Tổng hợp
Tình hình tài chính thế giới năm 2023, dự báo 2024
04/05/2024 - 22 Lượt xem
Dự báo năm 2024, lãi suất toàn cầu có thể chứng kiến những bước giảm dần, giúp khơi dậy dòng vốn đi vay và đầu tư toàn cầu, góp phần thúc đẩy kinh tế thế giới bước qua giai đoạn trầm lắng...
Tình hình thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu năm 2023 tiếp tục chứng kiến nhiều biến động. Tâm điểm của năm 2023 vẫn là những diễn biến gia tăng của lãi suất và sự bất ổn của thị trường tài chính ở nhiều nền kinh tế. Lãi suất tăng cao là một trong những nguyên nhân chính châm ngòi cho các biến động mới của thị trường tài chính toàn cầu - từ cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, làn sóng phá sản của nhiều doanh nghiệp, cho tới khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, cũng như sự đình trệ của thị trường bất động sản toàn cầu…
TÌNH HÌNH CÁC THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH LỚN
Điều kiện tài chính toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt.
Việc tăng lãi suất nhanh chóng ở các nền kinh tế phát triển trong thời gian qua nhằm kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng nhanh chóng, đã dẫn đến quan điểm chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng rộng rãi. Chính sách này được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2025. Các cuộc khảo sát cho vay ở Mỹ và châu Âu cho thấy các ngân hàng vẫn đang hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng đối với khách hàng của mình trong năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục làm như vậy trong những tháng tới.
Các điều kiện tín dụng thắt chặt quá lâu đang ngày càng ảnh hưởng đến hoạt động thực tế. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ở các nền kinh tế phát triển, nhu cầu tín dụng và đầu tư giảm trong nửa đầu năm 2023, phản ánh nguồn cung thắt chặt hơn cũng như nhu cầu tín dụng thấp hơn, do nhiều doanh nghiệp bắt đầu giảm đòn bẩy để ứng phó với lãi suất cao hơn và dư thừa năng lực sản xuất (IMF 2023). Lãi suất cao hơn có thể khiến các ngân hàng chịu áp lực ngày càng tăng ở các nền kinh tế lớn, cả trực tiếp (do chi phí huy động vốn cao hơn) và gián tiếp (khi chất lượng tín dụng giảm đi).
Thị trường nhà đất đã phản ứng tiêu cực, với giá nhà chậm lại hoặc đảo chiều kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt ở một số quốc gia, tỷ lệ phá sản đã tăng ở một số nền kinh tế (ở Mỹ tăng 20% riêng trong năm 2023). Tỷ lệ phá sản mặc dù vẫn thấp hơn trước đại dịch ở hầu hết các quốc gia nhưng đang gia tăng nhanh chóng. Thị trường nợ đã bắt đầu phản ánh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, trong khi chênh lệch đối với nợ chính phủ phi rủi ro hầu như không thay đổi. Điều này cho thấy tuy điều kiện tín dụng vẫn ở mức thắt chặt, song nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tín dụng vẫn đang được kiểm soát.
Nhìn chung, lãi suất tiếp tục là nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023, trong đó một số quốc gia và tổ chức phải đối mặt với thách thức do lãi suất tăng.
Các đồng tiền chủ chốt biến động ngược chiều nhau.
