Tin tức
Lý Quang Diệu và những bài học mang tới VN (22/01)
06/08/2010 - 426 Lượt xem
Lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1992, khi công cuộc Đổi Mới bắt đầu chập chững những bước sơ khởi, và từ đó đến năm 1997, vị kiến trúc sư của đất nước Singapore hiện đại đã có 4 chuyến thăm khác trong tư cách một người bạn, một nhà tư vấn của VN.
Suốt 10 năm không trở lại, ông Lý giải thích cho sự vắng mặt của mình vì "Tôi thấy trong một thời gian VN không có nhiều chuyển đổi và chưa sẵn sàng hội nhập nền kinh tế thế giới nên tôi không tới. Song hai năm qua, tôi nhận thấy VN đang chuyển động với tốc độ nhanh để bù đắp thời gian bị mất".
Trong hành trình 5 ngày qua, ông Lý đã gặp những nhà lãnh đạo cao nhất, cả thế hệ cũ, người bạn cố tri, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và thế hệ mới: Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những người được ông đánh giá là đội ngũ lãnh đạo trẻ năng động và có tư duy đổi mới.
Trong một lần trò chuyện cùng một nhà lãnh đạo lão thành của VN, khi được khen rằng “ông là một người tài”, ông Lý Quang Diệu đã khiêm tốn trả lời: Tôi chẳng có tài gì, có chăng chỉ là ở chỗ biết sử dụng người tài. Do biết sử dụng người tài nên đất nước Singapore nhỏ bé nhưng có vị thế không nhỏ trên thế giới. |
Đến thăm những tỉnh thành năng động nhất Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương… ông Lý đã được nhìn thấy một Việt Nam “năng động”, “đổi mới”, đạt được bước tiến đáng kể…, với ngọn gió thay đổi đang thổi về Việt Nam.
Bộ trưởng Lý cũng đã lắng nghe những khó khăn, thách thức mà Việt Nam và từng địa phương đang đối mặt.
Đó có thể là 5 khó khăn lớn của Việt Nam sau khi gia nhập WTO, những trăn trở từ thực tế áp dụng những nội dung học tập từ kinh nghiệm của Singapore như câu chuyện làm sao trả lương cao cho cán bộ viên chức nhà nước, làm sao nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tốt chính sách “một cửa” tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và cho cả nền hành chính…, là những khó khăn của một tỉnh cụ thể như thành phố Hồ Chí Minh với 3 thách thức cơ bản là kết cấu hạ tầng quá tải, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, và nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu…
"Đôi lúc chúng ta phải làm mạnh vào những thời điểm không còn bộ óc mới, ý tưởng mới, không còn đủ dũng khí", ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh. "Mạnh dạn có người mới thay thế là cách giúp Singapore không trì trệ". |
Và ông Lý đã khuyến nghị nhiều vấn đề.
Về quản lý, đó là chính sách “mạnh tay khi cần thiết”, thay thế những cá nhân “lỗi nhịp” trong bộ máy…thực thi cải cách hành chính với mô hình một cửa và đơn giản hoá thủ tục, hoạch định chính sách dân số và quy hoạch đô thị, là chính sách lương cao cho cán bộ viên chức, là chính sách thuế đánh vào tiêu thụ, giảm mức thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập của người dân.
Về đào tạo nguồn nhân lực, đó là lời khuyên “tự chủ hơn cho đại học”, “đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy bắt buộc”, “trao đổi sinh viên ngay trong nước”, là “cần đào tạo để thừa”…
Thông điệp ngắn gọn đọng lại sau mỗi cuộc tiếp xúc của nhà cố vấn Lý Quang Diệu với các nhà lãnh đạo cấp cao cũng như quan chức mỗi địa phương mà ông gặp là: Việt Nam cần tiến hành những "cuộc cách mạng" về tư duy quản lý và đào tạo nguồn nhân lực.
Mỗi lời khuyên đều được ông đúc kết từ thực tiễn của Singapore, của Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, bài học từ những thành công và những sai lầm phải trả giá…
Đó cũng là những bài học đụng vào những vấn đề căn cốt của nền kinh tế - chính trị - xã hộiViệt Nam.
Không hề có cảm giác đang tiếp một vị khách từ phương xa tới, người Việt Nam như đang chào đón một người bạn cố tri, người hiểu sâu sắc và quan tâm đến Việt Nam như nhận xét của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Không chỉ một lần ông khẳng định sẽ trở lại Việt Nam sau 4 năm nữa. Và cũng không chỉ một lần ông tin “Việt Nam sẽ thắng”. Ông Lý đặt trọn niềm tin và sự đánh giá cao vào thế hệ trẻ Việt Nam. Đó là những người “năng động, thông minh, chăm chỉ”, “luôn là đỉnh tại các trường học của Singapore”. Đào tạo, cung cấp các kỹ năng cần thiết cho họ là mối quan tâm lớn nhất của ông.
Ông cũng đặt niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam. Ông đã cười và gật đầu đồng tình khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ cách làm của Việt Nam trước mối quan ngại về sự di dân: “Việt Nam đưa công việc về nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con làm ăn. Đây là cách tốt để giữ chân họ ở lại nông thôn, không ồ ạt ra thành phố. Đối với những đối tượng cần thu hút ra thành phố, sẽ có chủ trương cụ thể thu hút họ…”.
Là người khuyến khích sự đổi mới, mở cửa của Việt Nam, ông Lý rất coi trọng sự điều tiết của các “lực lượng thị trường”. “Khi có vấn đề gì, có thể dựa vào lực lượng thị trường,… để người tiêu dùng tự quyết định”. Bài học này áp dụng trong cả quản lý đô thị, quản lý đầu tư, và cho cả giáo dục đào tạo…
“Thế giới đang thay đổi là thách thức lớn nhất. Nếu tự mãn với những gì đã có được, chúng ta sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và bị vượt qua”. Việt Nam cần “luôn luôn thay đổi, cập nhật theo tình hình mới”, có “chính sách nhất quán” theo “một tầm nhìn lớn” và “bắt tay biến tầm nhìn lớn thành hiện thực”.
“Ngày nay, ở tuổi 83, sau 50 năm hoạt động, ông Lý Quang Diệu có thể tự coi mình là một người và người châu Á duy nhất đóng vai trò nhân chứng, nhà điêu khắc và cố vấn cho tất cả những đổi thay mang tính lịch sử mà châu Á đã trải qua trong những thập niên qua: sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa dân tộc, kết thúc chiến tranh lạnh, tăng trưởng kinh tế và sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc mới. Tất cả những điều này làm cho ông Lý Quang Diệu không chỉ là chính khách đàn anh và là tiếng nói của châu Á mà còn là biểu tượng của chủ nghĩa thực dụng và khả năng phục hồi của châu Á”. (Tạp chí Time số ra ngày 13-11-2006, nói về ông Lý Quang Diệu trong bài tổng kết về các “anh hùng châu Á") |
Nguồn: VietnamNet