Hôm nay, các cam kết của VN với WTO có hiệu lực
06/08/2010 - 599 Lượt xem
Chào mừng VN vào WTO
Từ Geneva, đại sứ Ngô Quang Xuân cho biết để chào mừng VN trở thành thành viên chính thức, từ ngày 9-1, Ban thư ký WTO đã cho treo một băngrôn to rộng chiếm cả ba tầng nhà trước cửa ra vào trụ sở chính của WTO với dòng chữ “Chào mừng VN vào WTO”. Cũng từ hôm nay 11-1, các cam kết WTO của VN chính thức có hiệu lực. “Theo tôi, ưu tiên lớn nhất là phải làm sao nhận diện thật rõ, đồng thời đánh giá kịp thời những tác động đến thị trường, hàng hóa và doanh nghiệp trong nước ngay những ngày đầu thực hiện để điều chỉnh ngay về chính sách... Trong đó, đặc biệt chú ý nguồn nhân lực có đáp ứng ngay được nhu cầu với thị trường hay không” - ông Xuân nói.
Cũng theo đại sứ Ngô Quang Xuân, sau kỳ nghỉ năm mới, tại Geneva, từ ngày 20-1 các cuộc đàm phán về vòng đàm phán Doha sẽ tiếp tục trở lại. Ngoài việc bắt đầu thực thi các cam kết về nghĩa vụ và quyền lợi của một thành viên chính thức WTO, VN cũng sẽ bắt đầu tham gia trực tiếp các vòng đàm phán này. Cũng như những nước mới gia nhập WTO trước đây, thời gian đầu VN chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn để nắm bắt sâu sát nội dung tất cả vấn đề của vòng đàm phán và sau đó là tham gia các nhóm lợi ích trong đàm phán.
Đại sứ Ngô Quang Xuân khẳng định Cơ quan đại diện của VN tại Geneva sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong nước, nhất là các vấn đề về thủ tục, chính sách, luật pháp quốc tế...
“Phải điều chỉnh để tránh tác động”
Theo bà Nguyễn Thị Bích - vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), ngành hàng dệt may sẽ bị tác động nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế, bao gồm cả quần áo may sẵn, sợi, bông... Tuy nhiên, với những mặt hàng may sẵn loại cao cấp từ Hàn Quốc, Hong Kong, châu Âu... giá có thể giảm ngay, nhưng hàng chưa chắc vào ồ ạt.
Còn các mặt hàng mỹ phẩm, đồ trang sức... hầu hết đang có thuế suất cao từ 30% trở lên nên người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ đợt cắt giảm thuế từ 11-1 với mức giảm khá cao 20-40%.
Riêng mặt hàng điện tử, giá sẽ không giảm thêm sau ngày 11-1 vì thời gian qua có đến 50% các loại linh kiện điện tử nhập khẩu VN đã hưởng thuế suất 0%, và 50% còn lại cắt giảm theo lộ trình từ nay đến ba năm nữa.
Cũng theo bà Bích, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong những ngành có cắt giảm thuế mạnh đợt này cần khẩn trương điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thị trường để tránh những tác động xấu đến quá trình sản xuất kinh doanh.
Sau WTO là các hiệp định song phương
Với tấm thẻ thành viên WTO, VN tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới qua việc tiến hành để đạt được các hiệp định thương mại song phương với các nước.
Theo thông tin từ Bộ Thương mại, ngày 14-1, đoàn đàm phán của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ làm trưởng đoàn sẽ sang Nhật Bản để đàm phán hiệp định đối tác kinh tế song phương. Nội dung đàm phán giữa hai nước chủ yếu tập trung vào việc mở rộng thị trường cho hàng hóa của hai nước. Với VN, đây sẽ cơ hội lớn để tăng lượng hàng nông sản, thủy sản... xuất khẩu vào thị trường Nhật. Dự kiến nếu thuận lợi, đàm phán song phương giữa hai nước sẽ diễn ra trong một năm.
Năm 2006, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt - Nhật đạt gần 10 tỉ USD, trong đó VN xuất siêu với gần 6 tỉ USD và mục tiêu mức kim ngạch giữa hai nước đến năm 2010 là 17 tỉ USD.
Sau Nhật Bản, dự kiến trong năm nay VN và Chile cũng sẽ khởi động đàm phán thương mại song phương.
Nguồn: Tuổi trẻ