
Vài suy nghĩ về chất lượng tăng trưởng kinh tế (1/12/2006)
06/08/2010 - 260 Lượt xem
Diễn đàn Quốc hội vừa qua nóng lên với vấn đề về chất lượng tăng trưởng kinh tế khi có đại biểu chất vấn: “Vì sao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng chưa có chuyển biến đáng kể? Có đúng như nhận định của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách: “đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là yếu tố vốn (trên 60%) và lao động...”? (Tuổi Trẻ, 27/11).
Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận rằng đúng là đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là vốn và lao động.
Ông Phúc còn nói thêm: “Đến nay, chưa có những nghiên cứu thật sự khoa học, đáng tin cậy về đóng góp của các nhân tố trên tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế... Tuy nhiên, qua một số tài liệu nghiên cứu bước đầu cho thấy nhân tố vốn đầu tư đóng góp 55-57%, nhân tố lao động đóng góp 18-20% tới tăng trưởng kinh tế, trong khi nhân tố năng suất tổng hợp chỉ chiếm 23-27%.”
Với tư cách là một người làm nghiên cứu kinh tế, tôi tán thành ý kiến của ông Phúc là cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nghiêm túc, đáng tin cậy nào về vấn đề này. Tôi bắt tay vào nghiên cứu đề tài này từ năm 2004, và quả thật, trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi chưa thấy một bài viết nào về cùng đề tài được đăng tải trên các tạp chí học thuật quốc tế (có thể có ở Việt Nam mà tôi không biết).
Nhân đây, tôi xin cung cấp một số bằng chứng mới về vai trò của vốn, lao động, và nhân tố năng suất tổng hợp trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong suốt ba thập kỷ qua. Đây là một phần của kết quả tính toán từ một nghiên cứu của tôi với tiêu đề “Sources of Vietnam’s Economic Growth” (“Các nguồn lực tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”; được chấp nhận đăng trên tạp chí phản biện Progress in Development Studies, số ra giữa năm 2007, Nhà xuất bản Sage Publications, London; bạn đọc có thể liên hệ với tôi tại địa chỉ e-mail phanminhngoc@yahoo.com để lấy bài viết này).
Trong nghiên cứu này, tôi ước tính các hàm sản xuất dạng Cobb-Douglas, sử dụng chuỗi số liệu hàng năm từ 1975 đến 2003 của UNDP về GDP, vốn, và lao động ở Việt Nam (về sau có mở rộng ra đến tận năm 2005, sử dụng số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam), để đo lường mức độ đóng góp của ba yếu tố: vốn, lao động, và tiến bộ kỹ thuật (có thể hiểu như/hoặc lấy gần bằng nhân tố năng suất tổng hợp trong trường hợp này) vào tăng trưởng GDP ở Việt Nam trong cùng thời kỳ.
Ước tính các hàm sản xuất này thu được những kết quả chính sau đây:
- Vốn là nguồn gốc chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong suốt ba thập kỷ qua, đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng cao 1990-1998. Vốn đóng góp từ 85% tới 93% (tùy theo giả định về khối lượng vốn có trong nền kinh tế vào năm cơ sở 1975) vào tăng trưởng GDP trong toàn giai đoạn 1975-2003.
Tỷ lệ này còn tăng cao hơn, tới 90%-95% trong giai đoạn đổi mới kể từ sau năm 1989 (những kết quả không thay đổi nhiều khi cho thêm số liệu mới nhất cho các năm 2004 và 2005);
- Tiến bộ công nghệ đóng góp hoàn toàn không đáng kể về mặt thống kê vào tăng trưởng GDP trong ba thập kỷ qua, kể cả trong giai đoạn đổi mới và tăng trưởng nhanh, hoặc trong những năm gần đây.
