Tin nổi bật
Chi phí lãi vay của các doanh nghiệp sản xuất, thương mại giảm 11,2% trong quý 3
15/11/2023 - 180 Lượt xem
Phân tích kết quả kinh doanh quý 3/2023 của 770 doanh nghiệp sản xuất, thương mại đang niêm yết trên sàn chứng khoán (chiếm hơn 41,3% vốn hoá thị trường), WiGroup cho biết chi phí lãi vay trong quý 3/2023 của nhóm doanh nghiệp này giảm 1.552 tỷ đồng so với quý liền kề (tương ứng giảm 11,2%)...
Đầu năm 2023, với dư địa dồi dào từ lạm phát giảm nhanh và tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách tiền tệ rất linh hoạt, thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành trong quý 2/2023 nhằm tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế.
ÁP LỰC LÃI VAY ĐÃ GIẢM
Theo WiGroup, cơ cấu nợ vay quý 3 của 770 doanh nghiệp sản xuất – thương mại niêm yết không có nhiều sự thay đổi so với các quý trước đó. Tỷ lệ đòn nợ vẫn duy trì mức trung bình và có phần giảm khi nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chi phí lãi vay trong quý 3/2023 của nhóm doanh nghiệp sản xuất – thương mại giảm 1.552 tỷ so với quý 2 (giảm 11,2%).
“Việc Ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng giai đoạn quý 2/2023 đã có tác động tích cực giúp chi phí lãi vay của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giảm đáng kể trong quý 3, qua đó cải thiện nền lợi nhuận của cả năm 2023”, các chuyên gia của WiGroup nhận định.
Theo đó, trong quý 3/2023, doanh thu thuần của nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp tục hồi phục nhẹ (tăng 1% so với quý 2/2023 và 8,2% so với giai đoạn đầu năm).
Điểm tích cực là biên lợi nhuận gộp tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng duy trì mức 6,15%, khoảng cách giữa biên lãi gộp và biên lợi nhuận ròng chưa thật sự cải thiện khi vẫn cách nhau 10,2%.
Một vài yếu tố ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của khối sản xuất - thương mại đến từ (1) Số lượng đơn hàng hồi phục chậm; (2) Biến động tỷ giá dẫn đến chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong quý 3.
Quý 3/2023, lợi nhuận sau thuế toàn khối sản xuất - thương mại vẫn chưa thực sự phục hồi khi vẫn giảm khoảng 13,15% so với quý 3/2022.
Đa phần lợi nhuận sau thuế các ngành sản xuất - thương mại đều có mức giảm hơn 60% so với cùng kỳ, chỉ một vài ngành duy trì đà tăng trưởng là: Phần mềm, Vật liệu xây dựng, Nhựa - Cao su,... có mức tăng trưởng dương lần lượt là 16,6%; 106,2%; 8,2%.
Điểm tích cực là lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính của nhóm doanh nghiệp sản xuất – thương mại tiếp tục hồi phục so với giai đoạn cuối năm 2022, tăng 10.624 tỷ đồng và 29,8% so với quý 1 năm 2023.
XUẤT KHẨU NHEN NHÓM TÍN HIỆU PHỤC HỒI SẼ KÉO CẦU TÍN DỤNG TĂNG
Trong tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng dương sau giai đoạn sụt giảm mạnh 6 tháng nửa đầu năm 2023, do nhu cầu mua sắm cuối năm trở nên tích cực, kéo theo các đơn đặt hàng mới tại các quốc gia lớn như Mỹ, EU,.. gia tăng. Chính điều đó, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng 2023, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đa số đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng dệt may là 3 mặt hàng có tốc độ sụt giảm lớn nhất, lần lượt giảm 22,1%, 21,8%, 19,1% so với cùng kỳ... Nhưng bên cạnh đó, các mặt hàng tăng trưởng tích cực như hàng rau quả (+72.5%YoY) khi thị trường Trung Quốc mở cửa; xuất khẩu Gạo tăng trưởng (+35.9%YoY) hưởng lợi bởi thời tiết cực đoan ở Ấn Độ.
Xuất khẩu “ấm lên” được kỳ vọng sẽ kéo theo nhu cầu tín dụng. Hiện nay, dù lãi suất cho vay mới đã giảm mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2023 chỉ xấp xỉ 7%.
Theo các chuyên gia, trong những tháng cuối năm 2023 và 2024, chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng.
Mặc dù lạm phạt đang trong tầm kiểm soát nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết không thể lơ là, ngoài ra, sức ép tỷ giá rất lớn do chính sách tiền tệ của Việt Nam đang ngược chiều với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Ở Mỹ, tuy lạm phát đã giảm rất nhanh từ đỉnh hơn 8% xuống còn 3,7% trong tháng 9. Nhưng, khả năng FED tiếp tục giữ mức lãi suất cao trong thời gian tới khi chỉ số PCE vẫn đang cao, cùng với áp lực từ giá dầu tăng trở lại thì rất khó để CPI Mỹ có thể giảm nhanh.
Trong khi, Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước. Ảnh hưởng bởi khoảng cách lãi suất giữa USD/VND, đi cùng với tăng trưởng tín dung phục hồi, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng lên sẽ làm cho nhu cầu USD trong nước tăng. Từ đó, gây áp lực tỷ giá USD/VND trong thời gian tới.
Nguồn: vneconomy.vn