Tin tức
Nông nghiệp Việt Nam trước thềm WTO (05/01)
06/08/2010 - 300 Lượt xem
Vào WTO, thuộc tính hàng hóa của nông sản làm ra phải có chất mới, đáp ứng những điều kiện để cạnh tranh không chỉ ở thị trường quốc tế mà còn ngay trong nước. Như vậy, cần đặt vấn đề tích tụ ruộng đất từ giờ thì mới kịp trở mình...
Bài học từ khoán 10
Do phát triển công nghiệp, dân số tăng, tốc độ đô thị hóa ồ ạt, môi trường bị hủy hoại… nên diện tích đất trồng trọt đang ngày càng suy giảm. Vì vậy, việc sử dụng đất với hiệu quả cao nhất và giữ không cho thoái hóa vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với tất cả các quốc gia.
Với VN, khi diện tích bình quân đầu người quá thấp, đời sống nông dân khó khăn, sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền ngày càng rõ, đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách phù hợp trong việc sử dụng đất, nhất là ở thời điểm VN đã gia nhập WTO.
Chủ trương “khoán sản phẩm trong nông nghiệp” mà theo cách gọi dân dã là…”khoán 10” hai chục năm qua đã trở thành động lực tạo nên một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Lao động tập thể có vị trí cực kỳ quan trọng trong khắc phục thiên tai nhưng phương thức sản xuất tập thể theo kiểu…”mặt trời lên quá ngọn tre mới ra đồng sắp hàng lao động” thì rõ ràng hiệu quả sẽ thấp bởi không phù hợp quy luật tăng năng suất lao động khi được phân công hợp lý.
Ngoài ra, nó cũng chẳng phù hợp lòng người khi hưởng thụ thành quả của lao động như nhau trong lúc lại rất khác nhau về cường độ lẫn chất lượng lao động của từng cá thể. Không hề cường điệu khi nói, nếu không có “khoán 10” thì may lắm chúng ta chỉ có thể tự túc được lương thực nói gì đến dư thừa để xuất khẩu.
Rõ ràng khi đã được làm chủ trên mảnh đất của mình, người nông dân đã đi theo con đường duy nhất đúng là thâm canh trên cơ sở phát huy độ phì nhiêu thực tế của một đám đất cụ thể để thu được năng suất cao tính bằng giá trị chứ không còn câu nệ về những con số tấn, tạ.
Khi đã vào WTO thì thuộc tính hàng hóa của nông sản làm ra phải mang một chất mới, phải có những điều kiện cần và đủ để cạnh tranh, không những trên thị trường quốc tế mà còn ngay cả trên “sân nhà”.
Sáu lý do để: tích tụ ruộng đất
Theo thiển ý của chúng tôi, cần đặt vấn đề tích tụ ruộng đất ngay từ bây giờ dựa trên mấy yếu tố chủ yếu sau đây
Một là, nông sản lưu thông trên thị trường phải là nông sản chiến lược, nhiều nước cần nhưng không sản xuất được hoặc sản xuất được với giá thành cao hơn chúng ta. Loại nông sản chiến lược ấy có thể chung cho cả nước, có thể đặc trưng cho từng vùng sinh thái.
Hai là, nông sản ấy phải có chất lượng cao về giá trị dinh dưỡng, không chứa độc tố như kim loại nặng hoặc tàn dư thuốc bảo vệ thực vật. Gần đây, bổ sung vào khái niệm “chất lượng” còn có thương hiệu đặc trưng như tên vùng sản xuất với những hồ sơ xác nhận đã thực hiện được mục tiêu phát triển nông nhiệp bền vững.
Phải thừa nhận chất lượng nông sản hiện nay ở nước ta còn kém nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển. Minh chứng sinh động về chất lượng không đạt tiêu chuẩn có thể tìm thấy ở những nơi sản xuất các giống lúa đặc sản do các đối tác nước ngoài đem vào gieo trồng ở nước ta, điển hình là nếp Nhật Bản, gạo Đài Loan, vừng một vỏ tỷ lệ dầu và protein cao.