Phát hiện này không phải là một ngoại lệ nếu biết rằng đã có một nghiên cứu khác cho thấy tiến bộ công nghệ chỉ đóng góp 0,2% vào tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, một nước có nền kinh tế chuyển đổi khác trong khu vực và rất thành công, trong giai đoạn 1953-1999;
- Lao động chỉ đóng góp một tỷ trọng rất nhỏ vào trong tăng trưởng kinh tế trong ba thập kỷ qua (từ 7% đến 15% trong giai đoạn 1975-2003, và còn nhỏ hơn nữa trong giai đoạn 1990-1998; những kết quả này không thay đổi lớn nếu cho thêm 2 năm 2004-2005 vào chuỗi dữ liệu).
Vì kết luận về vai trò không đáng kể của tiến bộ kỹ thuật (hay nhân tố năng suất tổng hợp) trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian qua là một kết luận chính trong nghiên cứu của mình, nên tôi đã đưa ra thêm một số giải thích trực quan để bổ sung thêm tính thuyết phục cho kết luận này.
Trong giai đoạn tiền đổi mới, với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa rất kém hiệu quả, các doanh nghiệp nhà nước không có mấy động lực để cải tiến kỹ thuật... thì không khó hiểu tại sao tiến bộ kỹ thuật lại thiếu vắng trong tăng trưởng.
Trong giai đoạn sau đổi mới 1989 trở đi, rất có thể người ta kỳ vọng rằng sự xuất hiện của FDI và sự mở cửa trao đổi thương mại với thế giới sẽ làm tăng năng suất của nền kinh tế vì đây là 2 kênh quan trọng để nâng cấp công nghệ. Nhưng cũng đã chỉ ra trong một bài viết khác của tôi trên tạp chí ASEAN Economic Bulletin năm 2003, xuất khẩu trong giai đoạn 1975-2001, kể cả xét riêng trong thời kỳ sau đổi mới, cũng không có ảnh hưởng tích cực và đáng kể lên tăng trưởng GDP ở Việt Nam, bởi những vấn đề tồn tại trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, chính sách thương mại và công nghiệp, liên kết giữa chính sách thúc đẩy xuất khẩu với công nghiệp hóa, cũng như việc phân bổ còn bất hợp lý các nguồn lực từ khu vực phi xuất khẩu sang khu vực xuất khẩu.
Còn về tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tôi và một số tác giả khác cũng đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng một bộ phận lớn FDI vào Việt Nam tìm đến với những ngành công nghiệp được bảo hộ chặt chẽ hay được khuyến khích bằng những ưu đãi vật chất.
Những doanh nghiệp FDI trong những ngành này thường là những doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong nước (chứ không phải doanh nghiệp hướng xuất khẩu) nên thường kém hiệu quả, không có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và không bị đặt trước áp lực “đổi mới hay là chết”.
Vì vậy, đây cũng chính là một trong những lý do để minh họa cho kết quả của một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Asian Economic Journal năm 2004, theo đó chúng tôi đã kết luận rằng doanh nghiệp FDI không hoàn toàn có năng suất cao hơn và có hiệu quả hơn các doanh nghiệp trong nước (với một số ngoại trừ).
Ngoài ra, sự hiện diện áp đảo của doanh nghiệp nhà nước ở nhiều ngành công nghiệp chủ chốt, nhưng một phần lớn trong số đó là thua lỗ triền miên, kể cả cho đến hiện nay, ít nhiều đã kéo năng suất chung của cả ngành và cả nền kinh tế xuống.
Từ những bối cảnh trên, không khó để hình dung tại sao tiến bộ kỹ thuật (hay nhân tố năng suất tổng hợp) hoàn toàn không đáng kể để đóng một vai trò nhất định trong tăng trưởng ở Việt Nam.
Tóm lại, có thể thấy tăng trưởng ở Việt Nam từ trước và cho đến tận những năm gần đây vẫn chỉ chủ yếu là nhờ tăng trưởng vốn, và một ít nhờ tăng trưởng lao động. Nói cách khác, chưa có nhiều thay đổi đáng kể trong cơ cấu nguồn lực tăng trưởng tại Việt Nam.
Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu, Nhật Bản)
Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 1/12/2006
