ở KKT Dung Quất đã thực hiện giá trị sản lượng công nghiệp và dịch vụ ước đạt 455 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD, giải quyết việc làm mới cho 2.000 lao động. Trong đó chỉ vài dự án lớn như nhà máy lọc dầu, liên hiệp công nghiệp tàu thủy, nhà máy luyện cán thép, liên hợp công nghiệp nặng Doosan, cảng quốc tế và mới đây là các dự án sản xuất polypropylen... đã thu hút vốn đầu tư lên đến 4,7 tỉ USD.

Không chỉ dừng lại ở qui mô vốn như hiện nay, ngay sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, một số dự án đã và đang triển khai tại Dung Quất đã tăng vốn đầu tư như Nhà máy luyện cán thép của Tycoons sau năm 2009 sẽ triển khai giai đoạn 2 với số vốn trên 500 triệu USD.

“Cái nôi” của những dự án lớn

Năm 2007, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất xác định bốn nhiệm vụ cơ bản để tăng tốc phát triển và thu hút đầu tư gồm: tập trung thu hút và triển khai các dự án đầu tư, đẩy nhanh tốc độ xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, phát triển mạnh dịch vụ; tăng cường đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cao; cải cách hành chính mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phát huy nội lực cải thiện môi trường đầu tư.

Dung Quất sẽ tận dụng thời cơ trên hai mũi nhọn là công nghiệp nặng và đô thị công nghiệp để đến năm 2010 thu hút vốn đầu tư đạt khoảng 6 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện đạt trên 4 tỉ USD, tăng gấp ba lần so với hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 2.000 tỉ, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. 

Với lợi thế riêng của mình, Dung Quất đang trở thành địa chỉ của các nhà đầu tư ôm ấp các dự án lớn. Hiện KKT Dung Quất đã thu hút được các dự án mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Khi có được những dự án lớn, lợi thế của Dung Quất lại tăng lên gấp bội vì dự án lớn cần nhiều “vệ tinh”, theo đó sẽ có hàng loạt dự án vừa và nhỏ, dịch vụ phụ trợ đi theo để phục vụ dự án lớn.

Dự án khu liên hợp công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã kéo theo bảy nhà máy phụ trợ được xây dựng để sản xuất, cung cấp thiết bị cho ngành đóng tàu. Dự án liên hợp công nghiệp nặng Doosan cũng kéo theo một số nhà đầu tư Hàn Quốc kết nối với Doosan để xây dựng các nhà máy phụ trợ cho dự án này...

Theo ông Trần Lê Trung - trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Dung Quất và miền Trung sẽ tăng lên khi khu liên hợp công nghiệp nặng Doosan triển khai tại đây. Những dự án công nghiệp qui mô lớn này sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng đã thấy được tiềm năng từ Dung Quất. Ông Seth D. Winnick, tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, nhận định: “Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội khi phát triển công nghiệp gặp nhiều khó khăn vì khan hiếm nguồn nhân lực và không có mặt bằng rộng lớn. Xây dựng các nhà máy cần diện tích lớn và số lượng công nhân đông, nếu các nhà đầu tư Mỹ đầu tư các dự án qui mô lớn thì họ sẽ chọn miền Trung VN, trong đó Dung Quất là một địa chỉ phù hợp để đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp nặng”.

Nguồn: Tuổi trẻ