Tin tức
Chính phủ họp với các địa phương:Áp lực cạnh tranh là không thể né tránh (09/01)
06/08/2010 - 363 Lượt xem
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cao, cải cách hành chính hiệu quả và ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí là ba nhiệm vụ trọng tâm của năm 2007, đây cũng là những vấn đề cần được thảo luận kỹ tại hội nghị lần này.
Theo Thủ tướng, năm 2006 là năm đỉnh cao của thành tựu 20 năm đổi mới với nhiều dấu mốc quan trọng và kết quả đó đã tạo nên thời cơ, vận hội mới cho dân tộc Việt Nam trong năm 2007 và những giai đoạn tiếp theo.
Còn khá nhiều giấy phép “con”, “cháu”
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng cần phải nhìn nhận cho đúng về việc VN gia nhập WTO. “Vào WTO không chỉ doanh nghiệp mới bị cạnh tranh mà Chính phủ cũng phải chuẩn bị tinh thần cạnh tranh với chính phủ nước khác để thu hút đầu tư” - ông Tuyển giải thích. Và không chỉ là Chính phủ, theo ông Tuyển, ngay cả chính quyền các cấp cũng phải xác định rõ áp lực cạnh tranh đối với mình là không thể tránh né được. |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình cải cách hành chính thời gian tới là Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh chức năng của mình cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng.
Bộ trưởng Đỗ Quang Trung nói việc điều chỉnh chức năng này sẽ được thực hiện theo hướng giảm bớt các quyết định cụ thể không cần thiết của Thủ tướng, phân cấp việc thực hiện cho các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh. Theo Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, Chính phủ sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ, trình Quốc hội đề án về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, trong đó Chính phủ thực hiện đúng vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; thực hiện bộ quản lý đa ngành, giảm đầu mối, giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian, tập trung vào chức năng chủ đạo là cải cách hành chính, hoạch định thể chế, chính sách...
Đề cập những công việc cụ thể của năm 2007 trong lĩnh vực cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Trịnh Quang Sử cho rằng: “Cải cách hành chính là động đến đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, chính vì vậy cần có những qui định hết sức cụ thể, chặt chẽ để công chức không thể tự “đẻ” ra những qui trình, thủ tục gây phiền hà”. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, kết quả rà soát ban đầu đối với khoảng 200 loại giấy phép cho thấy có tới 40 giấy phép thuộc loại “con”, “cháu” của các bộ ngành cần phải hủy bỏ. Ba bộ có nhiều giấy phép “con”, “cháu” cần hủy bỏ nhất là Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ Văn hóa - thông tin, Bộ Bưu chính - viễn thông. “Mặc dù liên bộ Thương mại và Tài chính đã cho phép doanh nghiệp miễn thuế ở sân bay nhưng ngành ngân hàng đưa ra một giấy phép “cháu” là phải có giấy phép kinh doanh ngoại tệ, hoặc cứ một lần tăng vốn lại phải có một giấy phép...” - ông Phúc dẫn chứng.
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, theo Bộ trưởng Đỗ Quang Trung, rà soát sửa đổi thủ tục hành chính, giấy phép con cũng sẽ là trọng tâm cải cách hành chính năm 2007. “Nghị quyết của Chính phủ đã xác định cụ thể những lĩnh vực từng bộ ngành cần điều chỉnh và báo cáo Thủ tướng ngay trong quí 1-2007” - ông Trung nói. Bên cạnh đó, trong năm nay, từng cơ quan hành chính nhà nước cũng sẽ phải tiếp tục rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để phát hiện những bất hợp lý, chồng chéo, trùng lắp, đề xuất hướng xử lý hoặc tự xử lý và công bố công khai để dân rõ về chức năng.
