Tin nổi bật
Kiều hối sụt giảm vì dịch Covid-19
06/05/2020 - 547 Lượt xem
Lượng kiều hối đổ về Việt Nam bắt đầu sụt giảm nhưng không tác động lớn tới tỉ giá và cung - cầu ngoại tệ
Ngày 5-5, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết thống kê mới nhất cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 1,8 tỉ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên kiều hối giảm theo tháng trong nhiều năm qua. Từ nhiều năm nay, Việt Nam là một trong những nước nhận lượng kiều hối đứng trong nhóm cao của thế giới. Dù quý I/2020 mức sụt giảm của lượng kiều hối chưa mạnh vì dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng từ khoảng 2 tháng nay nhưng dự báo lượng kiều hối có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Một số công ty kiều hối xác nhận lượng ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về qua kênh này bắt đầu giảm trong 2 tháng nay. Đại diện NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết lượng kiều hối chuyển qua hệ thống Sacombank trong tháng 4 giảm 20% so với tháng trước. "Kiều hối bắt đầu giảm nhưng ở từng thị trường có mức giảm khác nhau phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch Covid-19 và tiến độ nới lỏng giãn cách xã hội để kinh tế hồi phục của từng quốc gia. Dù vậy, kiều hối sẽ không giảm quá mạnh và sớm phục hồi trong thời gian tới sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bởi lẽ, kiều hối về Việt Nam chủ yếu là dòng tiền gửi về hỗ trợ người thân trong gia đình, lao động xuất khẩu..." - vị đại diện Sacombank cho hay.
Kiều hối chuyển qua các kênh ngân hàng đã giảm khá mạnh từ 2 tháng nay. Ảnh: TẤN THẠNH
NH Thế giới (WB) mới đây cũng dự báo trong năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm mạnh khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và nhiều hoạt động bị đình trệ. Theo đó, dòng kiều hối chảy vào tất cả khu vực đều sẽ giảm xuống và là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Dù vậy, theo WB, kiều hối dù sụt giảm nhưng dự kiến vẫn là nguồn tài chính quốc tế quan trọng đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, bởi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được dự báo còn giảm sâu hơn (trên 35%). Trước đó, năm 2019, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia này đạt mức kỷ lục 554 tỉ USD, vượt lượng vốn FDI, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc giám sát nguồn lực chảy vào các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, năm 2019, lượng kiều hối đổ về khoảng 16,7 tỉ USD. Trong đó, TP HCM chiếm khoảng 5,3 tỉ USD. Phần lớn khách hàng nhận tiền sẽ chuyển sang VNĐ để gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này tăng liên tục những năm qua đã góp phần giúp Việt Nam tăng nguồn cung ngoại tệ và ổn định tỉ giá. Do đó, việc kiều hối giảm cũng tác động đến nền kinh tế.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, nhận định lượng kiều hối về Việt Nam sụt giảm gần đây chủ yếu do tác động của dịch Covid-19, một lượng người Việt đi xuất khẩu lao động phải về nước hoặc thu nhập của người thân ở nước ngoài giảm... Dù vậy, sự sụt giảm chỉ trong giai đoạn ngắn. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát và nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng cách ly xã hội, khôi phục hoạt động kinh tế, kiều hối sẽ tăng trở lại.
"Kiều hối giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ nhưng không tác động lớn tới tỉ giá bởi cung - cầu ngoại tệ trên thị trường hiện vẫn ổn định. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam theo số liệu công bố của NH Nhà nước khoảng 84 tỉ USD, đủ sức can thiệp bình ổn thị trường ngoại tệ trong trường hợp có biến động" - TS Huỳnh Trung Minh phân tích.