VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Tăng trưởng xuất khẩu 2007 dựa vào đâu? (02/02)

06/08/2010 - 254 Lượt xem

Thưa Bộ trưởng, nguyên nhân nào dẫn đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Bộ Thương mại trong năm 2007 lại cao hơn mục tiêu mà Chính phủ đề ra?

Trong năm 2007, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 17,4%. Tuy nhiên, Bộ Thương mại đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu phải trên 20%.

Có một mối quan hệ giữa tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng GDP mặc dù chưa một nhà kinh tế nào tính được hệ số đó nhưng chắc chắn rằng muốn tăng GDP phải tăng xuất khẩu. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 8,5%, vì vậy sản xuất không thể tăng dưới 20%.

Cho dù chúng ta có mở cửa thị trường nội địa đến mấy đi nữa thì do sức mua còn hạn chế, tiêu thụ trong nước chỉ có thể tăng đến một mức nhất định, cho nên buộc chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu.

Vậy mức tăng trưởng xuất khẩu của năm 2007 sẽ trông vào đâu, thưa Bộ trưởng?

Cơ cấu xuất khẩu những mặt hàng chủ lực trong năm 2007 sẽ chuyển sang những mặt hàng công nghiệp (một ví dụ, chúng ta có thể khai thác nhóm hàng cơ khí, bởi đây là nhóm hàng rất có tiềm năng.

Chúng ta đang bắt đầu phát triển xuất khẩu các mặt hàng cơ khí, động cơ loại nhỏ, tàu thuyền...) bởi những mặt hàng chủ lực trước đây, chẳng hạn như mặt hàng dầu thô trong thời gian tới có thể giá sẽ giảm so với năm 2006 và sản lượng cũng không tăng nhiều; than đá cũng không thể khai thác lớn nữa để đảm bảo an ninh năng lượng trong nước bởi chúng ta đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện nên cần phải dự trữ; gạo trong năm 2005 xuất khẩu trên 5 triệu tấn, năm 2006 là 4.750 ngàn tấn và năm 2007 có khả năng giảm xuống 4,5 triệu tấn.

Bên cạnh đó, hàng dệt may cũng có thể tăng nhưng cũng phải kiềm chế tốc độ, nhất là kiềm chế việc giảm giá để tránh nguy cơ theo dõi chống bán phá giá...

Vì vậy, mức tăng trưởng xuất khẩu của năm 2007 cũng sẽ tăng dồn vào các mặt hàng thuỷ sản và nông nghiệp với mức tăng khoảng 30% (tương đương với kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD/ ngành hàng).

Mức tăng còn lại sẽ trông vào 2 khả năng: một là tăng nhanh xuất khẩu ở một số mặt hàng mà sản xuất trong nước tăng và có thị trường, hai là phải mở rộng thị trường xuất khẩu.

Vậy Bộ trưởng có lạc quan về việc ngành thương mại sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Thương mại đặt ra hay không?

Việc có hoàn thành được nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho ngành thương mại năm 2007 hay không phụ thuộc vào nhận thức tích cực trên cơ sở “2 chân và 3 mũi”. “2 chân” là gì?

Chân thứ nhất là chúng ta phải phát triển mạnh về xuất khẩu. Đây là một nhân tố rất quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy rằng chúng ta không đưa ra được nhân tố chính giữa lĩnh vực xuất khẩu với tăng trưởng kinh tế nhưng mà lâu nay, bao giờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dù có ở mức thấp nhất cũng phải gấp đôi hoặc hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP.

Chính vì vậy, trong khi điều kiện sống hiện nay được cải thiện tương đối mà chúng ta cho rằng nguyên nhân là do đầu tư tăng lên khiến tiêu dùng nội địa tăng theo, nhưng thực chất vai trò của xuất khẩu còn quan trọng hơn. Vì thế, Bộ Thương mại đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 20% trong năm 2007.

Để có thể tăng trưởng xuất khẩu thì giải pháp trước hết là cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong nhiều cuộc họp Chính phủ, ngay cả trong cuộc họp ngày 31/1 vừa qua, khi thảo luận chương trình hành động của Chính phủ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương, nhấn mạnh khâu quan trọng nhất là tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh.

Trong hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam không sợ cạnh tranh với các đối tác nước ngoài bằng sợ một bộ máy quản lý hành chính có tham nhũng.

Giải pháp thứ hai được Thủ tướng lưu ý là cần phải tăng cường xúc tiến thương mại và nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác xúc tiến thương mại.

Giải pháp thứ ba là tạo ra mối liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ xuất khẩu, từ Bộ Thương mại với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, với các hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp để có thể cung cấp thông tin, tìm thị trường hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề xuất khẩu.

Chân thứ hai là thúc đẩy thị trường nội địa. Trong năm 2006, tổng doanh số bán lẻ hàng hoá là 580.700 tỷ (khoảng 37 tỷ USD), tăng so với năm 2005 là 20,9%. Tôi nghĩ rằng, trong năm 2007, tổng mức bán lẻ hàng hoá phải ở mức khoảng 45 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng cũng phải đạt trên 20%. Đây cũng là một nơi tiêu thụ lớn.

Tất nhiên, tiêu thụ trong nước hiện nay vẫn thấp hơn kim ngạch xuất khẩu với mức chênh khoảng vài ba tỷ USD. Nếu chúng ta nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2007 lên khoảng 47 - 48 tỷ USD thì thị trường nội địa cũng phải tiêu thụ khoảng 45 tỷ USD. Đó là về mặt lượng tiêu thụ, nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào tổ chức được thị trường đảm bảo chất lượng.

Từ 2 “chân” này sẽ đưa tới 3 “mũi”, mũi thứ nhất liên quan đến xuất khẩu, mũi thứ hai là thị trường nội địa và mũi thứ ba là hội nhập. Hội nhập chính là yếu tố tạo điều kiện cho chúng ta thực hiện tốt việc phát triển thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nguồn: TB KTVN