Tin tức
"Không có chuyện vào WTO là đổi đời ngay" (08/01)
06/08/2010 - 261 Lượt xem
Trong suốt cuộc trò chuyện với độc giả VietNamNet, "ông WTO" Trương Đình Tuyển nhiều lần khẳng định gia nhập WTO tạo ra nhiều cơ hội. Nhưng Bộ trưởng Tuyển nói ông lo ngại "chúng ta đang đánh giá quá cao, quá mức sự kiện gia nhập WTO theo cách lạc quan tếu"
"Không ở đâu như Việt Nam, người dân tổ chức đi bộ, míttinh chào mừng tổ chức thành công APEC và gia nhập WTO. Tôi hoàn toàn không phê phán, nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Các phong trào đó cần khẳng định quyết tâm, tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức hay phát huy kết quả đạt được từ sau APEC để làm cái gì tốt hơn. Nếu không đặt không đúng, không phấn đấu được thì lại tạo ra thất vọng", ông Tuyển quan ngại.
Với mong muốn giúp độc giả có một cái nhìn "chuẩn xác hơn" về sự kiện VN gia nhập WTO, Bộ trưởng Tuyển đã chủ động liên lạc với VietNamNet đề nghị có buổi giao lưu này.
VietNamNet trích đăng một phần nội dung cuộc trao đổi trực tuyến của Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển xoay quanh chủ đề nhận thức về việc gia nhập WTO.
"Chiến thắng thuộc về những người biết kiên trì"
Hà Công Cẩn (địa chỉ 127 Văn Cao, Hà Nội Email: leminas@gmail.com): "Chúng ta thường nói gia nhập, hội nhập kinh tế thế giới và và tham gia một cuộc chơi chung. Và cách tuyên truyền luôn là chúng ta đang đi sau, đang cố hòa nhập cùng các nước khác, rằng chúng ta gia nhập WTO vì hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải thế. Đành rằng sự thật có thể như thế, nhưng về mặt tâm lý lại có cảm giác chúng ta rất yếu đuối và luôn sợ bị “hụt hơi”.
Tại sao chúng ta không có một cái nhìn chủ động hơn rằng chúng ta tham gia vào cuộc chơi đó để kiếm lợi và chúng ta có thể chơi trong cuộc chơi đó như một người chủ động?
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: - Tôi rất vui vì có dịp giao lưu với các công dân mạng thông qua VietNamNet. WTO là một sân chơi lớn, rất nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề này chứng tỏ mối quan tâm của người VN trước sự kiện này.
Tuy nhiên, trong việc nhìn nhận vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Phải khẳng định lại rằng chúng ta hoàn toàn chủ động tham gia hội nhập.
Chúng ta đã chủ động đổi mới thể chế kinh tế quốc tế và quá trình này diễn ra theo hai phương thức, thứ nhất, tiệm tiến, bước đi trước tạo điều kiện cho bước sau, đảm bảo cho chúng ta giữ được sự ổn định cần thiết. Vì thế mà chúng ta chủ động. Những định chế của WTO rất phức tạp, nó gắn với quá trình cải cách pháp luật và thể chế trong nước.
Gia nhập vào năm 2006 này là đúng thời điểm vì thể chế pháp luật trong nước đã tương đối hoàn chỉnh và được điều chỉnh, nó cho phép chúng ta được chủ động bước vào sân chơi. Tất nhiên trong quá trình đàm phán bao giờ cũng có rượt đuổi nhưng bao giờ cũng phải chủ động.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị đàm phán rất lâu và đột phá trong và đột phá trong vài năm lại đây thật khó khăn. Tôi thấy nhiều khi phải bỏ cuộc. Nhưng trên thực tế chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng rồi nên về tâm lý rất thảo mái. Được thua là chuyện bình thường trong quá trình đàm phán. Trung Quốc đã mất 13 năm đàm phán, chúng ta chỉ mất 11 năm, điều này là rất tốt. Thực tế, chúng ta đã rất cố gắng. Chiến thắng thuộc về những người biết kiên trì.
