Tin tức
“Không dùng biện pháp hành chính để can thiệp thị trường” (23/01)
06/08/2010 - 266 Lượt xem
Trước những diễn biến mới nhất của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Sơn vừa có cuộc trao đổi với chúng tôi.
Vào phiên thứ 6 ngày 18/1/2007, giá cổ phiểu tăng rất cao và đạt 1020 điểm, tăng gần 40 điểm so với phiên trước. Đây là ngưỡng rất cao và thị trường đang ở giai đoạn rất “nóng”. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những cảnh báo gì?
Thứ nhất, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạm thời chưa nâng tỷ lệ tối đa tham gia của bên nước ngoài trong các công ty niêm yết ở trên thị trường chứng khoán mà giữ ở mức 49%.
Thứ hai, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có những giải pháp phối hợp trong việc kiểm soát các hoạt động liên quan đến cho vay đầu tư chứng khoán, các hoạt động giao dịch kỳ hạn chứng khoán repo và các hoạt động liên quan đến cầm cố chứng khoán của ngân hàng thương mại. Phối hợp giám sát việc chung chuyển dòng vốn nước ngoài chuyển về Việt Nam để đầu tư chứng khoán và có biện pháp khi họ rút tiền ra khỏi Việt Nam.
Thứ ba, Ủy ban triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán mà trong thời gian vừa qua có các dư luận phản ánh của nhà đầu tư trong các hoạt động không công bằng trong việc đặt lệnh giao dịch của khách hàng và phản ánh về sự chậm trễ hoặc cố tình chậm trễ lưu ký cổ phiếu của một số công ty đưa lên sàn để giao dịch. Nếu phát hiện vi phạm, Ủy ban sẽ xử lý thích đáng những vi phạm này.
Thứ tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty niêm yết đẩy nhanh công bố thông tin về hoạt động tài chính trong năm 2006 để giúp các nhà đầu tư có đầy đủ thông tin về hoạt động của tổ chức niêm yết để có nhận diện và đưa ra giá mua bán cổ phiếu hợp lý.
Thứ năm, triển khai thực hiện việc đăng ký lại các văn phòng đại diện các quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đây là đối tượng hiện không giám sát được.
Trên tinh thần của Luật Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị các văn phòng công ty quản lý quỹ đang hoạt động tại Việt Nam đăng ký lại với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đồng thời, Ủy ban đề nghị các tài khoản uỷ thác, uỷ quyền cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam bắt buộc phải công bố và báo cáo cho Ủy ban về việc uỷ quyền đầu tư cho các tài khoản nước ngoài, đặc biệt là các quỹ lập ở nước ngoài uỷ thác cho cá nhân đầu tư tại Việt Nam.
Thứ sáu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về chứng khoán và thị trường chứng khoán để giúp cho công chúng có sự hiểu biết hơn về thị trường phức tạp. Đặc biệt, Ủy ban sẽ đưa ra phân tích, đánh giá trên thị trường và công bố thông tin về các hệ số tài chính hệ số thu nhập trên đầu cổ phiếu, giá trên thu nhập P/E để giúp cho nhà đầu tư có đầy đủ thông tin hơn để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Theo ông những biện pháp mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra trong thời điểm hiện nay phải được hiểu như thế nào? Liệu đây có phải là những biện pháp mang tính chất hành chính hay không?
Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán không sử dụng các biện pháp hành chính tác động đến thị trường như trước đây.
Các giải pháp lần này thuần tuý về mặt quy phạm pháp luật và các giải pháp về kỹ thuật điều chỉnh thị trường. Và các giải pháp này giúp cho công chúng đầu tư có một nhận diện rõ hơn thị trường họ đang đầu tư.
Vậy tại sao không kiểm tra tất cả các công ty chứng khoán mà chỉ chọn khoảng 3 doanh nghiệp?
Hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa quyết định kiểm tra công ty nào. Nhưng đối với những công ty vừa rồi Ủy ban nhận được nhiều đơn thư phản ánh của nhà đầu tư trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng không tuân thủ các quy định theo pháp luật cũng như những ảnh hưởng mang yếu tố đạo đức nghề nghiệp. Ủy ban sẽ kiểm tra từ một đến 3 công ty và tiến hành xử lý nếu có vi phạm.
Tất cả các giải pháp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm cũng như kiểm tra giám sát cũng là mục tiêu bảo vệ cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ.
Yếu tố ngoại hiện đang được đánh giá là một trong những tác nhân quan trọng ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nói chung và quyết định của các nhà đầu tư cá nhân trong nước nói riêng. Vậy, ông có thể cho biết thực tế giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra như thế nào?
Hiện nay, trước yêu cầu về môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất tốt, đặc biệt việc Việt Nam gia nhập WTO, rồi tổ chức thành công APEC, cũng như sự nhìn nhận đánh giá của một số tổ chức tài chính quốc tế tham gia thị trường chứng khoán lớn họ có nhìn nhận thị trường Việt Nam rất tốt cho nên thu hút một dòng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn.
Trong thời gian qua, có khoảng trên dưới 30 quỹ đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam một lượng trên dưới ba tỷ USD và tìm kiếm cơ hội giải ngân trên thị trường cổ phiếu ở Việt Nam. Điều này làm tăng cầu đầu tư rất lớn, bên cạnh đó là cầu đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư mới.
Rồi việc cho vay đầu tư cổ phiếu hoặc là cầm cố cổ phiếu, cũng như là dòng tiền rất lớn từ nước Nga, Đông Âu của Việt kiều cũng chuyển về Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đóng băng, họ chuyển vào đầu tư cổ phiếu đặc biệt là cổ phiếu của các tổ chức tiềm năng lớn và các ngân hàng thương mại. Các công ty lớn tham thị trường chứng khoán đầu tư vào đây rất nhiều.
Nguồn: VNECONOMY