Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Quyết tâm phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt

31/03/2025 - 124 Lượt xem

Cuối tuần qua, phát biểu kết luận Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển”. 

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cả trong và ngoài nước, có kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu đào tạo cụ thể với từng trình độ, chuyên ngành, hình thành, phát triển các khoa đường sắt tại các trường đại học; đặc biệt là đào tạo các tổng công trình sư. Hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan. Huy động, đa dạng hóa nguồn lực, gồm vốn nhà nước, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, hợp tác công - tư, khai thác TOD…, quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp; ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến. Bộ Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan rà soát cơ chế, chính sách, những vướng mắc cần giải quyết, những chính sách cần thiết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. 

Giao một số nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng (GPMB) theo hướng tách thành dự án riêng, khi có hướng tuyến thì giao các địa phương GPMB, kêu gọi đầu tư các nhà ga, trước hết là dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Thủ tướng cũng chỉ đạo lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, các dự án phải hướng tới mục tiêu phục vụ Nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua, nếu còn thiếu cơ chế, chính sách nào thì trình Quốc hội để áp dụng chung cho các dự án. Đối với các đề án phát triển công nghiệp đường sắt, Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu, tham khảo các bài học kinh nghiệm quốc tế. Các địa phương khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, chủ động ứng vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; triển khai xây dựng khu tái định cư cho dự án trên cơ sở hồ sơ thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Quốc hội thông qua.

Với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công tháng 12/2026. Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu UBND hai Thành phố rà soát tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại địa phương. Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho Dự án đường sắt đô thị Thành phố, Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương.

 

T.Quyên

Nguồn Báo điện tử Pháp luật Việt Nam