Tin nổi bật
Chuyển đổi kép xanh và số: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Hà Nội
09/10/2024 - 168 Lượt xem
Đó là chia sẻ của ThS. Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ bên lề Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" tổ chức ngày 6/10.
Kinh nghiệm chuyển đổi kép của các nước
Theo ThS. Nguyễn Hoa Cương, trên thế giới, "Chuyển đổi kép xanh và số" đang trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia. "Chuyển đổi kép xanh và số" là việc theo đuổi đồng thời các mục tiêu số hóa và phát triển bền vững, khai thác tối đa lợi ích do quá trình chuyển đổi kép mang lại.
Các quốc gia cùng với việc chủ động, đã tích cực khai thác các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng tiềm năng của công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi số trở thành đòn bẩy cho quá trình chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường…
ThS. Nguyễn Hoa Cương cho biết, một số quốc gia đã có những chính sách đồng thời thúc đẩy hai quá trình chuyển đổi, lồng ghép các mục tiêu về "chuyển đổi xanh" và mục tiêu về khí hậu trong các chương trình và chính sách chuyển đổi số. Chẳng hạn, Kenya với chính sách thông tin, truyền thông và công nghệ quốc gia năm 2019 xem công nghệ thông tin-truyền thông như một công cụ tăng cường "mô hình hoá, thích ứng, giảm thiểu, giám sát và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng hợp lý các ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông". Kế hoạch Kinh tế số của Kenya bao gồm các mục tiêu nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin-truyền thông và giảm thiểu rác thải điện tử.
Ngoài ra, một số nước đã ban hành các kế hoạch, quy định và ưu đãi nhằm "xanh hoá" ngành công nghệ thông tin-truyền thông. Điển hình như Pháp đánh thuế doanh nghiệp theo mức tiêu thụ điện năng, giảm thuế cho các trung tâm dữ liệu nếu đáp ứng được một số tiêu chí về hiệu quả năng lượng. Trung Quốc ban hành kế hoạch "Dữ liệu phương Đông, điện toán phương Tây" vào năm 2020 nhằm mở rộng năng lực của trung tâm dữ liệu ở miền đông và miền tây Trung Quốc, bao gồm các tiêu chí về hiệu quả năng lượng cho các trung tâm dữ liệu (mức hiệu quả sử dụng điện năng).
Chính sách mới (New Deal) của Hàn Quốc tận dụng công nghệ kỹ thuật số để triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chính sách số hóa xanh còn được áp dụng tại Thụy Điển. Thụy Điển là quốc gia đặt mục tiêu trở thành "quốc gia tốt nhất thế giới trong việc tận dụng các khả năng số hóa"…
ThS Nguyễn Hoa Cương cũng dẫn chứng, trên thế giới có nhiều sáng kiến góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép xanh và số. Chẳng hạn như Sáng kiến Cổng thông tin toàn cầu (Global Gateway investment initiative) là một chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) được thiết kế để huy động 300 tỷ EUR đến năm 2027 nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới…
Không đứng ngoài xu thế trên, Việt Nam cũng đã theo đuổi đồng thời mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và mục tiêu chuyển đổi xanh. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022…
Giải pháp chuyển đổi kép xanh và số cho Hà Nội từ kinh nghiệm của các nước
Từ những kinh nghiệm trên, ThS. Nguyễn Hoa Cương phân tích, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ lớn nhất của cả nước. Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Xét về chuyển đổi số, Nghị quyết số 18-NQ/TW về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Cụ thể hóa chủ trương của Nhà nước, các Sở, ngành TP. Hà Nội đã ban hành, triển khai đồng bộ nhiều chính sách và sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Theo số liệu mới nhất từ thành phố Hà Nội, đến nay thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số. Chính quyền số đã được triển khai mạnh mẽ với 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng, minh bạch thông qua nền tảng hệ thống dịch vụ trực tuyến (đã xử lý thành công hơn 2,5 triệu hồ sơ trực tuyến).
Hà Nội thí điểm thành công hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc; các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đến nay đều đạt trên 90%.
Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và triển khai ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHaNoi". Ứng dụng này đã trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố…
Về kinh tế số, có gần 5.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Thương mại điện tử đã phát triển mạnh với doanh thu tăng 40% so với năm 2023. Hơn 90% doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và kinh doanh. Kê khai và nộp thuế điện tử đạt 99%.
Về xã hội số, gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên đã hoạt động tích cực, đưa chuyển đổi số vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giúp người dân nắm bắt và trải nghiệm các dịch vụ số. Hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động đã được đào tạo kỹ năng số cơ bản, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một thế hệ công dân số thông minh.
Trong ứng dụng công nghệ số, Hà Nội lựa chọn những việc gắn với người dân, những vấn đề cấp thiết để tập trung giải quyết, đem lại lợi ích cho người dân.
Lĩnh vực y tế đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với cơ quan BHXH Thành phố thông qua hệ thống giám định điện tử đảm bảo công khai, minh bạch; lĩnh vực du lịch đã triển khai 27 điểm đến được số hóa bằng công nghệ 360, qua đó giúp tuyên truyền, quảng bá du lịch của các địa phương hiệu quả hơn….
