Thiếu nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn
01/11/2023 - 363 Lượt xem
Theo các đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng bền vững, song thực tế nước ta vẫn đang thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm...
Thiếu nguồn lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mới, gần đây là lĩnh vực chíp bán dẫn là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên họp sáng 1/11.
TỐC ĐỘ TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành phục vụ kinh tế số.
Cơ cấu các ngành đào tạo hiện nay cũng chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới.
Thiếu lao động chất lượng cao phần nào tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động cũng là thực tế được đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, đề cập.
Đại biểu Nga dẫn chứng báo cáo của Chính phủ cho thấy năng suất lao động bình quân năm 2021 – 2023 tăng 4,36 – 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016 – 2018. Trong 3 năm liên tục của nhiệm kỳ này, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cũng không đạt mục tiêu.
Theo một số nghiên cứu, năng suất lao động của nước ta còn khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nước phát triển, trong khi việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Vì vậy, đại biểu cho rằng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung cải thiện chỉ tiêu quan trọng này, nâng hiệu quả sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Theo đại biểu, qua giám sát cho thấy Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, tuy nhiên tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ và bằng cấp còn rất thấp, đáng quan tâm là sự thiếu hụt các nhà khoa học sáng tạo, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển mới, kinh tế tri thức.
“Tình trạng mất cân đối về cơ cấu trình độ, ngành, vùng miền vẫn là điểm yếu dai dẳng trong phát triển nhân lực của nước ta. Sự bất cập trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra nhiều lần, tuy vậy, kết quả nhiệm kỳ qua theo báo cáo của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét”, đại biểu Nga nói.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn các tiêu chí, có giải pháp tổng thể, lâu dài tương xứng với yêu cầu là khâu đột phá, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Đặc biệt, cần có chính sách mạnh để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tập trung nguồn lực cho các ngành có giá trị gia tăng cao, như các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao.
Cũng cho rằng con người là yếu tố rất quan trọng quyết định thành bại của mọi chính sách khác, song đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nêu thực tế việc một số chính sách lớn chậm được triển khai, lúng túng trong thực hiện có nguyên nhân ngoài nguồn lực thực hiện còn hạn chế, thì còn do năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nguồn nhân lực thiếu và yếu trong một số ngành mũi nhọn.
Do đó, đại biểu đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào yếu tố con người, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục và đào tạo.
Nhấn mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng bền vững, đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đề nghị Chính phủ tập trung vào thu hút, trọng dụng nhân tài.
Đại biểu đánh giá cao Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng dự thảo về vấn đề này, và mong sớm đi vào vận hành, và có quy tắc chung cho toàn xã hội để thực hiện.
CÓ THỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU NHÂN LỰC CHÍP BÁN DẪN ĐẾN NĂM 2030
Giải trình thêm về các vấn đề được đề cập trong cuối phiên thảo luận sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng các đại biểu đã nêu nhiều nội dung quan trọng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Dự báo trong thời gian tới, ngành công nghiệp bán dẫn cần từ 50.000 – 100.000 nhân lực từ nay đến năm 2030.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nhận thức rõ được trọng trách sứ mệnh của mình trong lĩnh vực này, để phục vụ cho đổi mới các hoạt động đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng Sơn, trong dự báo cần 50.000 – 100.000 nhân lực bán dẫn thì chia thành nhiều trình độ, nhóm chuyên môn khác nhau, song ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Hiện nay, có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Các lĩnh vực gần như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông là những lĩnh vực có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung ngay nhân lực.
Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình; tăng cường điều kiện từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đảm nhận lượng công việc này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn, từ đó đào tạo sát, tránh việc đào tạo ào ào rồi cuối cùng lại thừa.
Dự kiến trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000.
Cũng theo Bộ trưởng Sơn, các con số tuyển sinh sẽ tăng dần, dự kiến từ 20 – 30% mỗi năm, để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.
“Với sự tập trung cao độ, giải quyết các vướng mắc, dự kiến đến năm 2030 có thể đáp ứng được nhân lực bán dẫn. Tuy nhiên đây là lĩnh vực công nghệ cao, chúng tôi mong muốn có sự đầu tư cao, nếu không thì không thể tay không bắt chíp được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.
Nguồn: vneconomy.vn