VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tham gia các FTA mới: Nông sản Việt lo yếu thế trên “sân nhà“?

16/12/2018 - 1180 Lượt xem

Thị trường nông sản Việt sẽ có được cơ hội thuận lợi khi các FTA có hiệu lực thuế quan được nới lỏng nhưng cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh mới.

Hiện nay Việt Nam đang tham gia một số Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định CPTPP đang trong quá trình phê chuẩn và EVFTA đang trong quá trình chuẩn bị ký kết. Những FTA này đang đặt Việt Nam trước một sân chơi kinh tế mới với những thay đổi mang tính chiến lược.

Xu hướng đẩy mạnh tự do hoá thương mại hàng nông sản thông qua việc ký kết và thực thị các FTA thế hệ mới giúp Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi hơn về thuế quan, phi thuế quan. Đây cũng là cơ hộ để thị trường nông sản cơ cấu lại tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào.

Với Hiệp định CPTPP hàng loạt hàng nông sản xuất khẩu của các nước thành viên trong đó có Việt Nam sẽ được giảm thuế. Tại thị trường Canada, 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xoá bỏ thuế quan, xoá bỏ thuế nhập khẩu gạo khi Hiệp định có hiệu lực. Với Nhật Bản, xoá bỏ thuế quan được 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ…

Dự kiến sau khi có hiệu lực EVFTA sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xoá bỏ trong vòng 7-10 năm. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất đạt được trong các FTA đã ký kết cho tới nay. Nhiều mặt hàng nông sản hưởng thuế xuất 0% ngay khi Hiệp định này có hiệu lực như cà phê, hạt tiêu, mật ong tự nhiên… EU đang là thị trường đứng thứ 2 về xuất khẩu đối với những mặt hàng nông sản chủ lực này.

Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xoá bỏ thuế quan ngay sau khi  Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Khoảng 50% thuế của EU dành cho thuỷ sản Việt Nam sẽ được xoá bỏ, số còn lại sẽ được xoá bỏ trong 3-7 năm.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gỗ, sản phẩm từ gỗ, thuỷ sản… có lợi thế khi cạnh tranh với ưu đãi về thuế quan. Tham gia vào các FTA mới còn giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường ra những thị trường xuất khẩu mới nhiều tiềm năng như Canada, Australia…

Thách thức cho thị trường nông sản

Bên cạnh nhưng thuận lợi khi tham gia vào các FTA mới, thị trường nông sản Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức. Đó là, sự cạnh tranh sản phẩm nông sản ngay trên sân nhà khi hàng rào thuế quan được nới lỏng, áp lực đổi mới về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề. Đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực.

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, suốt một thời gian dài, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng không vượt lên được tỷ lệ 1%, đặc biệt hầu như không có doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa xây dựng được những doanh nghiệp sản xuất mạnh.

“Đếm đi đếm lại trong nông nghiệp cũng chỉ có một vài doanh nghiệp kiên trì nhất, như Vinamilk, TH True Milk, các doanh nghiệp làm tôm hay Lộc Trời kiên quyết đứng ở lại đầu tư trong nông nghiệp” - TS Đặng Kim Sơn nói.

Khó khăn lớn nhất chính là đất đai. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sợ nhất không có đất để mở nhà máy, không thể liên kết được nhiều hộ nông dân có diện tích đất nhỏ lẻ. Doanh nghiệp nông nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng, trong đó có vốn đầu tư trung hạn, đầu tư dài hạn ngay cả vốn ngắn hạn còn thiếu. Lao động trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp hầu hết là lao động thời vụ, không có trình độ, tay nghề, không có ý thức gắn bó cũng là điểm khó khăn cho các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, TS Đặng Kim Sơn phân tích.

Lợi thế được nới lỏng thuế quan vào các thị trường lớn sẽ hỗ trợ cho thị trường nông sản Việt phát triển. Nhưng việc mở cửa thị trường nông sản Việt cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh các tập đoàn sản xuất nông sản lớn trên thế giới trong khi điều kiện lao động vẫn còn yếu kém. Chính sách về đất đai, tiếp cận vốn và đội ngũ lao động trong nông nghiệp cũng cần có chính sách của Nhà nước hỗ trợ, để tái cơ cấu lại đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trong giai đoạn mới./.

Nguồn: VOV