Số hoá thủ tục hành chính: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
26/10/2023 - 359 Lượt xem
Xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, đẩy mạnh số hoá thủ tục hành chính giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số…
Tại Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” ngày 25/10, TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết Chính phủ đã nỗ lực đưa ra các giải pháp số hoá các thủ tục hành chính, thúc đẩy cải cách đặc biệt trong cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
CẢ NƯỚC CÓ 11.956 BỘ PHẬN MỘT CỬA
Theo ông Phan, việc áp dụng giải pháp số đã mang đến những kết quả tích cực. Cụ thể, về cải cách quy định, thủ tục hành chính, đến nay Chính phủ và các bộ ngành đã cắt giảm, đơn giản hoá 2.480 quy định kinh doanh tại 199 văn bản quy phạm pháp luật. Đã đơn giản hoá 388/1.086 thủ tục hành chính (đạt 36%) theo 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Bên cạnh đó, đã sửa đổi 29 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp giải quyết 156/699 thủ tục hành chính, đạt 22%. Đã có 1.355 thủ tục hành chính nội bộ của 20/22 bộ, ngành và 2.492 thủ tục nội bộ của 60/63 địa phương đã được công bố.
Cùng với đó, đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh và đã công khai hơn 15.000 quy định kinh doanh như thủ tục hành chính, yêu cầu điều kiện, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, danh mục kiểm tra chuyên ngành, chế độ báo cáo… Cổng này đã ban đầu được đưa vào hoạt động, là cổng tương tác hai chiều giữa cơ quan nhà nước với người dân.
“Đây là cơ sở giúp tường minh mỗi bộ ngành có bao nhiêu quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, bao nhiêu quy định liên quan tới người dân và doanh nghiệp, vướng mắc được giải quyết đến đâu, kết quả như thế nào… Từ đó có công cụ đánh giá được nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương”, ông Phan nhấn mạnh.
Về đổi mới thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, hiện có 55,3% ban, ngành, địa phương đã xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử trên hệ thống trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính. 76,9% bộ phận một cửa đã triển khai số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 100% địa phương đã triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử tại bộ ngành đạt 24,48% và tại địa phương đạt 38,94%, cấp hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử, chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại cấp bộ đạt 81,39% và tại địa phương đạt 70,24%.
Ngoài ra, 16 bộ ngành và 63/63 địa phương đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư. Tại các bộ, ngành gần 4,5 nghìn thủ tục hành chính thì có khoảng 1,9 nghìn thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công toàn trình (42%), 1,3 nghìn thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công một phần (28,8%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến khoảng 80,7% (tăng 1,5 lần so với 2022).
Tại các địa phương, trung bình mỗi tỉnh có gần 1,9 nghìn thủ tục hành chính thì có khoảng 850 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công toàn trình (46,5%), hơn 600 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công một phần (32,9%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến khoảng 63,5% (tăng 1,8 lần so với năm 2022).
Cả nước có 11.956 bộ phận một cửa trong đó bộ, ngành có 867, địa phương có 11.089. Cũng trên cả nước có 58 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 11.031 bộ phận một cửa cấp huyện, xã.
Có 3 bộ, 20 địa phương tiếp nhận hồ sơ tại nhà hoặc hẹn giờ giải quyết; 1 bộ, 15 địa phương bố trí quầy tiếp nhận hồ sơ cho người già, phụ nữ mang thai; 2 bộ, 11 địa phương bố trí ki-ốt thông minh tại bộ phận một cửa.
“Đây là những bước tiến đáng ghi nhận trong cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp của các bộ ngành, địa phương”, ông Phan đánh giá.
ĐẾN 2025, SỐ HOÁ XONG TOÀN BỘ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Mặc dù vậy, ông Phan cũng thẳng thắn cho rằng hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều thứ để số hoá các thủ tục hành chính, như câu chuyện thể chế, thiếu đăng ký số do chưa có cơ sở dữ liệu dân cư…
Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số, theo ông Phan, thời gian tới cần đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh thông qua triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, 19 nghị quyết chuyên đề, đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, phát huy vai trì của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Với các bộ ngành, địa phương, thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tập trung xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; nhất là về hạ tầng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến và an toàn, an ninh mạng.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các nhóm thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Ông Phan cho biết Chính phủ yêu cầu từ nay đến 2025 các bộ ngành, địa phương phải số hoá xong toàn bộ hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực thi hành. Đồng thời, thực hiện Nghị định 27 của Chính phủ năm 2021 yêu cầu từ nay đến 2025 những dữ liệu chưa được số hoá khi người dân mang giấy tờ hồ sơ đến thì giúp người dân số hoá để tái sử dụng trong kho dữ liệu.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ - cơ quan thường trực Tổ công tác và Hội đồng tư vấn.
Đồng thời, tích cực cho ý kiến về các quy định, thủ tục hành chính dự kiến ban hành trong các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa khi được Hội đồng tư vấn và các bộ, ngành gửi lấy ý kiến. Chia sẻ, thông tin đến các doanh nghiệp thành viên để khai thác, sử dụng Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nguồn: vneconomy.vn