- Xin ông cho biết một vài nhận định về những thành tựu lý luận và kết quả vận dụng trong lĩnh vực kinh tế của Đảng ta trong suốt gần 40 năm qua, kể từ khi công cuộc Đổi mới chính thức khởi động, năm 1986?
TS Nguyễn Đình Cung |
- Năm 1986 là dấu mốc chính thức khởi động công cuộc Đổi mới, nhưng sự chuyển đổi thật sự phải tính từ năm 1990. Trong cả quá trình Đổi mới, sự phát triển vượt bậc là điều không thể phủ nhận,
và cũng không ai có thể phủ nhận. Sự dịch chuyển từ mốc thu nhập bình quân đầu người khoảng
400-500 USD cán mốc 4.300-4.400 USD ở thời điểm hiện nay, có thể coi là thành tựu đáng kể.
Tuy thế, rõ ràng chúng ta còn một chặng đường xa phải đi, và chặng đường đó ngày càng gian nan hơn.
Theo tôi, thành tựu hôm nay có được là nhờ tư duy cải cách và quyết định của Đảng khi quyết tâm chuyển đổi sang kinh tế thị trường tạo tiền đề cho việc sau này trong các văn kiện chính trị tại Đại hội XII, XIII chúng ta đặt ra mục tiêu và định hướng chuyển sang mô hình kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế, và mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện. Nếu hai yếu tố này song hành một cách hiệu quả, sẽ có thời điểm kinh tế Việt Nam cất cánh.
Nếu đặt thời điểm năm 1986 là khởi đầu của một cuộc cách mạng cải cách thì năm 1990 phải xác định là dấu mốc khởi đầu của cuộc cải cách thứ hai - giai đoạn cải cách thật sự sâu rộng khi chuyển đổi một cách toàn diện kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường. Tại thời điểm đó, chúng ta bỏ hoàn toàn bao cấp, sử dụng các công cụ của kinh tế thị trường để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển và cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Sau đó là quá trình Việt Nam cải cách, liên tục cải cách, thực hiện chuyển đổi và hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường, hoàn thiện thể chế cho khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện khung khổ pháp lý, quản lý kinh tế vĩ mô. Và Việt Nam có được nền tảng tốt để vận hành nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Có ý kiến cho rằng, yếu tố quyết định là sự chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế thị trường trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đó là điều không thể phủ nhận. Tại các Đại hội XII, XIII, Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề tái cơ cấu, chuyển đổi kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế như một nội dung chủ yếu trong các văn kiện chính trị quan trọng của Đảng với những mục tiêu, định hướng rõ ràng. Song kết quả hiện nay còn chưa được như kỳ vọng, chưa đạt được những mục tiêu đã đề ra, một phần là do chúng ta đã duy trì quá lâu giai đoạn chuyển đổi thể chế kinh tế.
Mặt khác, có một thực tế, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… là những xu hướng đang thu hút sự chú ý của xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, nhưng hành động cụ thể thì chưa nhiều, chưa đáng kể. Lý do chính là các xu hướng này nếu muốn có kết quả phải được thực hiện trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế, mà không gì khác hơn ngoài kinh tế thị trường.
Bản chất kinh tế thị trường là tạo điều kiện cho người dân được làm những điều pháp luật không cấm, Nhà nước đóng vai trò định hướng và đồng hành trên con đường phát triển đó, chứ không nên tham gia tất cả các khâu, các việc mà người dân có thể làm và làm tốt.
Với tư cách một người nghiên cứu lâu năm về kinh tế, về các mô hình quản lý kinh tế, tôi kỳ vọng, chúng ta sẽ có một kết luận rõ ràng từ cấp có thẩm quyền để có thể thống nhất cách hiểu, cách cắt nghĩa và hành động chung về mô hình kinh tế thị trường mà Việt Nam đang triển khai.
- Ở thời điểm hiện nay, khi công tác chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng đang được thực hiện nhằm kiến tạo chiến lược phát triển trung và dài hạn của đất nước, chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa kỳ vọng vững vàng bước vào kỷ nguyên mới?
- Hiện nay, chúng ta đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo. Để sự chuyển đổi có hiệu quả thật sự, chúng ta không có cách gì hơn ngoài thực hiện áp dụng triệt để kinh tế thị trường để phát triển thị trường nhân tố sản xuất, như: thị trường quyền sử dụng đất, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ... Tất nhiên, kinh tế thị trường không thể thiếu vai trò của Nhà nước trong việc kiến tạo thể chế kinh tế khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, kiến tạo thị trường minh bạch, lành mạnh, bảo đảm cạnh tranh công bằng…
Đây là những nội dung quan trọng đã được đề cập tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Đó là phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Tại Đại hội VI, Đảng ta đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức và tư duy trong lý luận và hành động quản lý kinh tế của những người lãnh đạo cao nhất thời điểm đó khi đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng đang diễn ra và dám “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.
Muốn đạt được kỳ vọng đưa đất nước, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, đưa nền kinh tế cất cánh cũng phải bắt đầu từ tư duy và cần có sự đổi mới thật sự về tư duy. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói, cần chuyển đổi tư duy về vai trò lãnh đạo và cần thay đổi cách thức lãnh đạo của Đảng. Chỉ có đổi mới tư duy thì mới có được chỉ đạo đúng, hành động đúng. Và hành động đầu tiên cần có là đổi mới thể chế kinh tế, có sự phân bổ nguồn lực bằng thị trường mới có thể mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng
Nguồn: https://nhandan.vn/bai-toan-cap-thiet-dinh-hinh-the-che-kinh-te-post837428.html