Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Thu hút đầu tư nước ngoài 2006 đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng tốc ngoạn mục (19/12)

06/08/2010 - 291 Lượt xem

  • Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều đạt mức kỷ lục

Trao đổi với PV Báo SGGP chiều qua, 17-12, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) đã thông báo con số chính thức là nguồn vốn FDI thu hút được trong năm 2006 đạt 9,5 tỷ USD.

Theo ông Phan Hữu Thắng, tổng số vốn FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mức kỷ lục như trên đã vượt rất cao so với kỳ vọng của đầu năm 2006. Trong tổng số 9,5 tỷ USD vốn FDI, vốn cấp mới là trên 7 tỷ USD, vốn mở rộng sản xuất kinh doanh 2,2 tỷ USD. Với kết quả này, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2006 tăng trên 40% so với kế hoạch đề ra và tăng khoảng 38% so với năm 2005.

Mặc dù trong năm 2005, tình hình đưa vốn FDI vào thực hiện cũng tăng khá nhanh, nhưng trong năm 2006 tốc độ vốn FDI đưa vào thực hiện còn tăng nhanh hơn, ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với kế hoạch ban đầu và tăng 25% so với năm 2005. Đây cũng là con số kỷ lục của vốn FDI thực hiện trong 1 năm ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết các dự án lớn được cấp phép đã và đang triển khai rất nhanh.

So với năm 2005, trong năm 2006, Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn và các dự án công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia. Trong số đó, có thể kể đến dự án thép Posco tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trị giá 1,1 tỷ USD; dự án của tập đoàn Intel đầu tư vào TPHCM với tổng số vốn 1 tỷ USD; Công ty TNHH Tycoons Worldwide Steel (Vietnam), xây dựng nhà máy cán thép, vốn đầu tư 556 triệu USD… Một điểm sáng đáng lưu ý khác là hàng loạt dự án tăng vốn lớn như: Công ty Intel Products Việt Nam tăng vốn thêm 395 triệu USD, Công ty VMEP tăng vốn thêm 93,6 triệu USD; Công ty Canon Việt Nam tăng vốn thêm 70 triệu USD.

Với kết quả này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự kiến lạc quan rằng, năm 2007 sẽ thu hút vốn FDI lần đầu tiên sẽ đạt mức 2 con số, tức 10 tỷ USD, trong đó cấp mới là 7,5 tỷ USD và vốn tăng thêm là 2,5 tỷ USD. Mức vốn thực hiện được nâng lên mức khoảng 5 tỷ USD.

  • Triển vọng thu hút FDI năm 2007 còn sáng sủa hơn...

Theo các cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết mở cửa 11 ngành với 110/115 phân ngành dịch vụ, đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Trở thành thành viên của WTO, Việt Nam sẽ tuân thủ toàn bộ các hiệp định và quy định mang tính ràng buộc của tổ chức thương mại toàn cầu này với nguyên tắc chính là mở cửa thị trường về hàng hóa và dịch vụ, không phân biệt đối xử hàng hóa và doanh nghiệp giữa các đối tác; thực hiện những quy định về đầu tư liên quan đến thương mại, tuân thủ các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, công khai minh bạch chính sách. “Triển vọng thu hút đầu tư năm 2007 của Việt Nam là rất sáng sủa” – ông Pincus nhận xét.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành và áp dụng nhiều luật mới quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu... đồng thời, phân cấp triệt để việc quản lý đầu tư về cho các địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách về đầu tư kinh doanh theo hướng tạo mặt bằng pháp lý chung cho cả đầu tư nước ngoài và trong nước, đưa môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ KH – ĐT Võ Hồng Phúc, việc thực hiện các bộ luật này một cách thống nhất và hiệu quả, cùng với việc triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hành chính về đầu tư… sẽ là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam, cũng là một nhiệm vụ trọng yếu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư trong năm 2007. Với các nỗ lực đó, có thể tin chắc rằng, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được “hút” về Việt Nam mạnh mẽ hơn.

BÍCH HẰNG

Nguồn:
Thời báo Kinh tế Việt Nam

  • Bộ trưởng Bộ KH-ĐT VÕ HỒNG PHÚC: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo các đánh giá, khả năng hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong số các nước có nhu cầu đầu tư lớn, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là sức cạnh tranh quốc gia của chúng ta còn một số hạn chế. Do đó, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ một số lĩnh vực trong khuôn khổ cho phép, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của từng lĩnh vực, từng sản phẩm. Đồng thời, cũng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương thu hút vốn FDI để giảm bớt các thủ tục hành chính và các khâu trung gian.

  • Chuyên gia kinh tế trưởng UNDP J. PINCUS: Doanh nghiệp dễ dàng hơn khi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam

Trước đây, Việt Nam chỉ đáp ứng tốt yêu cầu đầu tiên của các nhà đầu tư. Nay, khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã có nhiều cơ hội hướng tới thị trường có yếu tố cạnh tranh với chất lượng sản phẩm cao sẽ dễ dàng hơn cho lựa chọn của các nhà đầu tư. Việt Nam cần thúc đẩy phát triển các dự án đầu tư vào các: dịch vụ, cảng biển, giao thông – vận tải, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực, dầu khí và một số ngành công nghiệp nhẹ.

· Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam M. MARINE: Thời điểm tốt để tăng đầu tư vào Việt Nam

Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực như: chế tạo, dịch vụ, tài chính, ngân hàng và xuất khẩu. Tôi tin rằng, năm 2007 và sau này là thời điểm tốt cho khả năng tăng đầu tư vào VN. Tuy nhiên, tôi cũng cảnh báo có một số vấn đề nếu không được giải quyết có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến đầu tư như vấn đề tham nhũng, các luật mới - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp chưa có văn bản hướng dẫn, chưa đảm bảo sở hữu trí tuệ.

  • Tổng Giám đốc Công ty Canon (Nhật Bản) S. KAGEYAMA: Đầu ra cho sản phẩm của Việt Nam rộng lớn hơn

Khi gia nhập WTO, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng là điều khó đảo ngược. Khi Việt Nam đã tham gia bình đẳng trong sân chơi của nền thương mại toàn cầu, thị trường xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới chắc chắn sẽ rộng mở và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tận dụng cơ hội nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp của Việt Nam để mở rộng quy mô làm ăn tại Việt Nam.