Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Lập Trung tâm tài chính quốc tế: Việt Nam kết nối, tham gia mạnh mẽ vào dòng chảy tài chính toàn cầu

31/03/2025 - 178 Lượt xem

Ngày 28/3, Bộ Tài Chính và UBND TP HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị quan trọng về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTC) nhằm thảo luận chiến lược phát triển, khẳng định mục tiêu đưa TP HCM trở thành Trung tâm tài chính lớn trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Thúc đẩy TP HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được. Ngoài ra, Hội nghị còn có các Đại sứ quán, lãnh sự quán; Chủ tịch, Phó chủ tịch các Ngân hàng lớn trên thế giới ở Anh, Đan Mạch, Thụy Sĩ; Các Quỹ đầu tư như Capital, PVI, Quỹ đầu tư chứng khoán; Các chuyên gia tài chính, nhà quản lý, học giả, đại diện các cơ quan chức năng...; Tham dự Hội nghị còn có ông Trương Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng TTTC không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ. Ông Thắng mong muốn TTTC tại Việt Nam sẽ kết nối và tham gia vào quá trình chuyển động mạnh mẽ của dòng chảy tài chính toàn cầu, mang tính chất bổ trợ với các trung tâm tài chính hiện có.

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, việc Trung ương lựa chọn TP HCM để xây dựng TTTC tại Việt Nam là niềm vinh dự lớn, đồng thời là trọng trách nặng nề mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố (TP) sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công.

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị là thảo luận về chiến lược phát triển TTTC quốc tế tại TP HCM. Các chuyên gia đã phân tích và đề xuất các chính sách thúc đẩy TP HCM trở thành TTTC quốc tế đột phá. Đặc biệt, Hội nghị nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tài chính là yếu tố then chốt để TP duy trì và nâng cao vị thế trong lĩnh vực tài chính quốc tế.

Các chính sách cụ thể được đưa ra bao gồm việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn sâu trong các lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quản lý tài sản. Đây là những ngành chủ chốt góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho TTTC, giúp TP HCM thu hút các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước gia tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu...

Mô hình tài chính đột phá

Thảo luận về phát triển mô hình tài chính đột phá tại TP HCM, các đại biểu cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nền tảng số, TP đang hướng tới việc xây dựng một mô hình tài chính số hiện đại, nhằm tạo ra các sản phẩm tài chính phù hợp với xu hướng mới của nền kinh tế số. 

Ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cho biết, các sáng kiến về tài chính công nghệ (FinTech), tài chính điện tử, hạ tầng xanh và ngân hàng số sẽ giúp TP phát triển các dịch vụ tài chính hiệu quả và dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân và doanh nghiệp.

TP HCM cũng cần đặc biệt chú trọng đến ứng dụng công nghệ số trong việc cải cách và hiện đại hóa hệ thống tài chính. Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số trong ngành tài chính sẽ giúp TP HCM nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tạo ra môi trường tài chính minh bạch và an toàn hơn. Công nghệ không chỉ giúp tăng cường bảo mật thông tin mà còn mở ra các cơ hội đầu tư mới, giúp kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các doanh nghiệp trong nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đề cập đến các chính sách trong nước, nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác quốc tế để phát triển TTTC. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính quốc tế, TP HCM cần mở rộng quan hệ hợp tác với các TTTC lớn trên thế giới. Cụ thể, TP sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình đào tạo quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, và thu hút các tổ chức tài chính lớn từ nước ngoài vào TP HCM.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp, có ý kiến cho rằng, có nên lập ra trung tâm trọng tài quốc tế mới hay không? Câu trả lời là có nhưng rất lâu nên khuyến khích chọn các trung tâm trọng tài có sẵn. Các nhà đầu tư quốc tế cũng quan ngại về việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam vì các phán quyết bị bãi bỏ rất nhiều. Nếu tháo gỡ được vấn đề đó thì cơ chế giải quyết tranh chấp bằng phán quyết trọng tài sẽ được các nhà đầu tư ủng hộ và yên tâm hơn. Đại diện Quỹ đầu tư VinaCapital đề nghị Luật chứng khoán cần có những thay đổi nhất định để các Quỹ huy động vốn được mạnh mẽ hơn.

Với những chiến lược và chính sách đồng bộ, TP HCM đang trên con đường trở thành TTTC quốc tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới. Hội nghị đã khẳng định rằng, trong thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành tài chính, thúc đẩy hội nhập quốc tế và tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.

Thảo Nguyên - Trường Giang

 

Nguồn Báo điện tử Pháp luật Việt Nam