Tin tức
Trạng thái tích lũy - đầu tư có sự thay đổi
29/07/2024 - 44 Lượt xem
Thông tin nửa đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy có sự chuyển dịch trạng thái giữa tích lũy tài sản và đầu tư phát triển toàn xã hội so với trước đây? Nguyên nhân là gì và dẫn tới kết quả ra sao?...
Theo Tổng cục Thống kê, xét sử dụng GDP, nửa đầu năm 2024 tích lũy tài sản tăng 6,72%, cao hơn tốc độ tăng GDP (6,42%). Trạng thái này khác với trạng thái tăng thấp hơn của năm 2023 (tích lũy tài sản tăng 4,09%, GDP tăng 5,15%), của năm 2022 (tích lũy tài sản tăng 5,40%, GDP tăng 8,12%).
CHUYỂN DỊCH TRẠNG THÁI
Tích lũy tài sản là tiền đề của đầu tư phát triển toàn xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tỷ lệ so với GDP của vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thường cao hơn của tích lũy tài sản (Hình 1).
Do đầu tư cao hơn tích lũy, nên phải tăng nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia. Trong khi đó, thu, chi ngân sách nhà nước trong nhiều năm thường bội chi, tác động tiêu cực đến an toàn tài chính của đất nước. Kết quả của nửa đầu năm 2024, tích lũy tài sản tăng cao hơn GDP, trong khi tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế chỉ tăng 6,8%, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng chưa đến 3%, thấp khá xa so với tốc độ tăng GDP.
Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP trong nửa đầu năm 2024 chỉ đạt 27,67%, thấp khá xa so với các năm trước và khả năng cả năm sẽ thấp hơn tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP. Sự chuyển trạng thái này vừa có tính tích cực, vừa có tính tiêu cực. Tính tích cực là giảm áp lực đối với gánh nặng nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia; tính tiêu cực là giảm lượng vốn đầu tư phát triển, mà vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng GDP.
GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Để khắc phục tính tiêu cực này, cần phải nâng cao hiệu quả đầu tư, bằng cách giảm hệ số ICOR (hệ số phản ánh để tăng 1 đồng GDP tăng thêm phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư - đều tính theo giá so sánh). Do kỳ nửa năm ngành Thống kê chưa tính hệ số ICOR, nhưng người viết dựa vào “suất đầu tư tăng trưởng” (tính bằng cách chia tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP cho tốc độ tăng trưởng GDP) thì ở mức thấp (27,67 : 6,42 = 4,3). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2024 sẽ có hiệu quả đầu tư cao hơn các năm trước (Hình 2).
Cùng với nâng cao hiệu quả đầu tư, cần phải đạt thặng dư trong thu, chi ngân sách nhà nước. Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã cố gắng đạt bội thu ngân sách (tổng thu 1020,6 nghìn tỷ đồng, chi 803,6 nghìn tỷ đồng, tạm tính bội thu 217 nghìn tỷ đồng, trong khi theo dự toán cả năm bội chi 419 nghìn tỷ đồng). Khả năng cả năm 2024 sẽ không đạt được mức bội thu cao, thậm chí có thể bội chi do tăng lương từ ngày 1/7/2024.
Một giải pháp quan trọng là nâng cao tỷ suất lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp, trong khi tỷ suất bình quân này của Việt Nam còn thấp hơn cả lãi suất vay của ngân hàng; của nhiều doanh nghiệp còn thấp hơn cả lãi suất gửi ngân hàng; thậm chí nhiều doanh nghiệp còn bị lỗ, chưa kể nhiều doanh nghiệp còn chưa đạt được các điều kiện vay của ngân hàng...
Nguồn: vneconomy.vn