Tin tức
11 mặt hàng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
06/08/2010 - 615 Lượt xem
Triển vọng xuất khẩu năm 2007 như thế nào cũng như những trở ngại gì chúng ta cần phải nhanh chóng giải quyết? Vấn đề này đã được phóng viên Tiền phong đặt ra với ông Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Bộ Thương mại.
Tổng KNXK đạt được năm 2006 có thể nói là hết sức ngoạn mục. Con số 39,6 tỷ USD nói lên cái gì?
Thứ nhất, hàng xuất khẩu Việt Nam đã bắt đầu có những mặt hàng quy mô rất lớn. Ngoại trừ dầu thô và than đá, nhiều mặt hàng xuất khẩu có quy mô lớn phải kể đến như: dệt may, da giày, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, linh kiện điện tử, đồ gỗ...
Trong năm 2006, chúng ta có tới 9 mặt hàng đạt KNXK trên 1 tỷ USD, trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp, đã có 4 mặt hàng thủy sản, gạo, cà phê, cao su.
Thứ hai, chất lượng hàng hóa Việt Nam gia tăng mạnh mẽ; sức cạnh tranh bắt đầu có tiến bộ. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp ngày càng có kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, duy trì thị trường cũ và phát triển thị trường mới.
Về mặt xã hội, kết quả xuất khẩu năm 2006 có ý nghĩa rất lớn vì đã giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Ông đánh giá thế nào về các triển vọng mặt hàng xuất khẩu Việt Nam năm 2007?
Có thể nói, năm 2006 ngoài giá trị tuyệt đối tăng thì những hoạt động bên lề hoạt động xuất khẩu cũng được thực hiện tốt. Tuy nhiên, có mấy vấn đề cần phải nhanh chóng khắc phục.
Trước hết, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa dự báo được rào cản kỹ thuật. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn làm chưa tốt.
Thứ hai, chất lượng hàng hóa vẫn còn có nhiều vấn đề.
Thứ ba, chi phí đầu vào vẫn còn cao.
Thứ tư, còn xuất nhiều nguyên liệu thô (76% cà phê, 90% cao su...).
Riêng cao su, nếu được chế biến thành sản phẩm thì với 700 nghìn ha hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể đạt 2 tỷ USD KNXK. Mặt hàng cà phê cũng tương tự.
Tóm lại, nếu chúng ta thực sự cố gắng, trong năm 2007 sẽ có thêm hai mặt hàng vượt ngưỡng 1 tỷ USD là điện - dây cáp điện và mặt hàng nhựa.
Việc xuất khẩu sản phẩm thô chưa đạt được giá trị gia tăng cao đã được nói đến rất nhiều, vậy theo ông cần phải làm gì để hạn chế xuất thô?
Không thể một sớm một chiều là có thể chuyển từ thô sang tinh được. Chúng ta cần phải tăng cường đầu tư vào công nghệ chế biến, điều tra tập quán người tiêu dùng, điều tra thị trường để xem thị trường thích dạng gì, chất lượng ra làm sao từ đó đẩy mạnh tập trung sản xuất.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng yêu cầu cao của các tập đoàn nước ngoài. Cần phải có một quy hoạch tổng thể để ổn định nguồn hàng.
Năm 2006, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa Việt Nam đạt 39,6 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2005 và vượt gần 2 tỷ USD so với kế hoạch. Kết quả này được đánh giá là một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam trong năm 2006. |
Đối với các hàng hóa như: cà phê, tiêu, điều, cao su cần phải quy hoạch lại vùng khai thác vì hiện nay đang lâm vào tình trạng đất thừa rất nhiều nhưng lại không có chỗ để trồng mới.
Các doanh nghiệp cũng cần coi trọng việc tìm ra giống mới để nâng cao năng suất... Theo tôi, đó là những giải pháp trước mắt và lâu dài sẽ làm giảm xuất thô đối với sản phẩm nông nghiệp.