Chưa nước nào vào WTO mà trở nên nghèo đói
tuyen@gmail.com: Bác là người có công rất lớn trong việc VN gia nhập WTO. Nếu đất nước khởi sắc, thay da đổi thịt, đời sống nhân dân khấm khá lên thì không sao. Ngược lại, nếu đa số nông dân và nhiều doanh nghiệp chưa đủ tầm “ra biển lớn" bị điêu đứng, phá sản (điều này rất có thể xảy ra), họ "đổ tội" cho bác thì bác nghĩ sao?
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: - Đừng đánh giá riêng công tôi. Đàm phán tiến trình bền bỉ có nhiều bộ ngành tham gia, các bộ ngành chịu trách nhiệm về những vấn đề của bộ ngành đó. Bộ trưởng tham gia các đàm phán liên quan đến Bộ của mình: Bộ Nông nghiệp, Thủy sản tham gia xem mức thuế, Bộ Tài chính xây dựng phương án về tài chính...
Bộ Thương mại chỉ là tổng hợp và cân đối điều chỉnh trên tổng thế, sau đó trình Chính phủ. Những vấn đề nhạy cảm báo cáo Bộ Chính trị. Là cả một lực lượng hùng hậu tham gia. Tôi chỉ là người điều phối tiến trình đàm phán, tránh tình trạng có những vấn đề chúng ta đi quá nhanh hoặc quá chậm, không kịp thời cân đối các lĩnh vực. Tôi nói thế để tránh trường hợp sau này có đổ vỡ, lại cho là tôi nói thế để chứng tỏ đó là trách nhiệm của nhiều người chứ không phải của mình tôi.
Đây không phải là một cuộc chơi mang tính đỏ đen. Tôi cho rằng có nhiều cơ hội và thách thức, nhưng chưa nước nào vào WTO mà trở nên nghèo đói. Tất nhiên cũng còn nhiều nước gia nhập WTO mà vẫn còn nghèo đói nhưng đó là vì những nguyên nhân khác chứ không phải vì họ gia nhập WTO. Chẳng hạn ở các nước Châu Phi vẫn còn nhiều nước đói nghèo và rất nhiều trong số họ đã vào WTO, họ nghèo đói có thể đó là vì những xung đột sắc tộc.
Nếu biết 50% đất nước nghèo đói vì gia nhập WTO thì chắc chắn là chúng ta sẽ không bao giờ đàm phán để tham gia.
Bùi Thanh Hùng Cường (Địa chỉ: 71 Xóm Chiếu, P.18, Q.4, Tp.HCM Email: quano4@yahoo.com):
Chào Bộ trưởng! Mấy tháng nay, các phương tiện thông tin đại chúng nói rất nhiều về WTO, nào là cơ hội lớn, thách thức nhiều, ra biển lớn,... Nhưng đối với cháu (xin lỗi bác trước) thì Việt Nam có vào WTO hay không cũng không thành vấn đề gì vì cháu đã học xong đại học mà bây giờ vẫn không xin được việc làm. Có phải WTO chỉ có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, còn cháu và những người dân bình thường khác không cần đến nó?
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: - Gia nhập tổ chức thương mại tạo ra nhiều cơ hội. Cơ hội lớn nhất là bằng cải cách hệ thống luật pháp và thể chế kinh tế, chúng ta đã tạo ra môi trưởng kinh doanh, đầu tư tốt hơn. Nó khuyến khích mọi người dân vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải phóng năng lực của chính họ.
Mặt khác, chúng ta cũng đã thu hút được đầu tư nước ngoài. Chuẩn bị vào WTO, làn sóng đầu tư nước ngoài đã gia tăng đáng kể. Năm ngoái mức đầu tư đã đạt 10,2 tỷ đô la.
