VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Giải pháp cho tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” khi đào tạo nhân lực

22/08/2024 - 107 Lượt xem

Theo các chuyên gia, việc các trường nghề kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo là giải pháp tiên quyết để khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" hiện nay. Điều này cũng tạo ra lợi ích cho cả hai bên, vừa nâng cao chất lượng nhân lực, vừa bảo đảm việc làm cho người học...

Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm “Xu thế đào tạo nghề: Góc nhìn đa chiều”, diễn ra ngày 19/8. 

XU HƯỚNG CHỌN HỌC NGHỀ NGÀY CÀNG TĂNG

Tại Hà Nội – một trong những thị trường lao động sôi động nhất cả nước, ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết hiện thành phố có hơn 300 đơn vị tham gia đào tạo nghề. Hằng năm, có khoảng hơn 200 nghìn người lao động tham gia thị trường được đào tạo từ các cơ sở này.

Chất lượng đào tạo nghề của Hà Nội ngày càng được khẳng định, khi “Chỉ số đào tạo lao động” trong “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI” của Hà Nội liên tục xếp thứ hạng cao trong những năm qua.

Tuy nhiên, ông Thảo cũng thừa nhận thực tế hiện nay, Hà Nội có rất ít trường được đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, nhất là trong bối cảnh xu hướng hội nhập quốc tế.

“Nguồn nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất đóng vai trò quan trọng, yếu tố quyết định trong sự cạnh tranh của mỗi quốc gia. Vì vậy, các trường phải tập trung đào tạo theo hướng chất lượng chứ không theo đại trà, số lượng, để nguồn lực lao động có thể vươn ra thị trường thế giới. Từ đó, các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để có việc làm với mức thu nhập tốt”, ông Thảo nói.

TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, đánh giá thế hệ trẻ hiện nay đang chuyển mình cùng công nghệ số, đón đầu xu hướng toàn cầu. Các em dễ dàng nắm bắt thời cuộc và dám vượt ra khỏi những quan niệm khuôn mẫu, những lối mòn trong tư tưởng cũ như “phải đậu đại học, học đại học mới có thể thành công”.

Do đó, nhiều em đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024 vừa qua, có thể đỗ vào những trường đại học thuộc top đầu cả nước nhưng vẫn quyết định rẽ hướng chọn trường nghề.

“Việc thí sinh chủ động chọn học nghề là xu hướng tốt. Bởi chọn học cao đẳng hoặc trung cấp nghề là các em đã có suy nghĩ thực tế hơn. Hiện nay, chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được nâng cao. Nhiều trường đã được kiểm định trong nước và quốc tế, được doanh nghiệp đánh giá tốt”, ông Ngọc thông tin.

Do đó, một tỷ lệ lớn sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp, đã có việc làm ngay theo đúng ngành nghề đào tạo.

Mặt khác, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cơ hội việc làm đối với sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp đang ngày càng trở nên phong phú.

"Thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề “không thấp”, đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực, như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử...", TS. Phạm Xuân Khánh cho hay.

LỢI ÍCH "KÉP" KHI DOANH NGHIỆP - TRƯỜNG NGHỀ HỢP TÁC ĐÀO TẠO

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực sự là “lựa chọn tin cậy” của thí sinh và phụ huynh, các nhà trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Đặc biệt, thực hiện tốt phương châm “gắn nhà trường với doanh nghiệp”, nâng cao tính thực tiễn trong quá trình đào tạo; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để gia tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp…

Từ đó hướng đến mô hình đào tạo trong thời gian ngắn (không quá 3 năm), song vẫn chất lượng và bảo đảm phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Quyết Long, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long, cho biết là đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất phụ trợ công nghiệp cho đa ngành nghề, tiêu chí lựa chọn lao động của công ty dựa trên các khả năng đáp ứng cơ bản của sinh viên mới ra trường, nhất là kỹ năng mềm trong nhà máy.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty sử dụng 100% lao động đã qua đào tạo. Những lao động đã qua đào tạo có kỹ năng về lý thuyết chuyên môn. Và cuối cùng là kỹ năng về nghề. Ba yếu tố này là rất cần thiết đối với doanh nghiệp.

Hiện công ty đang có một số dự án phát triển mới cho năm 2025, nên trong thời gian tới, dự tính cần số lượng lao động chất lượng cao trên 500 người.

Theo ông Long, để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, công ty không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư, mà vẫn có thể sử dụng nguồn lao động trung cấp kỹ thuật, miễn đáp ứng được yêu cầu.

Để chủ động nguồn lao động này, ông Long cho hay đơn vị đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề đồng hành với sinh viên từ những ngày đầu, đến khi tốt nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường đào tạo thực hành 2 năm trong nhà máy, tham gia vào tất cả các chuỗi hoạt động.

Ngoài ra, sinh viên được thực tập, nâng cao trình độ bởi các chuyên gia tại công ty và được hưởng lương trong quá trình thực tập. Sau tốt nghiệp, sinh viên có thể được nhận vào làm việc ngay.

Theo Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Lê Minh Thảo, việc các trường đào tạo nghề kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, nhất là những ngành nghề thay đổi liên tục theo công nghệ cũng là giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay.

Từ thực tiễn đơn vị đào tạo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh, cho biết bằng việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhà trường đã giải quyết hiệu quả mục tiêu kép, đó là nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.

“Nguồn lực từ việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên có thêm địa điểm thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, mà còn hỗ trợ nhà trường trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; liên kết đào tạo, công nhận văn bằng, chứng chỉ… đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo”, TS. Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh.

Nguồn: vneconomy.vn