Đối với công nghiệp, cần phải giải quyết khâu nguyên liệu. Hiện, nền công nghiệp nước ta chủ yếu là nền công nghiệp gia công nên lợi nhuận rất thấp. Đối với da giày và dệt may, đây là hai mặt hàng giải quyết tốt khâu lao động nhưng lợi nhuận thu được rất thấp. Nếu chúng ta tiếp tục kéo dài nền công nghiệp gia công trong vòng 5-7 năm nữa, hàng hóa Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh.
Hoa Kỳ sẽ là thị trường đột biến trong năm nay
Những thị trường nào được coi là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong năm 2007 thưa ông?
Hiện có 4 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Theo tôi, trong năm 2007, Hoa Kỳ sẽ là thị trường có nhiều đột biến.
Riêng Nhật Bản, vì năm 2006 nhập khẩu và xuất khẩu ngang bằng nhau nên khó có sự đột biến. Với Trung Quốc, mặc dù chúng ta đã có chiến lược buôn bán nhưng theo tôi để xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc là cực kỳ khó. Bởi vì, ta có hàng hóa gì thì Trung Quốc có hàng hóa đó. Thậm chí hàng hóa Trung Quốc chất lượng còn tốt hơn, giá lại rẻ hơn.
Vì thế, muốn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc chúng ta cần phải đẩy sâu hàng hóa Việt Nam vào sâu trong nội địa Trung Quốc chứ không chỉ quanh quẩn tại các tỉnh biên giới như hiện nay.
Trong năm 2007 này ông thấy vấn đề nào là quan trọng nhất cần phải giải quyết để tăng nhanh KNXK?
Rào cản lớn nhất đối với hàng nông sản Việt Nam đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Nếu chúng ta không sớm khắc phục vấn đề này sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả.
Bởi vì hiện nay các nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đang có những tiêu chuẩn kiểm soát rất cao vấn đề này. Rào cản thứ hai sẽ phải đối mặt đó là cuộc chiến tranh thương mại diễn ra giữa các nước lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta.
Chẳng hạn như vấn đề giá dầu thô thế giới tăng sẽ kéo theo một loạt nguyên liệu đầu vào tăng. Nếu chúng ta không nắm được chắc chắn sẽ chịu tác động rất lớn...
Dự kiến KNXK một số mặt hàng chủ lực năm 2007 Hiện Bộ Thương mại đang xây dựng một đề án và chỉ tiêu xuất khẩu đề ra cho năm 2007 cao hơn năm 2006. Theo đó, năm 2007 KNXK sẽ đạt 47-47,5 tỷ USD, vượt năm 2006 từ 7-7,5 tỷ USD. Theo tôi, mục tiêu trên sẽ đạt được bởi chúng ta có thể tăng KNXK mặt hàng nông sản bằng cách tìm cơ hội để tăng giá. Nếu như cà phê năm 2006 đạt hơn 1,1 tỷ USD thì sang năm 2007 hoàn toàn có thể tăng lên 1,15 tỷ USD (như vậy riêng cà phê tăng thêm được 50 triệu USD). Với cao su, năm 2006 đạt 1,273 tỷ USD thì năm 2007 có thể đạt 1,370 tỷ USD (như vậy cao su tăng thêm được 100 triệu USD). Đối với dệt may, chúng ta hoàn toàn có thể tăng từ 5,8 tỷ USD đến 7 tỷ USD (như vậy dệt may tăng thêm được 1, 2 tỷ USD). Da giày cũng vậy, hiện đang ở mức 3,5 tỷ USD, dự kiến có thể tăng lên 4,1 tỷ USD vào năm 2007 ( tăng được khoảng 400 triệu USD). Mặt hàng linh kiện điện tử cũng rất có triển vọng. Dự kiến, năm 2007 sẽ đạt 2,4 tỷ USD, cao hơn năm 2006 là 700 triệu USD. Đặc biệt, mặt hàng này có thể tăng đột biến tuỳ theo từng thời điểm nên kết quả cuối năm hoàn toàn có thể cao hơn mức dự kiến. Thứ trưởng Phan Thế Ruệ |
Nguồn: Tiền phong