Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa
Doanh nghiệp SME đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử
01/11/2023 - 685 Lượt xem
Xu hướng kinh doanh trên các nền tảng số ngày càng trở nên phổ biến và phát triển, tuy nhiên để duy trì được đà tăng trưởng trong kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cũng phải vượt qua không ít những thách thức và khó khăn....
Với tốc độ phát triển đứng phát triển nhanh đứng top 3 ở trong khu vực Đông Nam Á, các chuyên gia kinh tế cho rằng kim ngạch xuất khẩu thông qua thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027, nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CÓ NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC
Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Thông, CEO Công ty Trách nhiệm hữu hạn TT Garment, trong giai đoạn Covid-19, nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động sản xuất đã phải đóng cửa. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có khả năng thích nghi tốt đã chuyển mình, tận dụng thương mại điện tử để giao thương và tiếp tục duy trì.
Dưới góc độ là một doanh nghiệp SME, ông Thông cho biết sau khi chuyển dịch cách thức kinh doanh, tham gia sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Alibaba, vừa qua, lợi nhuận của TT Garment đã tăng gần 300%. Đối với một công ty may mặc trong thời điểm hiện tại thì đây là một trong những bước độ phá lớn.
Mặt khác, theo ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Alibaba.com, doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng rất lớn về khả năng sản xuất và giao dịch để có thể cung cấp nguồn hàng cho thị trường người mua toàn cầu.
GIẢM THIỂU RỦI RO THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU CHO SME
Mặc dù thương mại điện tử đang có những bước tiến vượt bậc, tuy nhiên theo bà Summer Gao, Giám đốc dịch vụ Chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á, Alibaba.com, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khi giao thương quốc tế cũng sẽ đối mặt với không ít những khó khăn.
Theo bà Summer Gao, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ tới từ các quốc gia khác trên sàn do chưa đảm bảo được sự tin tưởng, tín đang tin cậy của doanh nghiệp khi giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, sự phức tạp của quy trình xử lý đơn hàng truyền thống có thể gây ra những khó khăn cho việc theo dõi tiến độ của toàn bộ quy trình mua bán cũng như đảm bảo việc thu tiền kịp thời.
Đồng thời, bà Summer Gao cho rằng rủi ro trong thanh toán trực tuyến, chi phí vận chuyển đến thị trường mới sẽ cao hơn, khó tìm được đối tác vận chuyển tin tưởng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp.
“Việc tìm kiếm nguồn khách hàng phù hợp cũng là một trong những khó khăn lớn đối với doanh nghiệp. Nếu không có dữ liệu giao dịch trực tuyến, các nhà bán hàng vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ không thể chứng minh được năng lực kinh doanh để thu hút những người mua chất lượng”, bà Summer Gao nhấn mạnh.
Nhằm hạn chế những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sàn thương mại điện tử, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc 2023 (CIFTIS 2023) tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 9/2023 vừa qua, Alibaba.com đã cho ra mắt dịch vụ Đảm bảo Thương mại (Trade Assurance) dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Đây là bước đi quan trọng của Alibaba.com trong việc hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường toàn cầu. Trade Assurance là dịch vụ bảo vệ đơn hàng độc quyền của Alibaba.com nhằm giúp các SME giảm thiểu các rủi ro trong thương mại toàn cầu.
Không chỉ riêng Alibaba.com, hiện nhiều “ông lớn” trong ngành công nghệ cũng đã quan tâm đến các doanh nghiệp SME tại Việt Nam.
Gần đây, Rakuten Viber đã ra mắt bộ công cụ kinh doanh mới được thiết kế cho các doanh nghiệp SME, giới thiệu tài khoản doanh nghiệp tự phục vụ miễn phí cho các doanh nghiệp này. Ban đầu, dịch vụ này được mở thử nghiệm ở Philippines trước khi dần dần triển khai trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam.
Với hơn 20.000 thương hiệu trên toàn thế giới sử dụng, Viber for Business còn cung cấp một số giải pháp như quảng cáo, nhắn tin (tin nhắn kinh doanh, chatbot) hay các cuộc gọi công việc sắp tới và giải pháp OTP.
Bà Berina Tanovic, Giám đốc Kinh doanh tại Rakuten Viber, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Viber quan tâm triển khai các giải pháp. Khi doanh nghiệp Việt Nam mở rộng danh mục kinh doanh, ứng dụng sẽ điều chỉnh các giải pháp phù hợp với nhu cầu riêng biệt của các doanh nghiệp ở quy mô và địa điểm khác nhau. Các doanh nghiệp có thể sử dụng Viber để giao tiếp với khách hàng, qua đó kết nối với khách hàng từ địa phương và quốc tế.
Thống kê cho thấy, người Việt dành 2 giờ 32 phút mỗi ngày cho mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin, ở lại lâu hơn một phút so với mức trung bình của người dùng trên toàn cầu. Các báo cáo từ Data Reportal và Decision Lab Research cho biết 73% khách hàng tại Việt Nam sử dụng tin nhắn để tương tác với các nhãn hàng. Trong đó, 36% người dùng sẽ thực hiện việc mua hàng thông qua hình thức nhắn tin.
Nguồn: vneconomy.vn