VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

“Phá vây”, “đánh thức” 1 triệu tỷ đồng đang “ngủ đông”

30/05/2023 - 173 Lượt xem

 

Nền kinh tế đang hết sức khó khăn, nhưng cả triệu tỷ đồng tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân đang nằm “đắp chiếu”, khiến đại biểu Quốc hội vô cùng sốt ruột. Giải pháp nào để “phá vây”, đưa nguồn lực đang “ngủ đông” này vào sử dụng?
 
Phiên thảo luận của tổ 12 (gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Trị, Cần Thơ). Ảnh: Duy Linh

 

Nghịch lý nhức nhối

Tuần qua - tuần làm việc thứ nhất của Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã mổ xẻ nhiều chiều những vấn đề của nền kinh tế. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi là điểm chung tại hàng trăm ý kiến ở 19 tổ thảo luận, trong đó có những khó khăn do chủ quan đã trở nên nhức nhối.

Nhận định rằng, khả năng cao là tăng trưởng GDP năm nay khó có thể về đích (khoảng 6,5%), mà chỉ dưới ngưỡng 6%, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ rõ nguyên nhân chủ quan nằm ở nút thắt trong dòng tiền. Đó là tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng đứng ở mức khá cao từ năm 2019 và gia tăng đáng kể từ năm 2022, tới giữa tháng 5/2023 đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

“Đây là vấn đề nhức nhối, một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển, nhưng phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được. Đây cũng chính là ‘cục máu đông’ gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm ‘đắp chiếu’ chủ yếu ở Ngân hàng Nhà nước và đã không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo đại biểu, thực trạng này thực ra đã được nhận diện khá lâu. Các nguyên nhân được chỉ ra mỗi năm một dài thêm, nhưng điểm mấu chốt của vấn đề vẫn chưa thể được giải quyết triệt để.

Vậy mấu chốt vấn đề nằm ở đâu? Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, do nghẽn giải ngân đầu tư công, nên Bộ này phải gửi số tiền mà đại biểu Hà Sỹ Đồng đề cập của Kho bạc Nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm. “Đây cũng là hạn chế”, người đứng đầu ngành tài chính nhìn nhận.

Nói kỹ hơn lý do nghẽn đầu tư công, Bộ trưởng Phớc giải thích, theo Luật Đầu tư công, có tiền mới được lập dự án, có dự án mới được bố trí tiền, nên vốn phải chờ công trình, làm sao mà giải ngân được. Để giải ngân được thì phải hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư và hiện vướng ở khâu này. Khi phê duyệt dự án mới giải phóng mặt bằng, khâu chuẩn bị đầu tư quá dài do vốn phải chờ công trình.

Để khơi thông “cục máu đông” triệu tỷ đồng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, phải dùng một luật để sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sự chậm trễ có nguyên nhân nằm ở nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện, chứ không nằm ở pháp luật.

Đầu tư công đã phân cấp hết cho các địa phương, từ chọn dự án, lập thủ tục, đề xuất, phân bổ chi tiết đến thực hiện giải ngân, giải phóng mặt bằng... Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ còn làm công tác tổng hợp. “Mong các đại biểu giám sát ngay địa phương mình, để làm rõ vì sao cùng thể chế như nhau, có địa phương làm tốt, có nơi không tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trong phiên thảo luận tổ.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cả hai vị bộ trưởng giải thích đều không sai, nhưng chưa đầy đủ. Nếu chính sách tài khóa linh hoạt hơn, các bộ, ngành liên quan (trong đó có Ngân hàng Nhà nước) chủ động phối hợp tốt hơn, thì dòng tiền đã không nghẽn lâu đến thế. “Tôi xin nhấn mạnh là, vấn đề đã được phát hiện từ năm 2019, quá đủ thời gian để tháo gỡ, kể cả trình Quốc hội sửa luật (nếu cần thiết)”, ông Hà Sỹ Đồng trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Thủ tục không vướng nhiều

Câu chuyện với đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bên hành lang Quốc hội cho thấy, nhận xét sự chậm trễ giải ngân đầu tư công không hẳn nằm ở quy định pháp luật của người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư là có lý. Ông Duy nói, các vướng mắc về khâu chuẩn bị đầu tư đều đã cơ bản được tháo gỡ, phân cấp rất mạnh cho các địa phương. Ví dụ, trong giao vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giao sớm, giao các địa phương chủ động tính toán, sau đó giao tiếp. “Nói chung, về mặt thủ tục thì không có vướng nhiều nữa”, ông Duy khẳng định.

Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương có kết quả giải ngân đầu tư công thuộc nhóm khá của cả nước, ông Duy lưu ý, chuẩn bị đầu tư không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến các vấn đề về đất đai, nên giải phóng mặt bằng còn khá vướng. Vì thế, tỉnh Yên Bái quyết định thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của cấp huyện và giao trách nhiệm đến từng người cụ thể. Với dự án lớn, thì dự án chạy qua địa bàn nào, trách nhiệm giải phóng mặt bằng là của huyện đó.

“Tuy nhiên, do ở dưới huyện, cả về năng lực, số lượng cán bộ, còn khó khăn, tỉnh phải thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, rồi biệt phái cán bộ của các sở, ngành xuống hỗ trợ huyện thì mới tháo gỡ được”, ông Duy chia sẻ.

Liên quan đến lực cản do tâm lý sợ trách nhiệm, nên né công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, đã trở nên phổ biến, ông Duy cho rằng, phải có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy, tổ chức đảng cho đến chính quyền, rồi cán bộ, công chức cấp dưới.

Ví dụ, về giải phóng mặt bằng, quy định của pháp luật rất đầy đủ, chi tiết, nhưng không bao phủ được hết tất cả các tình huống xảy ra trong thực tế. Để bảo đảm sự đồng thuận giữa người dân bị thu hồi đất, Nhà nước và chủ đầu tư, thì phải vận dụng cơ chế chính sách. Thực tế cho thấy, có thể có những vận dụng đúng hoàn toàn theo quy định của pháp luật, có những vận dụng chỉ đúng một phần, nếu cán bộ, công chức cứ chiểu theo quy định của pháp luật làm, thì không thực hiện được, phải báo cáo cấp trên.

Ở Yên Bái, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải có những nghị quyết đồng thuận để cho bên Ủy ban, cán bộ vận dụng chính sách như vậy theo đúng tinh thần bảo đảm làm sao khi giải phóng mặt bằng, người dân đến nơi ở mới đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng cũng không được làm trái quy định của Nhà nước, không được gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

“Muốn thế, rất cần cán bộ phải năng động đề xuất giải pháp. Tiếp đến là cấp ủy, chính quyền, những người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng phải mạnh dạn quyết đáp để anh em bên dưới yên tâm làm việc. Bởi sau này, nếu cơ quan thanh, kiểm tra, thì từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng phải đứng ra giải trình những nội dung vận dụng như thế”, ông Duy chia sẻ.

Tiếp tục đi tìm giải pháp “đánh thức” 1 triệu tỷ đồng đang “ngủ”, phóng viên Báo Đầu tư đã tìm gặp Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ông Thanh nói, cùng thể chế mà có nơi đã giải ngân trên mức trung bình, có nơi chưa được đồng nào thì không thể đổ hoàn toàn do thể chế được.

Về nguyên nhân, ông Thanh đề cập yếu tố đầu tiên là phân bổ vốn chậm. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu đến ngày 31/3/2023 phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết cho nhanh, nhưng không kịp, nên lại phải đưa ra Quốc hội ở kỳ họp này. “Kể cả vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn đều chậm”, ông Thanh nhấn mạnh.

Để “đánh thức” nguồn lực to lớn đang “ngủ” trong ngân hàng, ông Thanh cho rằng, các giải pháp phải đồng bộ. Trước hết về thủ tục pháp lý, cần rà soát quy định nào vướng ở luật, nghị định, thông tư nào, trách nhiệm thuộc cấp nào cấp đó gỡ, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì trình ra Quốc hội. Trong tổ chức thực hiện, cần khắc phục được tâm lý né trách nhiệm.

“Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rất sốt ruột, báo cáo thẩm tra trình bày Quốc hội ở kỳ họp này đã đề nghị cần ưu tiên rà soát làm rõ, báo cáo Quốc hội về những vướng mắc, bất cập, chồng chéo của các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh (nếu có) và kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới”, ông Thanh cho biết.

Đề xuất chính sách quá cập rập

Trước kỳ họp này, Chính phủ có đề xuất một số giải pháp, như thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có. Nhưng theo quy định là ngày 2/5 phải trình, mà ngày 12/5 mới trình, nên không kịp thẩm tra. Hơn nữa, như Chủ tịch Quốc hội nói, vấn đề này phải sửa luật.

Hay đề xuất một luật sửa nhiều luật có liên quan đến các công trình giao thông, như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, để mở rộng phần vốn nhà nước tham gia trong một số trường hợp, phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương, rồi gỡ vướng cho Dự án sân bay Long Thành. “Từ tháng 8/2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đi khảo sát, đã chỉ ra vấn đề cần tháo gỡ. Đến tháng 10/2022, Chủ tịch Quốc hội trực tiếp đến đây, có thông báo kết luận những vấn đề cần tháo gỡ, mà đến ngày 12/5/2023 mới trình, thì làm sao đáp ứng được yêu cầu”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
 
Nguồn baodautu.vn