VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Lo thời kỳ hậu ODA (02/02)

06/08/2010 - 270 Lượt xem

Do đó, các nhà hoạch định cần phải tính đến những giải pháp vừa tăng cường tối đa khả năng thu hút trong 4 năm còn lại, vừa tìm ra những nguồn vốn đủ khả năng bù đắp sự thiếu hụt của nguồn vốn ODA vốn rất quan trọng trong thời gian qua.

Tính đến 2006, cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA khá lớn với tổng giá trị 32,53 tỷ USD, đã ký kết 22,6 tỷ USD và đã giải ngân 15,9 tỷ USD. Trong 5 năm gần đây, ODA đã bổ sung khoảng 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 17% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Trong đó, 34% lượng vốn này dành cho giao thông, hạ tầng đô thị, 34% cho y tế, giáo dục, môi trường, khoa học kỹ thuật, 16% dành cho nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và 16% còn lại dành cho năng lượng và công nghiệp.

Chuyển sang thời kỳ kế hoạch 2006-2010, vốn ODA tiếp tục giữ vị trí quan trọng với nhu cầu vốn cam kết 19-21 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 11 tỷ USD. Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên cho phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường và tài nguyên, tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai.

Dự báo về khả năng vốn ODA, theo ông Trần Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), căn cứ vào nhiều yếu tố, có thể nguồn vốn này sẽ được các nhà tài trợ thực hiện đủ nhu cầu với bình quân 4 tỷ USD/năm, tăng trung bình 8% so với mức cam kết của năm 2005.

Cụ thể, theo ông Cường, về vốn ký kết sẽ có khoảng 8 tỷ USD chuyển tiếp của thời kỳ 2001-2005, vốn mới đạt khoảng 12,35-15,75 tỷ USD và tổng cộng sẽ có khoảng 20,35-23,75 tỷ USD. Kết quả khảo sát của các nhà tài trợ cũng cho một con số tương tự là 23,23 tỷ USD.

Trong khi đó, vốn giải ngân thời kỳ này đạt khoảng 11,46-12,41 tỷ USD và kết quả thăm dò ý kiến các nhà tài trợ cũng đạt trong khoảng 10,9-12,3 tỷ USD.

Xét dưới cơ cấu sử dụng ODA theo vùng lãnh thổ, Chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để tăng tỷ trọng vốn ODA hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương thuộc vùng ưu tiên, cụ thể là tích cực vận động ODA cho các vùng nghèo và khó khăn như vùng trung du miền núi Bắc bộ, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên và vùng ĐBSCL.

Hiện các nhà tài trợ có khá nhiều khuyến nghị về định hướng và thu hút sử dụng ODA ở Việt Nam. Đối với vốn của các Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật bản (JBIC), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), Chính phủ thu hút và sử dụng ODA của các tổ chức này cho các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tầm cỡ quốc gia, vùng lãnh thổ cũng như cơ sở hạ tầng đô thị đối với 1 số thành phố, thị xã trọng điểm để có tác dụng xúc tác cho sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững.

Trong khi đó, vốn từ các nhà tài trợ song phương và đa phương sẽ dành hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội quy mô nhỏ khu vực nông thôn, miền núi, tăng cường năng lực con người, tăng cường đồng tài trợ để tăng quy mô đầu tư nhằm giảm tình trạng kém hiệu quả và trùng lắp khi các nhà tài trợ hỗ trợ riêng lẻ.

Về mặt tổng thể, Chính phủ cần ưu tiên sử dụng ODA không hoàn lại cho các chương trình và dự án không có khả năng hoàn vốn, đặc biệt hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, những địa phương có nhiều khó khăn. Vốn ODA hoàn lại, đặc biệt các khoản vay có ưu đãi cao ưu tiên sử dụng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Đối với các khoản vay ODA có điều kiện ưu đãi kém hơn (lãi suất cao, thời gian trả nợ và ân hạn ngắn) cần sử dụng cho các chương trình, dự án có tính khả thi cao về mặt kinh tế và có khả năng trả nợ.

Cũng do xác định việc thu hút và sử dụng ODA sau năm 2010, tỷ trọng nguồn vốn ODA có điều kiện ưu đãi cao trong tổng vốn ODA sau năm 2010 sẽ giảm, đồng thời vốn vay ODA có điều kiện gần với điều kiện vốn vay thương mại có thể sẽ tăng lên, nên các nhà hoạch định chủ trương cần phải đẩy mạnh áp dụng các mô hình viện trợ mới.

Cụ thể là tiếp cận theo chương trình, ngành, hỗ trợ ngân sách chung và hỗ trợ ngân sách để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, công bố chính sách cho vay lại nguồn ODA cụ thể đối với chương trình, dự án trong từng lĩnh vực, địa bàn đầu tư nhằm phát huy vai trò chủ đạo của Chính phủ, giảm chi phí giao dịch, tăng cường hài hòa thủ tục và tuân thủ hệ thống của Chính phủ.

Đồng thời, triển khai Kế hoạch hành động thực hiện định hướng quản lý nợ nước ngoài, triển khai tốt công tác xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do nguồn ODA "gánh" trước đây.

Nguồn: TB KTVN