Sự phát triển sản xuất trong nước và làn sóng đầu tư nước ngoài gia tăng như vậy đã tạo ra rất nhiều việc làm mới cho người dân. Khi vào WTO, chúng ta cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa, có thị trường rộng hơn, thúc đẩy xuất khẩu và tác động trở lại của nó là tạo thêm công ăn việc làm.
Tuy nhiên, khi gia nhập WTO vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, đó là phân phối lợi ích không đồng đều. Do vậy, sẽ có một số bộ phận dân cư hưởng lợi ít hơn. Một số doanh nghiệp sẽ có thể bị phá sản. Đó là cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, trong tương quan, cơ hội tạo ra nhiều việc làm lớn hơn.
Tất nhiên, rủi ro có thể sẽ rơi xuống một ai đó, nhưng tổng thế xã hội tốt hơn nhiều. Cá nhân bạn nên nỗ lực hơn để tận dụng cơ hội mà việc gia nhập WTO mang lại.
Tôi không biết bạn học nghề gì. Trong thực tế hiện nay, các ngành nghề đang phát triển là các ngành nghề kỹ thuật, khoa học công nghệ, các ngành nghề liên quan đến quản trị doanh nghiệp như Tài chính, Ngân hàng nhu cầu lao động khá cao. Trong lĩnh vực khoa học xã hội thì nhu cầu tăng chưa lớn lắm và đòi hỏi nguồn lực từ phía nhà nước.
Nếu như gia nhập WTO, sức mạnh đất nước tăng lên, chúng ta có cơ hội mở rộng các ngành nghề liên quan đến văn hóa xã hội và có điều kiện đào tạo nhân lực cũng như tạo thêm việc làm cho những người hoạt động trong lĩnh vực này. Tất nhiên phải có quá trình chứ không thể tăng lên ngay như trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được.
Phạm Xuân Thu (19B Trần Khánh Dư, Nha Trang, Khánh Hoà Email: thu.phamxuan@gmail.com):
Nói hình tượng như báo chí thì WTO là một biển lớn mà ai bơi ra đó là sẽ bơi được và trở nên giàu có. Theo ông có thật như thế không? Điểm xuất phát của VN là quá thấp so với nhiều nước gia nhập WTO, giả sử số doanh nghiệp VN "bơi được" chỉ khoảng 10 - 20%, còn lại là “chìm” hết thì ông nghĩ sao?
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: - Mọi so sánh đều khập khiễng. Ta ví như thế cũng chỉ giúp hình dung trên tổng thể mà thôi, nó không phản ánh được chi tiết phong phú và phức tạp của vấn đề. WTO là sân chơi toàn cầu. Đây là tổ chức hoạch định các chính sách, những vấn đề đầu tư liên quan đến thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại nhằm đảm bảo cho thương mại thế giới phát triển. Khi đó, nó sẽ giúp cho kinh tế các nước tăng trưởng.
Cứ hình dung thế này, sản xuất ra có hai nơi để tiêu dùng, tiêu thụ trong nước và xuất ra nước ngoài. Chẳng hạn trong nước sản xuất ra 35 triệu tấn thóc, chi dùng trong nước hết 25 triệu, dư ra 10 triệu. Nếu như không bán được 10 triệu tấn đó ra thị trường nước ngoài thì người dân cũng chỉ làm đủ 25 triệu chứ không làm thêm.
GDP hiện nay của chúng ta ước đạt 60 tỷ đô la, tiêu dùng trong nước, nhu cầu bán lẻ và dịch vụ trong nước ước khoảng 37 tỷ đô la. Như vậy, vẫn còn thừa ra một lượng rất lớn. Nếu tính giá trị sản xuất lại còn cao hơn nữa, lên đến khoảng 40 tỷ. Như vậy, nếu không xuất khẩu thì sản xuất trong nước sẽ bị co lại ngay.
