VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Phát triển các loại thị trường

Bất cập trong quy định thuế VAT đối với ngành phân bón

06/11/2024 - 203 Lượt xem

Sản xuất phân đạm Urê tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam).
Sản xuất phân đạm Urê tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam).

Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008 quy định, phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng Luật số 71, phân bón thuộc đối tượng không phải chịu khoản thuế này. Tưởng chừng ưu đãi đối với người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, nhưng thực chất quy định này lại nảy sinh những khó khăn, do doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng cao,…

Cần thiết áp thuế VAT

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) Nguyễn Tuấn Hồng cho biết, từ khi áp dụng Luật số 71 đến nay, giá phân bón tăng đến 30% so với trước, khiến doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế VAT, họ phải cộng tiền đó vào giá thành mặt hàng bán ra. Tình hình hiện tại càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm, ảnh hưởng của biến động, xung đột trên thế giới sau chiến tranh Nga-Ukraine, giá phân bón tiếp tục tăng. “Việc đưa phân bón ra khỏi danh mục không chịu thuế VAT không những không đem lại lợi ích mà còn rất bất cập, làm tăng giá phân bón. Trong khi phân bón là nguyên liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng đối với người nông dân trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp”, ông Hồng nhấn mạnh.

Theo dẫn chứng của ông Hồng, trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau chỉ khoảng 300 nghìn đồng, chiếm khoảng 1/3 trong tổng chi phí đầu vào. Từ sau năm 2014, giá phân bón tăng cao, khiến chi phí đối với phân bón đội lên gần 500 nghìn đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phân bón tăng 30-35% và “ăn mòn” lợi nhuận của bà con nông dân. “Nếu Nhà nước không có cơ chế, chính sách điều chỉnh phù hợp, trong khi giá phân bón được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, sẽ khiến bà con nông dân bị đuối sức, nhất là các hộ sản xuất nhỏ lẻ”, ông Hồng lo lắng.

Nhớ lại những thời điểm giá phân bón chịu “ảnh hưởng kép” của biến động thế giới năm 2022, ông Hồng cho biết, nhiều hộ nông dân chuyên canh tác rau ở thôn Bắc Hồng đã bỏ ruộng, tạm dừng sản xuất, chuyển sang đi làm thuê mướn ở nơi khác, vì giá bán rau không đủ bù chi phí đầu vào, nhất là tiền mua phân bón, trong khi mặt hàng nông sản, đầu ra của sản xuất nông nghiệp hết sức bấp bênh.

Một điểm bất cập khác, từ sau năm 2014, các doanh nghiệp phân bón do phải tiết kiệm chi phí nên cũng cắt giảm các chương trình hỗ trợ bà con nông dân về giá bán, hay các hoạt động khảo nghiệm cây con giống. Do đó các hộ sản xuất nông nghiệp càng bị thiệt thòi hơn so với trước. Vì vậy, đại diện ý kiến của các hộ trong hợp tác xã, ông Hồng đề xuất nên đưa phân bón quay trở lại chịu thuế VAT 5% để tạo thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp. Khi giá phân bón giảm, lợi nhuận của người nông dân, người sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên. Những hộ sản xuất lớn sẽ nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, giúp người làm nông nghiệp yên tâm hơn trong đầu tư cho sản xuất.

Bất cập trong quy định thuế VAT đối với ngành phân bón ảnh 1

Sản phẩm Urê của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trước khi đưa ra thị trường.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) Nguyễn Văn Thứ cho rằng, cần đưa phân bón trở lại chịu thuế VAT 5% để hỗ trợ bà con nông dân về giá. Đồng thời, các sản phẩm liên quan đến thuế VAT trong sản xuất nông nghiệp cần được Nhà nước, Bộ Tài chính tính toán kỹ để hài hòa, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân cũng như người sản xuất nông nghiệp nói chung, tránh tình trạng sản xuất có lãi nhưng do chính sách thuế bất cập lại trở thành thua lỗ. “Chính sách phân bón không chịu thuế VAT áp dụng trong thời gian qua là một trong những yếu tố làm tăng giá phân bón, gây thiệt thòi cho những người sản xuất nông nghiệp. Vào những thời điểm giá phân bón bị tác động từ những yếu tố kinh tế-chính trị thế giới, ngành sản xuất nông nghiệp càng bất lợi, làm suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp”, ông Thứ khẳng định.