Trung tâm điều hành giao thông thông minh của Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh
Còn xét về chuyển đổi xanh, Ths. Nguyễn Hoa Cương cho rằng, mục tiêu chuyển đổi xanh Hà Nội được thể hiện tại nhiều văn bản, chính sách như Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quan điểm lập quy hoạch Thủ đô phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ mục tiêu, định hướng với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; Kế hoạch số 263/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024, Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ giảm 3,5-4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, Hà Nội sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn có công suất điện 75MW, làm việc theo công nghệ ghi di động kiểu Waterleau của Bỉ, được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai thế giới sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến của Trung Quốc. Ảnh (TTXVN)
Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị - văn hóa - xã hội của cả nước. Mục tiêu phát triển kinh tế Hà Nội xứng tầm đúng vị thế - tiềm năng của Thủ đô, đúng với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và thông điệp “Yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung.
Thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để thu hút doanh nghiệp. Về môi trường đầu tư, Hà Nội tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn nhiều địa phương trong cả nước. Cùng với đó, Hà Nội chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND TP. Hà Nội chỉ đạo giải quyết cụ thể. Do đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Thủ đô Hà Nội có lịch sử hào hùng nghìn năm văn hiến, có 10 triệu dân hiện tại và nhiều hơn nữa trong tương lai gần; hiện Hà Nội có hàng triệu lao động trình độ cao và tốt của các địa phương trên cả nước thường xuyên sống làm việc tại Hà Nội. Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 vừa điều chỉnh, rất chuẩn xác về pháp lý để Hà Nội thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cở sở Luật Thủ đô 2024, mới đây các chuyên gia cũng đã kiến nghị Hà Nội cần đưa ra được những quy định mà nếu muốn ở Thủ đô thì cần phải đáp ứng. Ví dụ, đơn giản như việc phân loại rác tại nguồn, tại chung cư thì cần đặt ra quy định cụ thể, không thể tùy tiện.
Chuyên gia cũng cho rằng, để phát triển kinh tế Hà Nội tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số Thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô.
Để làm được Hà Nội nên dành kinh phí nghiên cứu và thực hiện cho tất cả các lĩnh vực. Đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề, thông điệp rõ đến từng người dân sống, người dân làm việc tại Thủ đô để cùng thực hiện. Kinh tế tuần hoàn là bền vững, là xanh - sạch, môi trường sống tốt, là tuổi thọ, là sức khỏe và cùng là mức sống sẽ tốt lên cho từng người dân, người lao động Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội tới đây cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp... cùng tham gia để thực hiện.
Ths. Nguyễn Hoa Cương nhận định, Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Tuy nhiên Ths. Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh, mặc dù chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của TP. Hà Nội nhưng 2 quá trình này vẫn diễn ra đơn lẻ, song hành và chưa có sự lồng ghép, gắn kết ở cấp độ chính sách. Kết quả là, chuyển đổi kép xanh và số chưa đưa tới những kết quả rõ rệt, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh chưa hỗ trợ cho chuyển đổi số và ngược lại.
Thực trạng này khá tương đồng với nhiều quốc gia, vùng, địa phương trên thế giới, do đó đòi hỏi một cách tiếp cận đồng bộ, tích hợp các giải pháp để hai quá trình chuyển đổi diễn ra đồng thời và có thể hỗ trợ cho nhau.
Từ một số kinh nghiệm quốc tế được phân tích ở trên, cũng như những kiến nghị của chuyên gia, Ths. Nguyễn Hoa Cương cũng đưa một số gợi ý giải pháp TP. Hà Nội có thể tham khảo như việc chuyển đổi kép xanh và số đòi hỏi sự tham gia của các bên gồm khu vực công, doanh nghiệp và cộng đồng gồm các tổ chức nghiên cứu, phi chính phủ và người dân trong việc chia sẻ gánh nặng và thách thức trong hành động chống lại biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Trong đó, khu vực công có vai trò định hướng, khuyến khích lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông và các chủ thể khác sử dụng tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường do quá trình số hóa ngày càng tăng gây ra.
Các tổ chức và cộng đồng cần đẩy mạnh nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tài trợ khí hậu kỹ thuật số để đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số chống lại biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường;
Đồng thời, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ và môi trường pháp luật minh bạch cho hoạt động kinh doanh của các nền tảng số như nhà cung cấp phế liệu, nhà tái chế, đơn vị thu gom,..
Cùng với đó, Thành phố Hà Nội cần nắm bắt cơ hội do quá trình chuyển đổi kép mang lại bao gồm việc xây dựng năng lực kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng và thể chế cần thiết, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và vượt qua các rào cản tài chính.
Ngoài ra, các giải pháp lồng ghép chính sách chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, kinh tế số và kinh tế xanh đối với Hà Nội cần được nghiên cứu và ban hành bao gồm việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về lợi ích và thách thức về môi trường đối với phát triển kinh tế số; đẩy nhanh việc hoàn thiện khung thể chế phù hợp với môi trường kinh doanh số; hoàn thiện chính sách tài chính và đầu tư cho chuyển đổi số và tăng trưởng xanh và tính chủ động của doanh nghiệp trong chuyển đổi kép…
Minh Anh
Nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/chuyen-doi-kep-xanh-va-so-kinh-nghiem-quoc-te-va-goi-y-cho-ha-noi-103241008151742739.htm