Tin tức
Thị trường Tết: Sức mua dự kiến tăng 20-30% (24/01)
06/08/2010 - 232 Lượt xem
Cố gắng bình ổn giá
Với nguồn vốn hỗ trợ, đến nay, TCty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã tham gia dự trữ hàng tết có tổng trị giá khoảng 321 tỉ đồng, trong đó lượng hàng thực phẩm đông lạnh đã nhập kho là 120 tỉ đồng.
Số còn lại được Satra đầu tư vào các vệ tinh nuôi trồng thuỷ hải sản và gia súc tại các tỉnh lân cận để kịp thu hoạch vào dịp giáp Tết. Ngoài ra, Saigon Co.op đã chuẩn bị nguồn hàng khoảng 700 tỉ đồng để phục vụ vào dịp Tết này.
Với mức dự trữ nêu trên, lượng hàng hoá thực phẩm phục vụ Tết năm nay tại TPHCM đã tăng hơn năm ngoái từ 20-30%. Theo đó, sẽ có một lượng hàng hoá “khổng lồ” sẵn sàng chuẩn bị tung ra thị trường phục vụ Tết, với khoảng 25 ngàn tấn rau quả, 25 triệu lít bia, 20 triệu lít nước ngọt, 18 ngàn tấn đường, 4 ngàn tấn hải sản…
Bà Nguyễn Ngọc Liên - cán bộ phụ trách quan hệ cộng đồng Cty Kinh Đô - cho biết: Tết này, Kinh Đô sẽ đưa ra thị trường gần 3.000 tấn bánh kẹo các loại, với 25 dòng sản phẩm mới trong số 250 nhãn hàng phục vụ Tết. Điểm mới của bộ sản phẩm của Kinh Đô là hộp bánh cookies cao cấp Palaris được sản xuất theo công nghệ của Đan Mạch.
Ngoài ra, Kinh Đô cũng đã hợp tác với Sài Gòn Co.op để sản xuất các loại bánh cookies, bánh sữa dừa, bánh hương vị hạnh nhân… Nét mới của sản phẩm mùa Tết năm nay đã xuất hiện thêm một số loại bánh mứt mới như mứt ăn kiêng.
Tại chợ Bến Thành đã xuất hiện những loại mứt tươi: Mứt mãng cầu, mứt thơm (dứa) có thêm loại cắt theo khoanh tròn, dẻo, ít ngọt… Nhà sản xuất Thành Long cũng giới thiệu hai loại sản phẩm mới: Mứt bắp (ngô) và mứt dừa nước (giá khoảng 60.000 đồng/kg). Cùng dòng sản phẩm dành cho người ăn kiêng, Cty Bibica đã giới thiệu với thị trường loại mứt làm bằng đường isomalt mỗi hộp gồm có 6 loại mứt, khá bắt mắt…
Thị trường lương thực sẽ ổn định
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Thương mại), nguồn cung thóc gạo ở các tỉnh phía nam tiếp tục hạn chế trong khi nhu cầu gạo cho các tỉnh miền Trung tăng đang là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá thóc gạo ở phía nam tăng nhẹ. Tại ĐBSCL, giá thóc hè thu phổ biến 2.900-3.100 đ/kg; giá gạo tẻ thường 4.600-5.000 đ/kg.
Tại các tỉnh phía bắc giá thóc gạo sẽ vẫn ở mức 3.000 - 3.700 đ/kg (thóc); 4.800 - 5.800 đ/kg (gạo tẻ thường). Khả năng khô hạn trên diện rộng sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng gạo vụ đông xuân, dịch bệnh trên lúa vẫn chưa được khống chế và chi phí đầu vào là những áp lực làm tăng giá thóc gạo trong dịp Tết Nguyên đán cũng như trong cả quý I/2007.
Kiểm soát chặt chẽ giá cả
Nhằm tăng cường kiểm sóat thị trường Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo 127-TƯ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các địa phương theo dõi diễn biến thị trường, chú trọng thực hiện các biện pháp ổn định thị trường và chủ động đối phó với các hiện tượng thường xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán như: Buôn lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, găm hàng đầu cơ tạo cơn sốt ảo...
Được biết, từ ngày 10.1, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã thành lập 9 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành đôn đốc các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở những địa bàn trọng điểm. Lực lượng QLTT các địa phương cũng trực tiếp cùng các ngành: Kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm... tham gia kiểm soát thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép...
Các mặt hàng sẽ được lực lượng QLTT kiểm sóat chặt chẽ: Quần áo may sẵn, giày dép, rượu, thuốc lá, nước giải khát, thực phẩm đã qua chế biến... Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, điểm trung chuyển hàng hoá, cơ sở kinh doanh có điều kiện... cũng là những nơi lực lượng QLTT tập trung kiểm tra.
Nhiệm vụ trọng tâm của toàn lực lượng trong thời điểm hiện nay là kiểm soát chặt chẽ biến động giá cả trên thị trường. Trong đó, sẽ rốt ráo kiểm tra việc niêm yết giá bán hàng hoá và kiểm soát chặt chẽ việc bán đúng giá niêm yết. |
Nguồn: Lao Động