Thúc đẩy đổi mới công nghệ

Đại diện một công ty sản xuất phân bón khu vực miền bắc khẳng định: Kể từ khi áp dụng Luật số 71 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bị thiệt hại rất lớn. Các doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, cũng như đầu tư mở rộng sản xuất, trang bị công nghệ, máy móc thiết bị mới. Tiếp đến, với khoản thuế VAT đầu vào không được khấu trừ, doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải tính vào chi phí sản xuất, làm cho giá thành sản phẩm tăng, dồn ép doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm, mức tiêu thụ bị giảm sút dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Đại diện Bộ Công thương phân tích, trong khoảng thời gian 10 năm áp dụng Luật số 71, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ nhập lậu phân bón, sản xuất phân bón giả. Theo tính toán, trung bình phân bón giả gây thiệt hại khoảng 200 USD/ha, khiến mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại tới 2,6 tỷ USD, đặc biệt nguy hại khi nông sản Việt đang đặt mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới. Trong bối cảnh đó, bài toán thuế VAT cho mặt hàng phân bón ngày càng trở nên cấp thiết, bởi đây là một trong những yếu tố tác động lớn tới ngành sản xuất nội địa, góp phần tạo sức sống cho nền nông nghiệp. Theo ý kiến đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, phân bón đóng góp hơn 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Do đó, chính sách bất cập về thuế VAT phân bón kéo dài gần 10 năm qua cần sớm thay đổi.

Kể từ khi phân bón “bị” miễn thuế VAT đến nay, số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, tổng sản lượng nhập khẩu dao động từ 3,3 đến 5,6 triệu tấn; kim ngạch đạt 952 triệu đến 1,6 tỷ USD, trong khi tổng công suất sản xuất nội địa ngày càng bị thu hẹp, từ 3,5 triệu tấn/năm (trước năm 2014) xuống còn 380 nghìn tấn/năm (từ năm 2015). Tiến sĩ Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, theo đánh giá của dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, về phía Nhà nước, nếu áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón 6.225 tỷ đồng và khấu trừ thuế đầu vào 4.713 tỷ đồng.

Trao đổi về chính sách thuế VAT phân bón, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, nếu không áp thuế 5% đối với phân bón, doanh nghiệp sẽ phải “chịu đau” thay cho Nhà nước và nông dân. Tình trạng nhập khẩu phân bón sẽ tiếp tục gia tăng và có nguy cơ chiếm lĩnh thị trường, đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước đến chỗ phải thu hẹp sản xuất. Hệ lụy kéo theo là doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc, nguồn thu ngân sách suy giảm, thiếu các sản phẩm phân bón nội địa đạt chất lượng. Thực tế này vô hình trung đã đi ngược lại với chủ trương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Nếu áp thuế VAT 5% đối với phân bón, có ý kiến cho rằng người nông dân sẽ phải chịu thiệt thòi. Nhưng thực tế, nếu chỉ so sánh về giá bán thì đây chỉ là một khía cạnh nhỏ của vấn đề lớn. Thuế VAT là khoản thu từ người tiêu dùng cuối cùng, cho nên nông dân cũng cần sự bình đẳng đối với các đối tượng khác. Nông sản nằm trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm đầu ra nên về quy định phải chịu thuế.

Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, lợi ích dễ nhận thấy từ việc áp thuế VAT 5% với phân bón là giúp Nhà nước quản lý tốt hơn ngành hàng này, hài hòa lợi ích và nghĩa vụ với chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm sự công bằng của pháp luật. Doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ chi phí đầu vào, giảm bớt được gánh nặng, mới tạo động lực thúc đẩy đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu,…

Hoàng Anh

Nguồn: https://nhandan.vn/bat-cap-trong-quy-dinh-thue-vat-doi-voi-nganh-phan-bon-post843312.html