Hội nhập kinh tế quốc tế
Doanh nghiệp Việt vẫn kém trong việc nắm bắt cơ hội từ các FTA
17/12/2018 - 1315 Lượt xem
Cơ hội từ các FTA mang tới nhiều, nhưng nếu doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ, thiếu mặn mà thì những nỗ lực từ phía Nhà nước cũng "bỏ sông bỏ bể".
Từ ngày 14/1/2019, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức thực hiện theo lộ trình thuế quan cam kết.
Điều này được dự báo sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam cũng như hoạt động của doanh nghiệp (DN). Theo đánh giá của ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), khi CPTPP có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan. Mỗi mặt hàng sẽ có một mức thuế cụ thể, cắt giảm theo lộ trình chứ không phải ngay một lúc.
Theo tính toán, trung bình mức thuế được cắt giảm khoảng hơn 60% cho lần đầu tiên; sau 3 năm sẽ lên đến trên 80%. Ông Khanh cho rằng, DN cần tìm hiểu rõ về thị trường đó xem nhu cầu như thế nào? Sản phẩm của mình có đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay không? Tiếp đó, DN tìm hiểu xem cần đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ như thế nào - đây là điểm mấu chốt. Sau khi xác định xuất khẩu mặt hàng cụ thể, DN thực hiện tra mã, đối chiếu về các quy định về quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng đó.
Điểm lưu ý, CPTPP có cái hay là có chế độ cộng dồn, nên dù sản phẩm là nhập về và xuất khẩu lại thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế thông qua việc tính % giá trị gia tăng, ông Khanh cho hay.
Trên thực tế, theo thống kê của Bộ Công thương, hiện DN Việt mới chỉ tận dụng được 30% cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), theo ông Ngô Chung Khanh, nguyên nhân chủ yếu là do DN bởi họ chưa thực sự quan tâm nhiều đến các FTA. Sự chủ động của DN để nắm bắt các cơ hội đến từ các FTA vẫn còn kém.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nêu thực tế: DN không chủ động và linh hoạt tìm hiểu về cơ hội, mức thuế cũng như cách để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sản phẩm của mình đến các thị trường. Rất ít DN tự liên hệ với đoàn đàm phán để hỏi thông tin nhằm tìm hiểu thị trường xuất khẩu và ưu đãi cho sản phẩm của mình.
"Chúng ta đều nhìn thấy rõ những cơ hội phát triển hiệp định này mang đến cho DN. Song nếu DN vẫn thờ ơ, thiếu mặn mà thì những nỗ lực từ phía Nhà nước cũng "bỏ sông bỏ bể". Có thể nói, cơ hội hay thách thức thì đều nằm trong tư duy và bàn tay của DN", ông Khanh chỉ rõ.
Phải tuân thủ luật chơi quốc tế
Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đa số các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng tuân thủ nguyên tắc xuất xứ. Để làm việc này, nếu doanh nghiệp học hỏi, và làm bài bản theo nguyên tắc thì chi phí ít, còn doanh nghiệp "làm bừa" theo kiểu sai thì chịu phạt sẽ chịu chi phí cao.
Tuy nhiên, TS. Thành lưu ý, điều nguy hiểm ở việc làm bừa là tạo ra thói quen không bài bản, không chỉ hại doanh nghiệp mình mà hại cả cộng đồng doanh nghiệp Việt. Nếu bị khách hàng "tuýt còi" thì không chỉ ảnh hưởng doanh nghiệp đó mà cả ngành hàng do các doanh nghiệp khác sản xuất. Vì thế, doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi quốc tế.
Đề cập tới thách thức khi thực thi CPTPP, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, DN Việt sẽ phải đối mặt với nhiều vụ việc cạnh tranh có tính chất phức tạp, hành vi phản cạnh tranh đa dạng và tinh vi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng trong thời gian tới.
"Các tác động sâu của CPTPP đến nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào sự chuẩn bị và khả năng khai thác tính hai mặt trong quá trình triển khai Hiệp định này của Việt Nam", TS. Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm./.
Nguồn: VOV