VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Cách mạng công nghiệp 4.0

Doanh nghiệp ngoại gia tăng đầu tư vào ngành bán dẫn

21/08/2024 - 58 Lượt xem

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam tiếp tục gia tăng khi các dự án mở rộng hay đầu tư mới… được đẩy mạnh...

Không phải là dự án khủng với quy mô “tỷ USD” song dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm quan trọng được ứng dụng trong sản xuất chip nhớ, GPU, TV… của nhà đầu tư Hàn Quốc – Signetics, tại Khu công nghiệp Bá Thiện 1, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc gần đây tiếp tục là minh chứng cho thấy sức hút của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực chip, bán dẫn.

Với số vốn đầu tư 100 triệu USD và diện tích lên đến 5 ha, nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến bán dẫn của Signetics sau khi chính thức đi vào hoạt động (dự kiến tháng 10/2025) sẽ trở thành nơi cung ứng đầu vào cho các tập đoàn điện tử lớn như Samsung, SK…

DOANH NGHIỆP ĐẨY NHANH KẾ HOẠCH KINH DOANH

Ông Song Young Hee, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Signetics (thuộc Tập đoàn Youngpoong của Hàn Quốc – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn), cho biết một trong những lý do Signetics lựa chọn Việt Nam, mà cụ thể là Vĩnh Phúc, làm “cứ điểm” đầu tư là do môi trường và chính sách đầu tư phù hợp với quy mô sản xuất và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

“Vì vậy, Việt Nam là điểm đến tiếp theo mà công ty mong muốn hợp tác, mở rộng đầu tư sau các chi nhánh sản xuất tại Mỹ và Hà Lan”, ông Song Young Hee cho biết.

Không phải là doanh nghiệp sản xuất chip trực tiếp song ông Amit Laroya, Phó Chủ tịch Cấp cao khu vực châu Á - ngành Giao thông và Điện tử của Tập đoàn 3M thừa nhận Việt Nam đang là thị trường được các doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn trên toàn cầu đặc biệt quan tâm.

“Là thị trường phát triển mảng điện tử nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong hệ sinh thái bán dẫn. Vì vậy, 3M đang tích cực mở rộng hoạt động tại các thị trường tăng trưởng nhanh, có nhu cầu về các giải pháp tiên tiến trên nhiều lĩnh vực bao gồm điện tử tiêu dùng, bán dẫn, trung tâm dữ liệu và tự động hóa công nghiệp”, ông Amit Laroya chia sẻ về chiến lược của 3M tại Việt Nam.

Việc mở Trung tâm Khoa học công nghệ và Kỹ thuật mới tại Hà Nội vào trung tuần tháng 8/2024 cũng là một trong những nỗ lực của 3M nhằm duy trì vị thế công ty hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo khi Việt Nam ngày càng được doanh nghiệp lĩnh vực bán dẫn cũng như doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái bán dẫn quan tâm.

“Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đang dần đầu tư vào Việt Nam. Với vai trò là doanh nghiệp đang tham gia vào các quy trình sản xuất bán dẫn như đánh bóng và hoàn thiện, 3M sẽ thúc đẩy các hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ chuỗi sản xuất một cách tốt nhất”, ông Amit nói và thêm rằng đây mới chỉ là một phần nhỏ kế hoạch của 3M sau hơn 30 năm hiện diện tại Việt Nam.

NGÀNH BÁN DẪN “HẤP DẪN” NHÀ ĐẦU TƯ

Ngành bán dẫn của Việt Nam đang “nóng” lên với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp lớn. Điển hình nhất là dự án tỷ USD đầu tiên của năm 2024 trong lĩnh bán dẫn của Amkor – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn. “Ông lớn” này đã tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD vào tháng 6/2024, trước 11 năm so với dự kiến sau khi khánh thành nhà máy vào tháng 10/2023.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn của Mỹ, bao gồm Intel, Amkor, Marvell và GlobalFoundries… cũng đã cam kết đầu tư đáng kể vào ngành bán dẫn của Việt Nam. Động thái này hứa hẹn sẽ định hình hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Vì vậy, theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, với vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn cầu đang “cạnh tranh” tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Trên thực tế, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này tăng tốc kể từ năm ngoái khi nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến Việt Nam và bày tỏ sự quan tâm đến bán dẫn. Trong khoảng vài năm trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng chững lại song chỉ trong 2 năm 2021 và 2022, thế giới đã chứng kiến vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực bán dẫn lên tới 155 tỷ USD. Đây là mức đầu tư vào ngành này cao nhất trong 20 năm qua. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng trở thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới vào những năm 2024-2030.

Trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan được giao xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Richard Lawton Thurston, nguyên Phó Chủ tịch TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), đánh giá Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI.

“Phát triển AI cần nhiều công nghệ khác nhau, bao gồm cảm biến, bộ nhớ, thu thập dữ liệu và xử lý. Do đó, Việt Nam nên chọn một trong các giai đoạn để tập trung phát triển và xây dựng chiến lược”, ông Thurston nói.

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Dù chọn giai đoạn nào trong các khâu sản xuất trên thì theo ông Thurston, vấn đề quan trọng nhất với Việt Nam lúc này là phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, trước mắt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư.

“Lý do chính các doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam là vì Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực trẻ với nền tảng kiến thức khoa học máy tính vững chắc. Vấn đề hiện tại là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này bằng cách đào tạo những kỹ năng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn và điện tử”, ông Amit nói.

Theo đó, để Việt Nam xây dựng một nền tảng nhân lực vững chắc, yếu tố then chốt là các công ty sản xuất cần hợp tác chặt chẽ với các trung tâm đào tạo và trường đại học để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu cho từng ngành, như công nghiệp bán dẫn và công nghiệp điện tử. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học ở Việt Nam và các nhà máy sản xuất có những hoạt động nghiên cứu R&D để phát triển nguồn nhân lực chất lượng.

“Sự hợp tác này không chỉ cung cấp lực lượng lao động có tay nghề mà còn tạo ra cơ hội thực tập, giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của ngành và tạo nền tảng cho sự ra đời và hoạt động của các nhà máy”, đại diện 3M cho biết.

Vào tháng 9 năm 2023, Mỹ và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đào tạo lực lượng lao động và phát triển hệ sinh thái, nhằm tăng cường quan hệ khoa học công nghệ song phương và xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt hơn.

Để trang bị nguồn nhân lực cho ngành, Việt Nam và Mỹ sẽ mở các chương trình phát triển lực lượng lao động sâu rộng, bao gồm các phòng thí nghiệm giảng dạy thực hành và các khóa đào tạo tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch nhân sự toàn diện, được hỗ trợ bởi các quy định, chính sách, cơ chế liên quan để thu hút các nhà sản xuất và thiết kế chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Khi các chính sách, cơ chế này được thông qua, nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ trở thành một trong những yếu tố hút vốn vốn đầu tư nước ngoài...

Nguồn: vneconomy.vn