Điểm nóng
Cần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon
19/06/2024 - 27 Lượt xem
Đến năm 2028, Việt Nam sẽ tham gia vào sàn giao dịch tín chỉ carbon của thế giới. Được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường này, song các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường mua bán carbon hoạt động hiệu quả…
Theo kế hoạch, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028. Tuy nhiên, việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn.
VIỆT NAM CÓ NHIỀU TIỀM NĂNG TẠO RA TÍN CHỈ CARBON
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon, không chỉ vì nguồn lực rừng phong phú mà còn nhờ vào sự đa dạng của các dự án giảm phát thải trong nông nghiệp, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải.
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon.
Mặt khác, theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về số lượng dự án triển khai theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), với 258 dự án được Ban điều hành Cơ chế phát triển sạch phê duyệt và 13 chương trình hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch, tiềm năng gần 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời hạn tín chỉ.
Trong đó, 17 dự án theo Tiêu chuẩn vàng đã phát hành quốc tế hơn 3 triệu tín chỉ, 24 dự án theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm tra đã phát hành hơn 600 nghìn tín chỉ.
Tại tọa đàm “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý” do báo Pháp Luật tổ chức, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết Việt Nam có 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, theo quy định là những đối tượng tiềm năng cho thị trường tín chỉ carbon.
Ngoài ra, ông Vinh cho biết Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng với tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ, phục hồi rừng.
“Ước tính Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm”, GS.TS Võ Xuân Vinh cho biết thêm.
Ngoài ra, các dự án nông nghiệp như canh tác carbon thấp và quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất cũng có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra tín chỉ carbon.
GS.TS Võ Xuân Vinh đánh giá việc tham gia thị trường tín chỉ carbon còn mở ra khả năng hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhận được hỗ trợ tài chính và công nghệ từ các quỹ đầu tư xanh.
“Cơ hội đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm chi phí dài hạn mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và tuân thủ các quy định phát thải nghiêm ngặt hơn”, ông Vinh nhấn mạnh.
CẦN KHUÔN KHỔ PHÁT LÝ ĐỂ THỊ TRƯỜNG PHÁT TRIỂN
Bên cạnh những tiềm năng thì thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống chính sách hiện chỉ đang quy định những vấn đề cơ bản như giao nhiệm vụ hình thành hoặc đưa ra định nghĩa về các thành phần của thị trường carbon dẫn tới thực tiễn thực hiện thị trường này còn phát sinh một số bất cập.
Do đó, để thị trường carbon hoạt động hiệu quả, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý hoàn thiện cho thị trường này.
TS Võ Trung Tín, Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng vấn đề thuế của tín chỉ carbon nói riêng cũng như hạn ngạch phát thải nói chung cần được nghiên cứu và ban hành đồng bộ.
Theo ông Tín, dự kiến lộ trình sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành vào năm 2025 và đi vào hoạt động chính thức năm 2028. Do đó, việc chậm trễ ban hành sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả Nhà nước về thất thu ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp phải xử lý về mặt kế toán đối với loại tài sản mới này.
TS Võ Trung Tín đề xuất một dự án tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cần trải qua các bước cơ bản như: Đăng ký ý tưởng dự án và phương pháp luận; Đăng ký dự án; Báo cáo thực hiện dự án; Thẩm định và cấp tín chỉ carbon. Về cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ có thể giao cho từng Bộ quản lý công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ carbon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Trong khi đó, GS.TS Võ Xuân Vinh đề xuất cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Việc phát triển một thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Vinh, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư vào thị trường này để tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa các loại hình tín chỉ carbon có thể giao dịch.
Đặc biệt, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và các dự án giảm phát thải thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế. Việc áp dụng công nghệ xanh không chỉ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng và cải thiện quy trình sản xuất sạch là những lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư để đạt được mục tiêu phát triển bền vững…
Nguồn: vneconomy.vn
Tin tức khác
Chất lượng thể chế đang ở đâu?
24/02/2014