Điểm nóng
Thời kỳ vàng của thị trường công nghệ châu Á: Các tập đoàn lớn tiến vào Việt Nam
06/06/2024 - 11 Lượt xem
Những năm gần đây, châu Á đã trở thành ngôi sao sáng trong lĩnh vực công nghệ nhờ sự xuất hiện của hàng loạt các doanh nghiệp năng động, nhờ đó thu hút hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn đến thiết lập quan hệ hợp tác và đầu tư…
Theo Forbes, những doanh nghiệp đã lớn mạnh hiện có xu hướng muốn mở rộng kết nối với các công ty mới thành lập. Họ hợp tác với các công ty khởi nghiệp với mục tiêu tìm ra những triển vọng mới từ những ý tưởng đổi mới và sáng tạo.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn cũng sẽ chuyển giao công nghệ của họ cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua tài nguyên trong các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp hay các cuộc thi hackathon.
ĐÔNG NAM Á TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN MỚI CỦA CÁC TẬP ĐOÀN CÔNG NGHỆ
Báo cáo của Trường Kinh doanh IESE chỉ ra 40% khoản đầu tư vốn mạo hiểm của doanh nghiệp toàn cầu vào năm 2019 đến từ châu Á. Chín quốc gia ở Đông và Đông Nam Á thu hút phần lớn nguồn vốn mạo hiểm bao gồm: Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục. Rõ ràng, sau nhiều thập kỷ đầu tư chủ yếu vào Trung Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan, các công ty công nghệ hàng đầu đang mở rộng danh mục hợp tác sang các nước Đông Nam Á non trẻ và năng động
Theo Forbes, một ví dụ về sự bùng nổ của doanh nghiệp công nghệ ở châu Á là sự trỗi dậy đầy bất ngờ của thị trường Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) tháng 5/2024, hơn 1.500 công ty công nghệ Việt Nam đang mở rộng ra nước ngoài với doanh thu xấp xỉ 7,5 tỷ USD, tương đương 80% thu nhập của tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
VIỆT NAM LÀ THỊ TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC CỦA NHIỀU CÔNG TY MUỐN MỞ RỘNG TẠI CHÂU Á
Các CEO của Apple, Microsoft và Nvidia đã đi khắp khu vực trong những tháng qua, và thực hiện cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều quốc gia khu vực. Trong đó, Việt Nam đã ghi nhận nhiều dòng vốn mới cùng các cam kết hợp tác phát triển từ doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng của Mỹ.
Tháng 4 năm nay, Trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, CEO Apple, Tim Cook cam kết sẽ mua nhiều hơn các linh phụ kiện từ các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời tăng cường đầu tư và hỗ trợ Việt Nam đổi mới sáng tạo... Từ năm 2019 tới nay, Apple đã chi khoảng 400.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD) cho khoảng 150 nhà cung cấp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà phát triển bán dẫn hàng đầu thế giới hiện nay là Nvidia cũng đang đẩy mạnh kết nối với các công ty công nghệ Việt Nam. Chẳng hạn mới đây, "kỳ lân công nghệ" Việt Nam VNG đã trở thành đối tác điện toán đám mây (Cloud) của Nvidia. Nvidia cũng đang hợp tác với công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam là FPT về nhà máy AI trị giá 200 triệu USD. Nvidia dự kiến sẽ tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam khi nước này phát triển ngành bán dẫn.
Hay trước đó, thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tăng năng lực sản xuất tại Việt Nam, Foxconn của Đài Loan, đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, đã đầu tư hơn 270 triệu USD để thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam
TIỀM NĂNG CỦA VIỆT NAM
Theo Jamie Nguyễn, Giám đốc điều hành của VMO Global, cơ chế chính sách của Chính phủ là một trong những động lực thu hút các công ty công nghệ quốc tế đến Việt Nam, giúp tạo ra những cơ hội mới thị trường trong nước, từ đó mở ra những cơ hội mới các các công ty để phát triển hoạt động và mở rộng kinh doanh.
Ngoài ra, tài nguyên nhân lực cũng là yếu tố giúp Việt Nam hấp dẫn bất kỳ công ty công nghệ nào. Theo báo cáo của BIIA, Việt Nam hiện đang tiếp nhận một lượng lớn sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp, với khoảng hơn 57.000 người tham gia thị trường việc làm hàng năm và hơn 400 trường đại học cung cấp các khóa học liên quan đến khoa học và công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, đám mây và dữ liệu lớn.
Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến sự gia tăng lớn nhất của khu vực cả về quy mô của nền kinh tế Internet vào năm 2025 và trong các giao dịch đầu tư mạo hiểm từ năm 2025 đến năm 2030, theo báo cáo kinh tế SEA 2023.
Nguồn: vneconomy.vn
Tin tức khác
Chất lượng thể chế đang ở đâu?
24/02/2014