VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Tạo bước đột phá phát triển kinh tế miền núi phía Bắc

06/08/2010 - 549 Lượt xem

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chăn nuôi và rừng nguyên liệu được coi là hai mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực miền núi phía Bắc những năm tới.

Đây cũng được xác định là khâu đột phá để tận dụng thế mạnh tự nhiên và nguồn lao động dồi dào nhằm nâng cao đời sống của người dân ở khu vực đang được coi là nghèo nhất nước này.

Thứ trưởng ộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị cho biết, Bộ đang hoàn tất quy hoạch các loại rừng, trong đó chỉ giữ lại một diện tích hợp lý rừng phòng hộ, ưu tiên tăng diện tích rừng sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân trồng rừng.

Theo quy hoạch, 5 năm tới, diện tích rừng sản xuất ở khu vực này sẽ được phát triển lên gần 2,4 triệu ha trong tổng số khoảng 7,2 triệu ha rừng toàn vùng. Diện tích rừng sản xuất này chủ yếu là nguyên liệu giấy, gỗ ván nhân tạo, gỗ xây dựng và rừng đặc sản.

Dự kiến, với diện tích này, mỗi năm khu vực phía Bắc có thể cung cấp cho thị trường 770.000 tấn bột giấy, 150.000 tấn ván dăm và đến năm 2020, có thể đáp ứng 70% nhu cầu gỗ chế biến xuất khẩu, tương đương 20 triệu m3 gỗ/năm.

Điều này vừa cải thiện được thực trạng nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay, vừa góp phần lớn xoá đói giảm nghèo và dần nâng cao mức sống cho người dân vùng núi phía Bắc.

Đối với mũi đột phá thứ hai là chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, với diện tích đồng cỏ rộng và chất lượng giống gia súc đang ngày càng được cải thiện, cùng với người dân nhiều kinh nghiệm, phát triển nuôi trâu bò lấy thịt là hướng đi phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản phẩm chăn nuôi ở khu vực miền núi phía Bắc tăng từ gần 3.300 tỷ đồng hiện nay lên gần 13.000 tỷ đồng, chủ yếu thu từ nguồn gia súc lấy thịt.

Vùng núi phía Bắc bao gồm 15 tỉnh, tổng diện tích đất tự nhiên khoảng trên 100.000km2; hiện có 11,8 triệu người dân sinh sống; có nhiều thế mạnh về quỹ đất canh tác còn rộng, hệ canh tác đa dạng.

Tuy nhiên, điểm yếu của khu vực này là địa hình chia cắt mạnh, trình độ dân trí còn thấp,công nghiệp chế biến còn kém và kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ./.

Nguồn: TTX VN