Sẽ có làn sóng đầu tư vào bưu chính viễn thông trong 2007
06/08/2010 - 562 Lượt xem
Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá nhận định, với tiềm năng sẵn có và một lộ trình mở cửa thị trường khá hấp dẫn theo cam kết gia nhập WTO, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, đặc biệt khả năng thu hút đầu tư nước ngoài là rất lớn.
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN gần đây, Bộ trưởng cho biết, chỉ tính riêng lĩnh vực dịch vụ viễn thông, hiện đã có sự góp mặt của gần 2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh đó là sự “mặn mà” của các nhà đầu tư đến từ các cường quốc công nghệ thông tin như Nhật Bản với gần 1 tỷ USD vốn cam kết và các dự án điện tử-công nghệ cao tại tỉnh Hà Tây và một số tỉnh khác; hay sự xuất hiện của Tập đoàn Intel (Mỹ) với 1 tỷ USD để xây dựng Nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Điều này đã và đang khẳng định Việt Nam là một điểm hấp dẫn và rất đáng tin cậy đối với cộng đồng các nhà đầu tư CNTT và truyền thông nước ngoài”, ông Tá nói và dự báo “trong năm 2007, sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này”.
Giải thích về dự báo này, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cho rằng nguyên nhân chính là lộ trình cam kết hội nhập WTO của Việt Nam đang đi theo hướng cải thiện tích cực môi trường đầu tư để phù hợp với thông lệ quốc tế. Biên độ mở cửa thị trường BCVT theo lộ trình tăng dần, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư được tham gia ngày sâu rộng vào lĩnh vực được coi là khá nhạy cảm này.
Cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh không vượt qua 49% vốn góp với doanh nghiệp Việt Nam đã có hạ tầng mạng. Đối với các doanh nghiệp chưa có hạ tầng mạng, ngay khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty nước ngoài được liên doanh với mức góp vốn không vượt quá 51% và sau ba năm sẽ được phép chọn lựa đối tác liên doanh và nâng mức góp vốn lên 65%.
Đối với dịch vụ chuyển phát nhanh, Việt Nam cam kết cho phép thành lập liên doanh 51% vốn nước ngoài ngay sau khi gia nhập WTO và cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài sau 5 năm tiếp theo.
Ở lĩnh vực dịch vụ vệ tinh, ba năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam nếu có đủ điều kiện có thể được cấp phép sử dụng trực tiếp dịch vụ vệ tinh của các nhà cung cấp nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết cho phép đối tác nước ngoài được kết nối dung lượng cáp quang biển của các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam là thành viên, đồng thời được bán dung lượng truyền dẫn này cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế có hạ tầng mạng tại Việt Nam.
Riêng đối với dịch vụ mạng riêng ảo và dịch vụ viễn thông gia tăng giá trị như thư điện tử, truy nhập Internet, được cung cấp trên hạ tầng mạng do Việt Nam kiểm soát thì các đối tác nước ngoài được liên doanh ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO với mức góp vốn tối đa là 70%.
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá nhận định rằng, cùng với những tác động tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài, những cam kết này cũng sẽ là động lực mới để các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất doanh và năng lực cạnh tranh.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, đại diện một trong những doanh nghiệp đã khá thành công trên thị trường Việt Nam, Tổng giám đốc Bộ phận truyền thông của Siemens Việt Nam, ông Alfred Fahringer nhận định Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn phát triển viễn thông; so với các nước trong khu vực, Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng cơ sở viễn thông hiện đại.
Ông Alfred Fahringer cũng cho rằng, với những cam kết mở cửa thị trường như vậy, ngành này đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam Eddie Ahman thì nhận định thị trường viễn thông Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh quyết liệt hơn sau khi gia nhập WTO. Người đứng đầu Ericsson Việt Nam cũng cho biết nhà khai thác mạng lớn này sẽ tiếp tục mở rộng tổ chức để nắm bắt cơ hội kinh doanh tại Việt Nam-một thị trường quan trọng đối với Ericsson, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin di động./.
Nguồn: TTX VN