Chính phủ cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh
Vấn đề Chính phủ bước vào cuộc cạnh tranh khi VN đã trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã được Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh khi đề cập các chính sách để phát triển nhanh và bền vững trong hội nhập. Chương trình hành động đã được Chính phủ giao Bộ Thương mại cùng Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế chủ trì xây dựng và trình Chính phủ thông qua ngay trong tháng 1-2007.
Để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, trong các giải pháp được Bộ KH-ĐT đưa ra, ngoài việc rà soát các thủ tục, giấy phép không cần thiết, Bộ Tài chính cùng các bộ liên quan cũng được phân công rà soát các cơ chế phát triển thị trường vốn, khuyến khích phát hành cổ phiếu, trái phiếu và thị trường chứng khoán... Theo ông Phúc, trong thời gian tới sẽ phải đẩy mạnh cổ phần hóa khoảng 550 doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và ngân hàng thương mại nhà nước, các tổng công ty bảo hiểm.
Nhằm khắc phục tình trạng dự án đầu tư bị kéo dài và đầu tư dàn trải, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện các qui định trong quản lý đầu tư xây dựng theo hướng phân cấp, giao quyền cũng như trách nhiệm đầy đủ cho chủ đầu tư và người quyết định đầu tư. Chính phủ sẽ có cơ chế để HĐND các cấp và người dân tham gia giám sát thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng tại địa phương.
“Muốn tăng trưởng nhanh, đương nhiên là phải phát triển cơ sở hạ tầng từ nhiều nguồn vốn. Nhưng muốn làm được, Chính phủ cần sớm có các hướng dẫn cụ thể về các hình thức đầu tư BOT, BT...” - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Ngọc Phi kiến nghị từ thực tế của Vĩnh Phúc khi xây dựng tuyến quốc lộ 2 chạy qua tỉnh này. “Công trình tiến hành đã hai năm nhưng chưa xong vì Chính phủ điều chỉnh lương, giá cả một số nguyên vật liệu tăng đã khiến mức đầu tư tăng thêm cả trăm tỉ đồng. Hiện chủ dự án đang kéo dài để chờ những hướng dẫn xử lý vướng mắc” - ông Phi cho biết. Chia sẻ với nhận định này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Một nói: “Chúng tôi biết xin Chính phủ đầu tư thì rất khó, nguồn vốn địa phương có thể lo được nhưng phải xin Chính phủ cơ chế rõ ràng đối với những dự án kiểu như vậy”.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Ngọc Phi, các vùng địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm khi tính toán, xây dựng các dự án phải quan tâm đến việc liên kết với nhau. “Như tuyến metro tại Hà Nội chẳng hạn, không phải chúng ta chỉ tính toán để xây dựng tuyến đường sắt nội ô mà phải tính cả phương án mở rộng ra các địa phương xung quanh, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp” - ông Phi dẫn chứng.
Giữa năm 2007 sẽ bỏ bao cấp dầu Liên quan đến lĩnh vực giá cả, Bộ Tài chính cũng đã được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ lộ trình chuyển việc quản lý giá một số sản phẩm quan trọng theo cơ chế thị trường. Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết bộ sẽ nghiên cứu để miễn giảm thủy lợi phí đối với sản xuất nông nghiệp và tiến tới bỏ các khoản huy động khác của nông dân. Đối với giá xăng dầu, ông Ninh nói rằng việc giá dầu thế giới giảm sẽ được bộ này cùng Bộ Thương mại tiếp tục theo dõi và tính toán phương án xử lý. “Đến thời điểm này chúng ta sẽ phải tính toán tiếp việc điều chỉnh thuế vì thời gian qua thuế đối với xăng dầu nhập khẩu vẫn chỉ giữ ở mức 15% chứ chưa đẩy lên đúng mức 30% như trước” - ông Ninh cho biết. Trong khi đó, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định giữa năm 2007 sẽ bỏ bao cấp một số mặt hàng dầu và đến đầu năm 2008 giá tất cả mặt hàng xăng dầu sẽ do thị trường quyết định. |
Nguồn: Tuổi trẻ