Hội nhập kinh tế quốc tế
Kinh tế ASEAN 2023 - 2024: Vượt qua thách thức, hướng đến thành công
27/05/2024 - 44 Lượt xem
ASEAN là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong năm 2023, dù điều kiện kinh tế toàn cầu xấu đi và chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng ở hầu hết các quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng kết hợp với các điều kiện thuận lợi như giảm phát, sự linh hoạt về lãi suất, hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giúp cho tăng trưởng của ASEAN mạnh mẽ hơn trong năm 2024...
Năm 2023 là một năm có rất nhiều bất ngờ: nền kinh tế tránh được suy thoái kinh tế một cách ngoạn mục; quá trình mở cửa trở lại sau Covid-19 của Trung Quốc yếu hơn dự kiến; lãi suất toàn cầu tăng cao hơn; thế giới có những bước đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI); cuộc chiến Israel – Hamas làm trầm trọng thêm sự bất ổn và chia cắt địa chính trị. Trong bối cảnh như vậy, kinh tế ASEAN vẫn đạt được tốc độ cao hơn mức tăng trưởng của thế giới.
KINH TẾ ASEAN NĂM 2023
Tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng của thế giới
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm 2022 là 5,5%. Đây là tiền đề quan trọng cho dù năm 2023 tăng trưởng kinh tế thế giới tuột dốc xuống còn 3% (World Economic Outlook, 10/2023) nhưng tăng trưởng kinh tế ASEAN vẫn đạt mức cao 4,7% (ASEAN Economic Outlook 2023). Đây là con số hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào vùng này – nơi được coi là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Trong đó, các nhà phân tích của Credit Suisse dự đoán tốc độ tăng trưởng của sáu nền kinh tế ASEAN gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, sẽ ở mức 4,4% vào năm 2023 từ mức dự kiến 5,6% năm 2022.
Trong số các nền kinh tế mạnh ở ASEAN, tốc độ tăng trưởng cao nhất thuộc về Philippines, tiếp đó là Indonesia và Việt Nam.
Có thể nói, kết quả này là do: một, những quốc gia được hưởng lợi từ vị trí địa chính trị đặc quyền trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng gia tăng và cả hai siêu cường này đều tìm mọi cách để lưu lại ảnh hưởng sâu rộng của mình ở trong khu vực này. Trung Quốc đã đưa ra cam kết thương mại với ASEAN thông qua các hiệp định như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP); còn Mỹ ký các hiệp định thương mại với một số nước trong ASEAN.
Hai, một số quốc gia trong khu vực có ngành du lịch quốc tế lớn (như Philippines, Thái Lan, Malaysia) đã bình thường hoạt động du lịch và lữ hành toàn cầu nhờ môi trường dịch tễ học được cải thiện.
Ba, các nền kinh tế phát triển có sự tăng trưởng suy yếu, thậm chí suy thoái, làm giảm nhu cầu trong nước của một số quốc gia như Indonesia và Philippines nên ít chịu tác động của suy thoái toàn cầu sau Covid-19. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương tại Đông Nam Á đã tăng lãi suất chính sách để ứng phó với tình trạng lãi suất toàn cầu tăng cao, dòng vốn chảy ra ngoài, đồng tiền mất giá và lạm phát gia tăng do giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao. Chính những điều này đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế ASEAN.
Xuất nhập khẩu ASEAN giảm
Do ảnh hưởng của Covid-19, năm 2023 thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh. Thêm vào đó là Trung Quốc với những điểm yếu kém về bất động sản và tiêu dùng nội địa kéo dài. Do vậy, năm 2023 các quốc gia phụ thuộc vào thương mại vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, đặc biệt là sự sụt giảm về xuất khẩu. Tuy nhiên tình hình cũng đã được cải thiện vào cuối năm.
Xuất khẩu hàng hóa ở Thái Lan và Việt Nam tăng trưởng trở lại trong quý 3/2023 nhờ xuất khẩu hàng công nghệ cải thiện. Xuất khẩu của Philippines ra nước ngoài đạt mức cao nhất trong tháng 9/2023 (sau 10 tháng), được thúc đẩy bởi thiết bị điện tử. Ngành sản xuất điện tử của Singapore lần đầu tiên đạt mức tăng sản lượng hai con số vào tháng 9 và tháng 10/2023 (sau 17 tháng giảm sâu). Đây cũng là nhân tố góp phần giúp chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Singapore, Philippines và Indonesia đạt trên 50. Xuất khẩu hàng hóa là động lực có ý nghĩa ở Thái Lan (58%), nhưng kém hơn ở Indonesia (22%) và Philippines (20%) - những quốc gia có thị trường nội địa lớn hơn (Maybank, 2023).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn ở mức cao
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế sau Covid-19, các nền kinh tế ASEAN vẫn là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam thường cung cấp các lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các công ty Trung Quốc trong bối cảnh các rào cản thương mại ngày càng gia tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các công ty đa quốc gia cũng muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của họ, hướng tới các quốc gia công nghiệp hóa Đông Nam Á, tìm được địa điểm sản xuất rẻ hơn với mức lương cạnh tranh, cải thiện các quy định kinh doanh và cơ sở hạ tầng, nhu cầu của bản thân các nước trong khu vực.