Vậy đàm phán gia nhập WTO là gì, là bàn các biện pháp làm thế nào thúc đẩy buôn bán các nước, thông qua các biện pháp như miễn giảm thuế, và gỡ bỏ các hàng rào thương mại, tạo điều kiện cung ứng dịch vụ trong nước, kích thích buôn bán giao lưu.
Nhưng không phải hàng hóa tự chảy từ chỗ này sang chỗ kia mà là phải có sự tham gia của con người thông qua các hoạt động sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường. Chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cơ hội chẳng tự nhiên mà có. Tôi rất không yên tâm khi có nhiều người cho rằng vào WTO là chúng ta giàu có lên ngay. Nhưng vào WTO chỉ tạo ra cơ hội mà thôi. Có biến cơ hội thành lợi ích thực sự hay không là sự phấn đấu và nỗ lực của bản thân từng cá nhân cũng như của các doanh nghiệp.
Các chương trình phổ biến thông tin WTO còn chung chung
- Nguyễn Ngọc Huy, 29 tuổi, TP.HCM: Chúng ta có phải đã có rất ít chương trình trợ giúp về thông tin về WTO, nhất là với nông dân, trước trong và sau khi hội nhập?
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Sau khi có Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về Hội nhập Kinh tế, có nhiều chương trình phổ biến nhưng rõ ràng vẫn còn ở mức chung, chưa đi vào cụ thể. Hiệu quả còn thấp. Thậm chí còn có vấn đề là chúng ta thực hiện cam kết thế nào? Có nhiều lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài quá nhiều sẽ có những tác động xã hội. Tôi sẽ chính thức phát biểu điều này vào phiên họp của Chính phủ ngày mai.
Có một số lĩnh vực nhạy cảm, có tài chính, ngân hàng, siêu thị... Thái Lan có tình trạng nhiều bùng nổ siêu thị nên đã có sự hạn chế, bắt đầu cấm người nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này vì nó làm phá sản hàng loạt người bán lẻ. Họ kêu nhất là mở cửa thị trường phân phối. Ông Long Vĩnh Đồ, Trường đoàn đàm phán của Trung Quốc về gia nhập WTO đã phải lên tiếng thanh minh. Ở Nga cũng thế. Các trung tâm thương mại lớn cao đẹp có thể hoành tráng nhưng làm phá vỡ thị trưởng bán lẻ.
Ở các tỉnh, ai xin vào phân phối là cho ngay. Cam kết 1/2009 cho mở cửa thị trường phân phối nhưng chỉ cho mở một điểm, và phải xem xét ở đó có yêu cầu không, liệu có ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ VN không. Hiện nay các địa phương đang làm. Mới đây Hải Phòng lén cấp phép cho 1 nhà phân phối và sau đó là cả TP.HCM.
Có những vấn đề mở cửa gây tác động xã hội mà các địa phương chưa ý thức được, trong đó có vấn đề mở cửa thị trường phân phối. Vấn đề này tới đây phải tập huấn cho các địa phương. Không có nước nào người ta cho mở siêu thị bán lẻ ngay trung tâm thành phố.
Ngân hàng cũng vậy, có những quy định chưa chặt chẽ, cần phải được bảo vệ. Tư duy của chúng ta hiện nay thiếu tính hệ thống, nhìn thấy lợi ích trước mắt chứ không có tầm nhìn dài hạn.
Không nên lạc quan tếu theo kiểu vào WTO là "đổi đời"
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa Bộ trưởng, chúng ta còn rất nhiều câu hỏi của bạn đọc, Bộ trưởng còn dành thời gian được nữa không để trả lời?
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Tôi không ngại bất cứ câu hỏi nào cả. Tôi là người không ngại vấn đề gì. Nếu thấy rằng bạn đọc thấy cần phải trao đổi thì chúng ta thiết kế một buổi khác. Tôi cảm thấy nhận thức của chúng ta chưa thật chuẩn xác. Chúng ta đánh giá quá cao, quá mức sự kiện gia nhập WTO. Đánh giá quá cao theo cách lạc quan tếu. Nếu như vậy thì rất nguy hiểm. Vào WTO là đất nước "đổi đời", không có chuyện đó đâu.
