Kinh tế xanh
Thu hẹp khoảng cách giữa xanh và hiệu quả kinh tế
22/07/2024 - 60 Lượt xem
Đánh giá về việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, TS Võ Trí Thành từng phát biểu tại một diễn đàn về du lịch xanh rằng “Trước kia tôi nói, xanh thì kém hiệu quả, nhưng bây giờ sự đánh đổi giữa xanh và hiệu quả kinh tế với sự hỗ trợ của công nghệ đã ngày càng thu hẹp, dần hòa làm một”...
Câu chuyện xanh hóa của 02 doanh nghiệp lưu trú dưới đây là minh chứng cụ thể cho việc khoảng cách giữa đánh đổi giữa xanh và phát triển đã ngày càng thu hẹp, đặc biệt là tại những doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
SỰ KHÁC BIỆT KHI CHUYỂN ĐỔI XANH
Hệ thống khách sạn Silk Sense Hoi An River Resort là một trong số 11 khách sạn đầu tiên ở Hội An đạt chuẩn khách sạn xanh theo bộ tiêu chí của tỉnh Quảng Nam.
Với quan điểm khách sạn xanh là khách sạn không có rác thải nhựa, bà Hà Thị Diệu Viên, Phó Tổng quản lý Silk Sense Hoi An River Resort, cho biết: “Ngay từ 2019, Silk Sense đã chi tiết hóa kế hoạch khách sạn bền vững, xanh bằng việc thực hiện “khách sạn không rác thải nhựa” và cụ thể hóa thành Bộ tiêu Khách sạn không rác thải nhựa tại Silk Sense Hoi An River Resort với 60 tiêu chí.
Giải thích lý do Silk Sense Hội An chọn xây dựng mô hình khách sạn xanh, bà Diệu Viên nói rằng là nhà đầu tư, doanh nghiệp thì mục tiêu cốt lõi đều là kinh doanh, lợi nhuận, mục tiêu cuối cùng là thu hút đông khách. "Chúng tôi sinh sau đẻ muộn, vậy bài toán đặt ra là làm như thế nào để nổi bật giữa 1.000 khách sạn ở Hội An để khách hàng biết đến và nhớ tới".
Để giải quyết bài toán xanh này, ông Trần Thái Đô, Tổng Giám đốc Silk Sense, cho biết đã tham khảo nhiều tài liệu từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tỉnh Quảng Nam, Tổ chức SSTP Thụy Sỹ là Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ do Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sĩ hỗ trợ cho Việt Nam với định hướng “tạo ra môi trường du lịch cạnh tranh hơn thông qua phát triển bền vững và các tổ chức uy tín khác".
Cũng là một khu lưu trú được công nhận là xanh, nhưng hệ thống khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Flamingo đã lựa chọn xanh từ ý tưởng, thiết kế đến xây dựng và vận hành.
Chia sẻ về quá trình thiết kế, xây dựng khu nghỉ dưỡng xanh tại Cát Bà và Đại Lải, ông Nguyễn Thượng Quân, Phó Tổng Giám Tập đoàn Flamingo, lưu ý rằng để một khu nghỉ dưỡng có hạ tầng xanh không chỉ là đường giao thông nhiều cây cối, xanh sạch đẹp mà còn bao gồm các công trình phục vụ du khách.
Nhấn mạnh “quan điểm đầu tư cần tính hiệu quả lâu dài”, lãnh đạo Flamingo cho biết ngay từ khi xây dựng quy hoạch, doanh nghiệp này đã phải chú ý ưu tiên không gian xanh tối đa để tạo ra môi trường trong lành, hấp thụ được nước bề mặt, bao phủ che chắn cho công trình.
“Với chúng tôi, một công trình xanh phải áp dụng công nghệ giảm thiểu điện năng tận, dụng ánh sáng và điều kiện không gian tự nhiên. Ở đây, Flamingo sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng là điểm nhấn”, ông Quân nói.
Trong quá trình xây dựng, khu nghỉ dưỡng này đã sử dụng nhiều vật dụng xanh ít phát thải carbon, ánh sáng tự nhiên, dùng máy tính điều khiển hệ thống thông gió giảm thiểu điện năng, hạn chế dùng điều hòa. Hệ thống hạ tầng tăng cường liên kết các phương tiện giao thông, giảm tiêu hao xăng dầu gây ô nhiễm bằng các đường đi bộ, đường đi xe đạp. Giảm bê tông cứng hóa nền đất, đường để thẩm thấu nước tự nhiên nhiều hơn.
Tại Flamingo, công trình xanh không chỉ là công trình, giao thông mà còn vận hành, tự động hóa, sử dụng công nghệ thông minh giám sát nhiều hơn, giảm tiêu hao năng lượng điện, tái sử dụng nước để tưới cây xanh hóa mô đất.
MUỐN XANH PHẢI CHỊU CHI
Tuy nhiên trong hành trình rất dài đó, cũng có nhiều khó khăn thách thức mà những người muốn làm dịch vụ nghỉ dưỡng xanh phải đối mặt.
Đầu tiên là làm thế nào để các chủ thể tham gia cung cấp, sử dụng và thực hiện dịch vụ của khách sạn nhận thức được và tuân thủ, hợp tác cùng khách sạn trong quá trình chuyển đổi từ khách sạn thông thường sang khách sạn không sử dụng rác thải nhựa dùng một lần.
Silk Sense Hoi An River Resort cho hay họ đã may mắn nhận được sự đồng hành của cả 3 chủ thể cần giải quyết này gồm người lao động, nhà cung cấp và khách du lịch khi thực hành về khách sạn không rác thải nhựa.
