VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Kỷ nguyên số và 4 dữ liệu trong quản trị xã hội

26/11/2024 - 134 Lượt xem

Trước đây, người dân muốn cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì đến trực tiếp các cơ sở chính quyền địa phương để làm và phải chờ vài ngày cho việc hoàn thiện các thủ tục. Nhưng hiện nay, các thủ tục đã được xử lý ở cấp độ 4, toàn bộ công dân của TP Hà Nội có thể thực hiện việc này trên VNeID mà không cần phải ra khỏi nhà. Theo thống kê, một ngày trên VNeID hiện đang xử lý 800 bộ hồ sơ lý lịch tư pháp cho công dân sinh sống trên địa bàn TP.Hà Nội.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chia sẻ, đây tuy là thành công nhỏ về mặt công nghệ nhưng là sự đóng góp lớn cho xã hội. Thể hiện quan điểm, Nhân dân, doanh nghiệp là động lực, là mục tiêu, là chủ thể của các hoạt động chuyển đổi số và khai thác dữ liệu số.

"Có 4 dữ liệu chính chúng ta phải nắm lấy để quản trị xã hội. Đó là "đinh, điền, tiền, triện". "Đinh" là dân cư, việc này Bộ Công an đang làm rất tốt với Đề án 06. "Điền" là cơ sở dữ liệu về đất đai, chúng ta phải làm sớm và hoàn thiện tốt việc này. "Tiền" là cơ sở dữ liệu về tài chính, ngân sách. "Triện" là tổ chức bộ máy, làm sao để nâng cao hiệu lực, hiệu năng quản lý nhà nước. Hiện tại, Chính phủ đang có những quyết sách để tinh gọn bộ máy. Tôi nghĩ chuyển đổi số nói chung và khai thác dữ liệu nói riêng sẽ là cách tiếp cận rất tốt để thực hiện điều này. Chúng ta quản trị trong thời đại mới phải nhìn vào dữ liệu. Dữ liệu sẽ cho chúng ta biết ra quyết định như thế nào để đúng đắn nhất trong mỗi tình huống, mỗi bài toán cụ thể".

Kỷ nguyên số và 4 dữ liệu trong quản trị xã hội- Ảnh 1.
 

Dữ liệu có quy mô càng lớn thì giá trị càng cao, càng được chia sẻ và tái sử dụng càng tạo ra giá trị.

Trong chuyển đổi số, một trong những văn bản rất quan trọng của Chính phủ là Quyết định 175/NQ-CP năm 2023 về phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đây được ví như "trái tim số" của Việt Nam. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết, Quyết định được triển khai với định hướng xây dựng một cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu khác được chuẩn hóa để phục vụ cho các công việc của Chính phủ, công dân, doanh nghiệp và xã hội.

"Quyết định 175 sẽ thay đổi vấn đề về trao đổi, phân phối dữ liệu. Trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta có khá nhiều dữ liệu ở nhiều bộ ngành, nhiều địa phương nhưng không có sự liên kết, khó chia sẻ cho nhau và phải có bước đột phá thì mới giải quyết được. Trung tâm dữ liệu quốc gia còn tạo điều kiện, hỗ trợ các bộ ngành, địa phương chưa đủ điều kiện để có những nền tảng hạ tầng về mặt công nghệ có sơ sở dữ liệu đủ lớn để ứng dụng những giải pháp tiên tiến như AI, Blockchain, Big Data. Đồng thời, chúng ta có thể giải quyết triệt để hơn bài toán cải cách thủ tục hành chính và giải quyết các bài toán nghiệp vụ của các bộ ngành địa phương cũng như những công cụ, sản phẩm phục vụ ngay cho các doanh nghiệp, công dân".

Kỷ nguyên tương lai sẽ là kỷ nguyên số với ba trụ cột là lực lượng sản xuất số, tư liệu sản xuất số và phương thức sản xuất số. Trong đó, dữ liệu số là vấn đề cực kỳ quan trọng, là tài nguyên vô giá của quốc gia.

Dữ liệu có quy mô càng lớn thì giá trị càng cao, càng được chia sẻ và tái sử dụng càng tạo ra giá trị. Chính vì vậy, giá trị cốt lõi của dữ liệu là tạo ra một cơ chế khai thác, chia sẻ và sử dụng một cách tối ưu nhất. Vì lẽ đó, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới trong tầm nhìn phát triển kinh tế số sẽ phải có chính sách kiến tạo các tiền đề cho sự ra đời và hình thành ngành công nghiệp dữ liệu, tiến tới nền kinh tế dữ liệu.

Thái Sơn

Nguồn: https://media.chinhphu.vn/ky-nguyen-so-va-4-du-lieu-trong-quan-tri-xa-hoi-102241118120037991.htm