Không ở đâu như Việt Nam, người dân tổ chức đi bộ, míttinh chào mừng tổ chức thành công APEC và gia nhập WTO. Tôi hoàn toàn không phê phán, nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Các phong trào đó cần khẳng định quyết tâm, tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức hay phát huy kết quả đạt được từ sau APEC để làm cái gì tốt hơn. Nếu không đặt không đúng, không phấn đấu được thì lại tạo ra thất vọng, lúc bấy giờ lại đổ tại đàm phán.
Gia nhập WTO có 5 cơ hội, 5 thách thức:
Cơ hội: chúng ta có một thị trường xuất khẩu không bị phân biệt đối xử; xoá bỏ hạn ngạch; môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn, ổn định và minh bạch, kể cả với đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư và phân luồng đầu tư vào Việt Nam; đổi mới kinh tế trong nước đồng bộ hơn do liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế; cùng với các nước bàn thảo về chính sách thương mại toàn cầu như đấu tranh chống trợ cấp, về chống bất bình đẳng thương mại; vị thế mới của Việt Nam trên thế giới, từ đó triển khai tốt đường lối đối ngoại của chúng ta với phương châm làm bạn các nước.
Thách thức: cạnh tranh gay gắt, không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay ở trong nước. Các dịch vụ phải cạnh tranh từ sản phẩm đến sản phẩm, cạnh tranh giữa DN đến DN, nhưng như thế là chưa đủ nếu Nhà nước không tạo môi trường tốt cũng không cạnh tranh được. Vậy còn cạnh tranh giữa Chính phủ với Chính phủ
Toàn cầu hoá phân bố lợi ích không đều, có bộ phận hưởng lợi hội nhập ít hơn, nhất là bộ phận không được đào tạo. Thế nên có nhiều DN bị phá sản, khoảng cách giàu - nghèo doãng ra - đó là thách thức của xã hội. Phải thực hiện tiến bộ công bằng xã hội ngay trong từng chính sách phát triển.
Đội ngũ cán bộ: chỉ có tính cạnh tranh trong những lĩnh vực không đòi hỏi trình độ cao, cần cù, trẻ, biết chữ là nhiều, nhưng ở trình độ cao, công nghệ cao như chế tạo còn thiếu, đòi hỏi phải thay đổi hệ thống giáo dụ. Ví như Intel vào cần hàng nghìn kỹ sư CNTT mà Việt Nam chưa đáp ứng được.
Rồi văn hoá và an ninh quốc gia, bảo vệ như thế nào trước tác động của hội nhập? Mở cửa hoa thơm quả ngọt vào nhưng rồi nhặng cũng đi theo, nhất là trước lối sống thực dụng của phương Tây như thế nào? Và cuối cùng là môi trường. Cơ hội và thách thức là 50:50. Không ai mang giầu có cho chúng ta đâu, mà chúng ta phải tự làm cho mình giàu có.
Tôi đề nghị có buổi giao lưu này là để đánh giá lại sự kiện gia nhập WTO. Chúng ta phải vận động, bộ máy DN và hệ thống chính trị địa phương phải làm tốt. Trên thực tế, chưa có nước nào vào WTO mà nghèo cả. Trung Quốc vừa tổng kết 5 năm gia nhập WTO, khẳng định thắng lợi. Chúng ta phải tin vào đó để hành động.
Tôi không thích lên mạng, lên tivi, nhưng tôi phải xuất hiện để nói lại điều này. Công lao vào WTO chủ yếu do đổi mới của đất nước, đạt đến thời điểm và cơ hội gia nhập. Người đàm phán chỉ là người ghi điểm thôi.
Nguồn: VietNamNet