“Chúng tôi rất may mắn khi ở Silk Sense có 80% người lao động là người địa phương và họ rất bảo vệ môi trường. Vì vậy, Silk Sense không gặp khó khăn khi đặt ra quy định và đòi hỏi sự cam kết, sự đồng hành người lao động”.
Thậm chí, thông qua chính người lao động, chúng tôi cũng lan tỏa được tinh thần không rác thải nhựa tới nhiều gia đình, người dân khu vực Cẩm An, Cẩm Phô xung quanh khu nghỉ dưỡng”.
Silk Sense đã họp với các nhà cung cấp, đưa ra các chính sách, quy định, tiêu chí chi tiết về các sản phẩm sử dụng trong khách sạn hàng ngày, kêu gọi và đã nhận được sự đồng hành của họ.
“Cuối cùng là khách hàng, điều đáng ngạc nhiên là khách hàng đến lưu trú tại Silk Sense Hội An River Resort rất sẵn sàng thực hiện các chính sách về môi trường về chính sách không rác thải nhựa do khách sạn đưa ra với tinh thần hợp tác và vui vẻ”, ông Trần Thái Đô cho hay.
Với những khâu bắt buộc sử dụng nhựa sẽ có các kho phân loại rác. Các loại rác hữu cơ, nhựa, giấy và kim loại sau khi phân loại được ghi chép so sánh cụ thể hàng ngày để đảm bảo rằng rác thải nhựa được giảm dần theo đúng kế hoạch. Khách sạn đã ký hợp đồng với công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Nam để thường xuyên thu gom xử lý tái chế rác.
Nhờ đó, suốt gần hai năm qua, khu nghỉ dưỡng này không còn rác thải nhựa ra môi trường. Năm 2023, Silk Sense đã giảm thiểu được 80.000 chai nhựa sử dụng một lần và giảm thải ra môi trường hơn 10 tấn nhựa.
Còn đối với những khu nghỉ dưỡng xác định lựa chọn mô hình xanh ngay từ đầu như Flamingo, thì thách thức bắt đầu ngay từ việc đòi hỏi có nguồn tài chính lớn đến các phương án kỹ thuật công nghệ từ thiết kế, thi công, xây dựng, vạn hành quản lý đều mới mẻ, đòi hỏi độ phức tạp cao hơn một khu nghỉ dưỡng thông thường. Đặc biệt, những khu nghỉ dưỡng xanh đòi hỏi mật độ xây dựng thấp, tỷ lệ không gian thiên nhiên lớn, bố trí hài hòa.
Chi phí đầu tư, vận hành lớn nên giá thành sản phẩm nghỉ dưỡng xanh không rẻ. Chính vì thế, lượng khách của dòng sản phẩm này sẽ không đông do có độ “kén” khách nhất định, đó là sẽ ưu tiên 2 nhóm khách: Yêu thích tôn trọng thiên nhiên và đủ khả năng tài chính.
“ĐƯỢC” NHIỀU NHỜ XANH
Sau thời gian nỗ lực chuyển đổi xanh, Silk Sense đã “được” nhiều hơn mong đợi. “Bên cạnh những con số về kinh tế, điều rất quan trọng mà chúng tôi nhận được và mong muốn muốn chia sẻ đến quý vị đó là những phản hồi rất tích cực của khách hàng trải nghiệm khách sạn không rác thải nhựa”.
Đại diện Silk Sense cho biết 100% khách lưu trú đều yêu thích không gian xanh của Silk Sense và để lại phản hồi rất tích cực, ghi nhận khách sạn không rác thải nhựa qua đó cũng góp phần tích cực lan tỏa được du lịch xanh, phát triển bền vững và không rác thải nhựa.
Còn với Flamingo, ông Nguyễn Thượng Quân chia sẻ dù đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn song khi đưa vào sử dụng, khai thác mô hình khu nghỉ dưỡng xanh lại đạt hiệu quả kinh doanh ổn định, bền vững hơn các mô hình nghỉ dưỡng thông thường. Việc tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, nguồn nước, cây xanh cũng góp phần làm giảm đáng kể chi phí thiết bị, tiêu thụ năng lượng.
“Kinh nghiệm khai thác của chúng tôi cho thấy một công trình nghỉ dưỡng khi tạo dựng được môi trường hệ sinh thái xanh sẽ giúp khu nghỉ dưỡng phát triển bền vững trong lành, thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách”.
“Số lượng khách du lịch quay lại Flamingo hàng năm đều tăng trưởng dương, ổn định là điều hạnh phúc cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu bền vững như Flamingo”, ông Quân khẳng định.
Cho tới thời điểm này, Quảng Nam đã có 11 khách sạn đạt chuẩn xanh của Quảng Nam, tuy nhiên bà Diệu Viên tự tin khẳng định Silk Sense không ngại bị cạnh tranh dù hiện tại Hội An có nhiều khách sạn cùng xanh giống mình. "Khách sạn nào cũng có thế mạnh riêng và chúng tôi đã có thế mạnh của người đi đầu. Nếu xanh một mình mình thì sẽ không thể nào tạo thành điểm đến xanh”.
“Silk Sense ý thức được rằng quan trọng là có công lan tỏa sẽ tạo ra lợi thế nhờ quy mô. Hội An đẹp đến mấy mà chỉ có mình chúng tôi xanh thì cũng không thể kéo đông khách tới. Chúng tôi rất mong khi nhắc đến Hội An – Quảng Nam là mọi người nhắc đến điểm đến xanh”, bà Diệu Viên chia sẻ.
Nguồn: vneconomy.vn
Tin tức khác
Lựa chọn kinh doanh xanh: Đòn cân não
18/03/2014