Singapore đã thu hút khoảng 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào năm 2021. Các ngành công nghiệp chính cần đầu tư vào Singapore bao gồm công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, điện tử, dược phẩm và dịch vụ chuyên nghiệp.
Indonesia đã chứng kiến khoảng 43 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử nước này. Đến năm 2023, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước lên 92 tỷ USD, tương đương 1.400 nghìn tỷ Rupiah.
Indonesia là thành viên G20 duy nhất trong ASEAN. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và thị trường nội địa rộng lớn với 260 triệu dân, quốc gia này mang đến cơ hội đầu tư dài hạn.
Việt Nam mang lại cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận một loạt các ngành công nghiệp cạnh tranh quốc tế và mang lại khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cũng như sự chắc chắn hơn cho các nhà sản xuất so với Trung Quốc. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một nhà cung cấp sản phẩm gỗ thay thế. Mỹ hiện là thị trường đích chính cho xuất khẩu sản phẩm gỗ. Tương tự, ngành dệt may của Việt Nam dường như ngày càng hấp dẫn sau các luật được Mỹ thông qua liên quan đến lao động cưỡng bức và bông có nguồn gốc từ Tân Cương của Trung Quốc.
Thái Lan là nước liên tục nhận đầu tư của Trung Quốc trong một thời gian dài. Quốc gia này là trung tâm của khối ASEAN và không thể thiếu trong các kế hoạch của Trung Quốc về kết nối toàn cầu cũng như đầu tư tư nhân. Các vấn đề liên quan tới “Sáng kiến Vành đai và Con đường” trước đây hiện đang được giải quyết trong khi các nhà đầu tư tư nhân ngày càng coi Thái Lan là điểm đến đầu tư cho các sáng kiến về tiền điện tử, fintech, blockchain và AI cũng như chăm sóc sức khỏe và du lịch y tế.
PMI có giảm nhưng không nhiều
Do ảnh hưởng của khủng hoảng Covid-19, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất ASEAN năm 2023 có suy giảm nhẹ, từ mức 50 điểm của tháng 11/2023 xuống 49,7 điểm trong tháng 12/2023. Đây là lần suy giảm lần thứ ba trong 4 tháng cuối năm 2023 dù suy giảm không lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do: (i) số lượng đơn đặt hàng mới giảm; (ii) hoạt động tuyển dụng đã có sự tăng trở lại với số lượng nhân sự tháng 12 tăng lên sau 4 tháng giảm liên tiếp; (iii) trong năng lực sản xuất, chỉ số lượng công việc tồn đọng giảm trong 6 tháng liên tiếp; (iv) chi phí đầu và và giá đầu ra đều tăng.
Trong đó, tháng 12/2023 các nước Singapore, Philippines và Indonesia là ba nước có chỉ số PMI tăng lên trên mức 50. Đây thường là dấu hiệu của sự phục hồi hoặc tăng trưởng trong ngành sản xuất và dịch vụ và cũng là một trong những lý do giúp tăng trưởng kinh tế của Philippines và Indonesia giữ ở mức cao. PMI trên 50 đồng nghĩa với việc làm mới tăng lên và duy trì việc làm cho người lao động hiện có. Điều này cũng giúp tăng thu nhập cho người lao động. Đối với nền kinh tế, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, tạo một môi trường kinh doanh tích cực, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
PMI của Việt Nam giảm không đáng kể trong năm 2023 (48,9, gần mức 50) cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất với số lượng đơn đặt hàng mới tăng (trong đó số lượng đơn hàng xuất khẩu mới cũng tăng) dù nhu cầu còn yếu.
Quốc gia có chỉ số PMI suy giảm đáng kể nhất là Myanmar. Điều này là do sự leo thang gần đây của cuộc xung đột ở phía Bắc nước này cộng với điều kiện kinh doanh trong bối cảnh suy thoái đã tác động đến môi trường vốn khiến sản lượng và số lượng đơn hàng giảm mạnh và giá vận chuyển lại lên cao (theo Mekong – ASEAN, 2023).
DỰ BÁO KINH TẾ ASEAN NĂM 2024 VÀ ĐẾN 2035
Trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN vẫn được dự báo rất tích cực, đặc biệt ở một số thị trường tiêu dùng lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia, nhờ nhu cầu của các quốc gia khu vực này ổn định và hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ được cải thiện.
Dự kiến xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng dần trong năm 2024, sau khi xuất khẩu hàng hóa ở nhiều quốc gia công nghiệp châu Á sụt giảm đáng kể trong năm 2023 do sự suy yếu ở các thị trường tiêu dùng trọng điểm ở Tây Âu và Trung Quốc đại lục...
Nguồn: vneconomy.vn