Tin tức
Tờ khai luồng đỏ giảm mạnh, ngành hải quan đạt chỉ tiêu đề ra trong nửa đầu năm
26/07/2024 - 93 Lượt xem
Nửa đầu năm 2024, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ tờ khai luồng đỏ còn 3,41% và tỷ lệ luồng vàng giảm còn 30,26%, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu song vẫn đảm bảo công tác quản lý hải quan...
Tại Quyết định số 3177/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2023 do Tổng cục Hải quan ban hành về kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động cải cách, phát triển và hiện đại hoá trọng tâm năm 2024, ngành hải quan đặt ra mục tiêu tỷ lệ tờ khai luồng đỏ không quá 5,5% và luồng vàng không quá 40%.
Chỉ trong nửa đầu năm 2024, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và đã đạt được chỉ tiêu nêu trên, với tỷ lệ luồng đỏ giảm còn 3,41% và tỷ lệ luồng vàng giảm còn 30,26%. Kết quả này góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng thu ngân sách nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan.
Cụ thể, trong 6 tháng từ đầu năm 2024, toàn ngành hải quan áp dụng khoảng 183.007 chỉ số tiêu chí đảm bảo phân luồng thông suốt trên 8,3 triệu tờ khai hải quan, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Tỷ lệ phân luồng như sau: 5,5 triệu tờ khai luồng xanh, chiếm tỷ lệ 66,34%; 2,5 triệu tờ khai luồng vàng, chiếm tỷ lệ 30,26% và 0,28 triệu tờ khai luồng đỏ chiếm tỷ lệ 3,41%.
Theo trên, hàng hóa sẽ được phân loại thành 3 luồng, mỗi luồng hàng được phân loại nói lên mức độ đánh giá của cơ quan hải quan đối với hàng hóa trong quá trình quản lý rủi ro.
Cụ thể, luồng xanh sẽ được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; khi hàng hoá được phân luồng vàng, sẽ kiểm tra chi tiết hồ sơ nhưng miễn kiểm tra chi tiết thực tế hàng hóa. Còn những lô hàng có tỷ lệ rủi ro về pháp luật hải quan sẽ thường phân luồng đỏ, cần kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra chi tiết thực tế hàng hóa.
Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu giảm tỷ lệ luồng đỏ và luồng vàng theo yêu cầu, Cục Quản lý rủi ro tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Một là, rà soát đánh giá các văn bản quản lý chuyên ngành, đề xuất điều chỉnh giảm danh mục hàng hóa áp dụng quản lý chuyên ngành khi tham gia tổ chuẩn hóa của các bộ quản lý chuyên ngành.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các đề xuất áp dụng tiêu chí phù hợp với từng yêu cầu quản lý chuyên ngành theo hướng lược bỏ những yếu tố rủi ro thấp, chuyển giao đến các đơn vị hải quan các cấp thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro để áp dụng biện pháp kiểm tra phù hợp đối với các trường hợp chính sách chuyên ngành và danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành chưa được chuẩn hóa.
Hai là, rà soát đánh giá hiệu quả áp dụng tiêu chí theo văn bản tăng cường quản lý và đề xuất điều chỉnh tiêu chí phù hợp với kết quả đánh giá để giảm tỷ lệ phân luồng.
Ba là, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đánh giá tuân thủ, tiêu chí phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan để cơ cấu phân bổ mức độ tuân thủ và hạng doanh nghiệp sát hơn phù hợp hơn với thực tế triển khai và tỷ lệ phân luồng theo yêu cầu quản lý.
Bốn là, tăng cường rà soát tình hình chuyển luồng tại các cục hải quan tỉnh, thành phố và ban hành văn bản chẩn chỉnh kịp thời đối với các trường hợp chuyển luồng không đúng quy định và chuyển luồng không hiệu quả để giảm tỷ lệ chuyển luồng.
Cùng với đó, Cục Quản lý rủi ro tập trung triển khai khá bài bản, hoàn thiện công tác xây dựng, quản lý, áp dụng tiêu chí phân luồng quyết định kiểm tra. Việc quản lý, áp dụng tiêu chí được phân cấp hợp lý theo hệ thống dọc từ Tổng cục đến cục hải quan và chi cục hải quan. Hàng năm, hệ thống đơn vị này quản lý, áp dụng trên 1 triệu chỉ số tiêu chí các loại, đảm bảo thông suốt phân luồng trung bình 13 triệu tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu/năm.
Bên cạnh đó, các tiêu chí quy định và tiêu chí quản lý từng bước được phân loại, áp dụng kết quả đánh giá rủi ro; lược bỏ những yếu tố rủi ro thấp làm phức tạp, gia tăng việc kiểm tra hải quan.
Song song với đó, Cục Quản lý rủi ro xây dựng các quy định về tiêu chí đánh giá tuân thủ và phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để giảm tỷ lệ tác động của tiêu chí phân hạng đến tỷ lệ phân luồng vàng và luồng đỏ.
Để duy trì tỷ lệ luồng đỏ và luồng vàng như trên, trong nửa cuối năm 2024, Cục Quản lý rủi ro tiếp tục duy trì các giải pháp nêu trên, đồng thời phối hợp chặt chẽ, đề nghị các đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường rà soát, đánh giá hiệu quả các văn bản tăng cường quản lý hiện hành, đề xuất loại bỏ những mã số hàng hóa (mã số HS) qua kiểm tra có tỷ lệ phát hiện vi phạm và dấu hiệu vi phạm thấp.
Đối với các tiêu chí quản lý do Cục Quản lý rủi ro áp dụng, Cục thường xuyên rà soát, đánh giá điều chỉnh áp dụng theo mức độ tuân thủ doanh nghiệp kết hợp kiểm tra ngẫu nhiên và phân tích xác định trọng điểm tránh việc áp dụng trong thời gian dài tác động đến tỷ lệ phân luồng.
Nguồn: vneconomy.vn