Ba là, bởi tiềm năng kinh tế của từng hộ nông dân ở nước ta hiện nay còn quá thấp, không đủ điều kiện để đầu tư vào thâm canh đúng với những biện pháp kỹ thuật tối thích nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nên thu nhập của người nông dân tăng trưởng còn rất chậm. Hơn thế, khi canh tác trên những diện tích nhỏ, manh mún thì khó có điều kiện để đồng nhất độ phì nhiêu thực tế, đồng nhất về hiệu lực phân bón, chất lượng giống ban đầu cũng như thời vụ gieo trồng và gặt hái.
Bốn là, khác với công nghiệp, sản xuất nông nghiệp có không gian rộng hơn, lực lượng lao động nhiều hơn, ảnh hưởng của thời tiết lớn hơn trong lúc hiểu biết về kỹ thuật của nông dân lại không đồng đều nên lợi nhuận thu được cũng rất khác nhau.
Năm là, khi đã có chủ trương đúng và biện pháp kỹ thuật tốt thì vẫn rất cần sự chỉ đạo cụ thể, sát sao, điều chưa thật phổ biến trong hoạt động thực tiễn.
Sáu là, mức độ tiếp nhận thông tin về khoa học và thị trường chưa thực phổ biến kịp thời và rộng rãi trong nông dân đã hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như trong nước.
Với những lý do kể trên, thực tiễn đòi hỏi phải đổi mới phương thức quản lý đất đai, thay đổi quyền sử dụng đất nhằm tiêu giảm tỷ lệ nông dân trong cơ cấu dân số, đồng thời cũng tăng nhanh hiệu quả của việc sử dụng đất. Phải chăng con đường tất yếu là tích tụ đất đai với những loại hình khác nhau tùy theo từng vùng, từng đối tượng cây trồng và vật nuôi?
Với bước đi táo bạo nhưng không phiêu lưu, phải chăng đã đến lúc chín muồi để cho ra đời những tập đoàn sản xuất nông nghiệp đa sản phẩm, vừa thực hiện chuyên canh, vừa có những nông sản “vệ tinh” để phòng tránh những giao động về giá cả và thất bát do thời tiết không thuận hòa.
Hai mô hình để thực hiện thí điểm
Loại hình thứ nhất, dựa trên khả năng điều hành sản xuất giỏi của cán bộ những hợp tác xã còn làm tốt chức năng qui định, trên cơ sở có nhiều xã viên say mê với đồng ruộng, vẫn tự nguyện phấn đấu để trở thành công nhân nông nghiệp qua những cách đào tạo phù hợp.
Loại hình thứ hai, nên thử nghiệm ở những nơi nông dân muốn chuyển sang những nghề khác thì cũng nên để họ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cách làm đấy đã có trong thực tiễn dưới hình thức trang trại tư nhân, cần được đánh giá kịp thời về tất cả các mặt kinh tế và xã hội.
Tích tụ đất đai đã tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tăng cường khả năng hiệp tác trong lao động và trong sử dụng thiết bị, tạo sự đồng thuận trong các chủ trương kỹ thuật và trong chỉ đạo sản xuất.
Nhờ tích tụ đất đai mà điều tra cơ bản cũng khoa học hơn, tránh phân vùng quy hoạch một cách tùy tiện, duy ý chí, chọn lựa cơ cấu cây trồng và vật nuôi chuẩn xác hơn, vận dụng khái niệm “độ phì nhiêu thực tế” nhuần nhuyễn hơn. Đấy cũng chính là môi trường thuận lợi để chọn lọc cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật giỏi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế càng ngày càng cao, nhằm tạo lập một nền sản xuất bền vững về nông nghiệp nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế của đất nước nói chung.
GS.TSKH Nguyễn Vy - Nguyễn Đăng Nghĩa
Nguồn: Vietnam Net