VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Luật Phá sản năm 2014 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập

27/08/2024 - 267 Lượt xem

Trong 10 năm triển khai, các tòa án đã thụ lý 1..510 vụ việc phá sản. Có vụ việc bị kéo dài 10 năm, 16 năm đến nay vẫn đang thi hành. Vụ việc phá sản giải quyết nhanh nhất trong thời gian 01 tháng do doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán...

Tòa án nhân dân tối cao vừa có dự thảo báo cáo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật phá sản năm 2014, trong đó nêu rõ thực trạng và những tồn tại, hạn chế sau 10 năm triển khai…

CÓ VỤ VIỆC KÉO DÀI 16 NĂM...

Theo báo cáo, tính từ năm 2015-2023, các tòa án đã thụ lý 1.510 vụ việc phá sản. Trong đó, tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá ản đối với 554 vụ việc; trả lại đơn 66 vụ việc (trong đó có 01 vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với hợp tác xã do đương sự rút đơn nên Tòa án đã trả lại đơn yêu cầu).

Các tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với 234 vụ việc; ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản đối với 150 vụ việc, trong đó 44 vụ việc là tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn; ra quyết định đình chỉ thủ tục phá sản đối với 49 vụ việc.

Số quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản đã bị đề nghị xem xét lại, kháng nghị là 12; số quyết định tuyên bố phá sản đã bị đề nghị xem xét lại là 14. Số vụ việc đã áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh là 6 vụ.

Số lượng vụ việc phá sản mà Tòa án thụ lý, giải quyết tăng lên nhiều qua các năm, tập trung nhiều hơn ở các Tòa án cấp huyện nhưng không đồng đều giữa các tỉnh; đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tập trung ở Tòa án tại các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển như: Bình Dương (154 đơn), TP.HCM (138 đơn), Hà Nội (72 đơn), Đồng Nai (63), Hải Dương (52 đơn).

Một số Tòa án nhận được trên 10 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như Thanh Hóa (31 đơn), Hải Phòng (27 đơn), Tây Ninh (20), Đăk Lăk (18), Long An (17), Bình Định (15), Quảng Ninh (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Đà Nẵng (25 đơn), Quảng Nam (15)…

Cũng theo báo cáo, trong các vụ việc tòa án đã ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, căn cứ ra quyết định thường là Hội nghị chủ nợ thống nhất quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, Hội nghị chủ nợ không thành công, không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán...

Đặc biệt, thời gian giải quyết phụ thuộc vào tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ việc cũng như sự hợp tác của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán.

Có vụ việc phá sản bị kéo dài 10 năm, 16 năm đến nay vẫn đang thi hành. Vụ việc phá sản giải quyết nhanh nhất trong thời gian 01 tháng do doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán, không còn tiền, tài sản để thực hiện phương án phân chia tài sản.

KẾT QUẢ THI HÀNH ÁN CHIẾM 87,9%

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2023, tổng số tiền và tỷ lệ thi hành xong các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản tăng lên qua các năm.

“Năm 2015, các Cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 42 vụ việc với số tiền phải thi hành là 305 tỷ; trong đó, có 13 vụ việc với 155 tỷ có điều kiện để thi hành thì tỷ lệ thi hành xong là 84,62% vụ việc với số tiền thi hành được chiếm 56,51%.

Đến năm 2023, các Cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 324 vụ việc với số tiền phải thi hành là 2.198,8 tỷ; trong đó, có 202 vụ việc với 1.710,5 tỷ có điều kiện để thi hành thì tỷ lệ thi hành xong là 31,68 vụ việc nhưng số tiền thi hành được chiếm 87,90%.

Có thể thấy, tùy quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã, mức độ phức tạp trong xử lý tài sản mà tỷ lệ giải quyết, tính hiệu quả trong mỗi vụ việc là khác nhau nhưng thấy rõ xu hướng vụ việc phá sản được Tòa án giải quyết ngày càng tăng lên theo cấp số nhân”, báo cáo nêu.

NHỮNG HẠN CHẾ, VƯỚNG MẮC

Tuy nhiên, việc triển khai Luật Phá sản năm 2014 trên thực tế đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.

Theo đó, Luật Phá sản năm 2014 chưa bao quát hết các trường hợp phải có quyền/nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Mặt khác, tình trạng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ; né tránh, không hợp tác hoặc chậm trễ cung cấp chứng cứ xảy ra nhiều, gây khó khăn trong quá trình giải quyết…

Đặc biệt, Luật Phá sản 2014 chưa có quy định về nguồn kinh phí để chi trả cho các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết phá sản. Khái niệm “không còn tài sản” cũng cần được quy định cụ thể hơn, tránh hiểu, áp dụng không thống nhất…

Ngoài ra, các quy định tại Điều 41,47 của Luật Phá sản 2014 về tạm đình chỉ và đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án có thể tạo ra kẽ hở, dễ bị lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm của pháp nhân trong các bản án đã có hiệu lực trước đó. 

Bên cạnh đó, tình trạng quản tài viên từ chối tham gia giải quyết phá sản xảy ra không ít…

Báo cáo cũng chỉ ra rằng quy định về trình tự, thủ tục thời hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của thẩm phán, quản tài viên, bên nhận bảo đảm trong xử lý tài sản bảo đảm chưa được quy định rõ, đặc biệt với trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc làm giảm giá trị.

Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm không thực hiện được, làm giảm giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã…

Thực tế còn có sự hiểu sai, hiểu không đúng về điều luật, đánh đồng việc bù trừ nghĩa vụ với việc bán nợ cho bên thứ ba dẫn đến việc bất bình đẳng trong thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ khác. Hoặc việc quy định thời gian kiểm kê, xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã tối đa không quá 90 ngày cũng không phù hợp…

Theo tòa án, trên thực tế còn có một số quy định chồng chéo, không thống nhật giữa Luật Phá sản năm 2014 và luật khác như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Thi hành án dân sự, Luật Công đoàn…

Nguồn: vneconomy.vn