Tin tức
2007: Kinh tế Việt Nam qua nhìn nhận của các chuyên gia
06/08/2010 - 520 Lượt xem
Năm 2007, năm đầu tiên nền kinh tế VN hội nhập vào "sân chơi" chung toàn cầu, sẽ có nhiều thách thức, song cơ hội là lớn hơn. Các chuyên gia kinh tế đều dự báo "lực đẩy" của cạnh tranh và hội nhập sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam tiến vào quỹ đạo kinh tế toàn cầu một cách ổn định và bền vững.
Christoph Wiesner, Tham tán Chính trị, Kinh tế và Thương mại của Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu tại VN: Kinh tế VN tiếp tục đà phát triển mạnh
Theo tôi, sang năm 2007, một lần nữa kinh tế VN sẽ tiếp tục đà phát triển rất mạnh. Người tiêu dùng trong nước sẽ được lợi từ việc giá cả hàng hoá rẻ hơn do hàng rào thuế quan đã được cắt giảm, trong khi nền công nghiệp lại có thể thu nhiều lợi nhuận hơn do nguyên liệu nhập khẩu đầu vào có giá hạ hơn, do đó cơ hội tham gia vào thị trường thế giới sẽ rộng mở hơn, trong đó có thị trường Liên minh Châu Âu vốn đang là đối tác kinh tế lớn nhất của VN.
Tôi trông đợi giao dịch thương mại sẽ phát triển mạnh mẽ, ít nhất là trong khu vực các doanh nghịêp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực sẽ giành được nhiều sân chơi hơn theo Luật Doanh nghiệp mới. Mặt khác, tất cả các ngành công nghiệp cũng sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, do thị trường vốn của VN ngày càng phát triển sâu rộng, vững chắc nhờ những biện pháp tự do hoá được áp dụng đối với thị trường chứng khoán còn non trẻ gần đây.
Tuy nhiên, gia nhập WTO không phải là điểm kết thúc của một quá trình, mà ở nhiều phương diện, nó chỉ là bước đầu tiên trên cả một con đường dài của VN. Gánh nặng vẫn đang nằm ở phía trước. Để có thể tồn tại trong một môi trường quốc tế cạnh tranh khốc liệt, VN cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách.
Tiến sĩ Peter Naray - Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên II (Mutrap II): Bước đột phá của xuất khẩu VN
Việc VN gia nhập WTO có tác động ngay đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào VN, vì các nhà đầu tư nước ngoài đã mong chờ việc này từ lâu. Việc gia tăng FDI trong năm 2007 và những năm sau khi gia nhập WTO sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của VN. Bên cạnh đó, năm 2007 sẽ là năm bản lề chứng kiến bước đột phá của các nhà xuất khẩu VN trong việc thâm nhập thị trường các nước thành viên WTO, nhất là đối với hàng dệt may vào thị trường Mỹ.
Việc hội nhập khu vực cũng dễ dàng hơn do khung pháp lý và vị thế của VN đã ngang bằng với các thành viên ASEAN khác. Song do những cam kết giảm thuế từ hội nhập WTO, nên sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp VN sẽ tăng lên. Các nhà sản xuất trong nước phải cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngoài một số loại hàng hoá phải giảm thuế ngay sau khi gia nhập, lộ trình thực hiện của VN tương đối hợp lý (từ 5-7 năm). Vì vậy, doanh nghiệp VN vẫn có đủ thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, thông qua nỗ lực của bản thân cũng như tìm kiếm đối tác để thu hút vốn, công nghệ.
Claudio Dordi - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Dự án hỗ trợ VN gia nhập WTO của Chính phủ Italia: Điểm hút đầu tư trong năm 2007
Lực đẩy từ việc gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO) sẽ mang lại cho nền kinh tế VN những khởi sắc mới, đặc biệt là về lượng đầu tư nước ngoài đổ vào VN. Khu vực tài chính, viễn thông và thương mại sẽ có sức bật mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc theo đuổi và thực hiện các cam kết gia nhập WTO sẽ thúc đẩy việc cải cách hành chính tại VN, minh bạch hơn và rõ ràng hơn.
Sức ép cạnh tranh là rất lớn, nhưng theo tôi nó mang lại cái lợi lớn hơn là doanh nghiệp VN sẽ học được cách hợp tác và làm việc cùng với doanh nghiệp nước ngoài. Tôi cho rằng, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của VN trong năm 2007 sẽ tiếp tục ở con số ấn tượng khoảng 8%. Gia nhập WTO còn khiến người tiêu dùng VN được hưởng lợi, do các mặt hàng đều giảm giá và đa dạng hơn về chủng loại nên sức tiêu thụ cũng lớn hơn.
Ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2007, GDP có thể đạt trên 8,5%
Năm 2007 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP sẽ cao hơn mức đề ra (7,5-8%/năm), khả năng đạt 8,2-8,5% và có thể trên mức 8,5%. Sở dĩ nói điều này là do các nguồn lực đầu tư vẫn chưa được tận dụng hết.
Từ năm 1993-2006, vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho VN lên tới 37 tỉ USD, cụ thể hoá bằng các hiệp định ký kết là 27 tỉ USD, nhưng chỉ có 18 tỉ USD được giải ngân. Tương tự, vốn FDI các nhà đầu tư cam kết tới 60 tỉ USD, nhưng vốn thực hiện (bằng các dự án đã đầu tư và đi vào hoạt động) chỉ là 28 tỉ USD. Cộng cả 2 nguồn vốn trên lượng vốn đưa vào đầu tư để tăng trưởng chiếm chưa đến 50%.
Như vậy là nguồn lực cho đầu tư phát triển còn có thể đẩy lên nữa, nhưng vấn đề khả năng hấp thụ của nền kinh tế chưa cao. Nếu chúng ta đẩy mạnh được lượng vốn giải ngân và tăng trưởng XK - đây chính là hai "đầu tàu" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, trong đầu tư cần coi trọng hiệu quả vì chất lượng tăng trưởng phụ thuộc lớn vào điều này, nếu không cải thiện hiệu quả đầu tư thì những năm tới 2008-2009 sẽ rất khó khăn để đạt tốc độ trưởng cao.
Nguồn: Lao Động