VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Vốn nội chảy nhanh hơn qua biên giới (29/12)

06/08/2010 - 299 Lượt xem

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong năm 2006 tiếp tục khởi sắc.

Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư trực tiếp ra nước ngoài 33 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 136,5 triệu USD trong năm nay. Về tăng vốn, có 4 dự án điều chỉnh với tổng vốn tăng thêm 211,2 triệu USD, trong đó đáng chú ý là dự án hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí tại Angeria của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng thêm 208 triệu USD.

Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm nay các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngòai với tổng vốn đầu tư hơn 347 triệu USD. Con số này đưa tổng số vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài từ trước đến nay đạt hơn 968 triệu USD, với 183 dự án.

Thống kê cho thấy, các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn trong lĩnh vực công nghiệp (chiếm 41% số dự án và 75% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp (với con số tương ứng 20% và 13%), còn lại là lĩnh vực dịch vụ.

Có kết quả trên bởi trong năm 2006, khuôn khổ pháp lý của hoạt động đầu tư ra nước ngoài được hoàn thiệu hơn bằng Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2006 đã quy định về việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thay thế Nghị định 22/1999/NĐ-CP.

Với khuôn khổ pháp lý mới thì các thủ tục đầu tư ra nước ngoài được đơn giản hóa hơn, cộng với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng “đẻ” thêm nhiều doanh nghiệp có khả hăng tài chính để “quay vốn” bằng cách đầu tư ra nước ngoài. Và một trong những sự kiện tiêu biểu nhất năm nay là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Tuy được đánh giá là khởi sắc, song thực tế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có những bứt phá.

Số liệu về lượng dự án và quy mô vốn cho thấy đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ, do năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư còn hạn chế. Quy mô vốn đầu tư trung bình của một dự án cấp mới trong năm nay là 4,12 triệu USD, trong khi đó con số này của FDI vào Việt Nam là 9,4 triệu USD, cao gấp đôi.

Cùng đó, vốn đầu tư của Việt Nam mới chảy sang trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, song lại tập trung sang Lào (63 dự án với tổng vốn đầu tư là 420 triệu USD tương ứng chiếm 34% số dự án và 43% về vốn đầu tư), và Liên bang Nga (11 dự án với 73 triệu USD).

Một số dự án tại đầu tư tại Lào như: dự án sản xuất hàng may mạc của Công ty Scavi Việt Nam, dự án trồng cao su tại 4 tỉnh Nam Lào của Công ty Cao su Đắc Lắc (vốn đầu tư thực hiện khoảng 6 triệu USD), dự án trồng – sản xuất – chế biến cao su của Tổng công ty Cao su Việt Nam (vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD),…

Nhằm đẩy nguồn vốn nội chảy nhanh hơn trong thời gian tới, mới đây Cục Đầu tư nước ngoài đã xây dựng đề án khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, một thông tin thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý và doanh nghiệp, do đây là lần đầu tiên có một đề án bàn đến vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ cần xây dựng đề án về các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cùng đó giao cho các cơ quan ngoại giao, thương vụ, và tham tán kinh tế Việt Nam ở nước ngoài có báo cáo định kỳ về chính sách và cơ hội đầu tư của nước sở tại.

Với những kiến nghị trên cùng với bối cảnh mới trong năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt khoảng 300 triệu USD.

Nguồn: TBKTVN