Năm 2023 chứng kiến bước tăng mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác, đặc biệt về những tháng cuối năm, chủ yếu do bất ổn chính trị và việc lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang được duy trì ở mức cao.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell trong bài phát biểu ngày 19/10/2023 cho biết Fed đánh giá lạm phát tại Mỹ vẫn còn quá cao và có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bày tỏ quan điểm các chính sách tiền tệ hiện nay vẫn chưa quá thắt chặt. Tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định đến hết năm 2023. Trong khi đó, đồng USD tụt lại phía sau mức tăng của lãi suất trái phiếu kho bạc, với lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ lần đầu tiên chạm mức 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Đồng yên Nhật (JPY) đã có sự tăng giá đáng kể hồi đầu năm 2023, lên mức 130 JPY/1 USD sau thời gian giảm giá trong suốt năm 2022, có khi xuống mức gần 152 JPY đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 32 năm. Mức tăng hồi đầu năm 2023 của JPY do kỳ vọng ngân hàng trung ương Nhật Bản điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, càng về cuối năm 2023, JPY càng mất giá và ở mức 150 JPY/1 USD. Trước diễn biến mất giá mạnh này, thị trường tài chính đang kỳ vọng nhà chức trách Nhật Bản sẽ có động thái can thiệp nhằm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trong thời gian tới. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng thường xuyên bày tỏ quan điểm mong muốn nước này đạt mục tiêu lạm phát 2%...
Các thị trường tài chính lớn không ổn định.
Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 đang có nhiều diễn biến tiêu cực kể từ khi đạt đỉnh trong năm hồi tháng 8/2023 do tình trạng bất ổn ở Trung Đông, lãi suất tăng và diễn biến kinh tế thế giới đè nặng lên tâm lý thị trường. S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 1,2% và 1,5%, trong khi chỉ số Dow mất 286 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc vẫn tăng, với lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ sau khi vượt mốc 5%.
Ngoài ra, việc Fed có thể sẽ giữ lãi suất ổn định trong thời gian tới cũng ám chỉ rằng nền kinh tế hồi phục tốt hơn có thể dẫn đến lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Về cơ bản, nỗi lo về khủng hoảng kinh tế tại Mỹ trong thời gian tới đang biểu rõ nét qua diễn biến tiêu cực của chỉ số S&P 500 hiện nay.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,74%, đóng cửa ở mức 2.983 điểm vào ngày 22/10/2023, trong khi Shanghai Component giảm 0,88% xuống 9.570, chạm mức thấp nhất trong năm 2023. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang đi cùng chiều với các chỉ số chứng khoán toàn cầu khi cũng chịu áp lực từ lợi suất trái phiếu tăng cao, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ lần đầu tiên chạm mức 5% kể từ năm 2007. Diễn biến này cũng phản ánh sự thiếu tự tin của các nhà đầu tư cũng như việc thị trường bất động sản ảm đạm cũng vẫn đang duy trì ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính tại Trung Quốc.
CÁC ĐIỂM NHẤN CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH NĂM 2023
Điểm nhấn đầu tiên chính là làn sóng phá sản tăng mạnh của các ngân hàng trên thế giới. Nếu như tại Mỹ, Ngân hàng Silicon Valley phải tuyên bố phá sản, tại châu Âu, chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2023, tổng tài sản ròng rút khỏi Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ đã lên tới 61,2 tỷ SFr (tương đương khoảng 68,6 tỷ USD). Giá cổ phiếu của một loạt các thể chế tài chính như Ngân hàng BNP Paribas, Ngân hàng Deutsche đều đồng loạt đi xuống. Cuộc khủng hoảng ngân hàng lần này được đánh giá là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng nổ ra năm 2008 với những con số thiệt hại khổng lồ.
Một trong những nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến sự sụp đổ của một loạt ngân hàng lớn, là việc Fed duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (2009 – 2022) đã làm gia tăng các khoản tiền gửi không kỳ hạn ở các ngân hàng. Với niềm tin lãi suất thấp tiếp tục kéo dài, các ngân hàng đã sử dụng khoản tiền gửi không kỳ hạn này để mua trái phiếu dài hạn của chính phủ với lãi suất cao.
Thứ hai, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và những bất ổn địa chính trị toàn cầu. Đại dịch Covid-19 buộc chính phủ nhiều quốc gia phải tung ra các gói kích thích tài chính khổng lồ và hạ lãi suất nhằm tạo động lực vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất thấp cộng với các gói kích thích tài khóa hào phóng sau một thời gian đã dẫn tới hệ lụy tất yếu là lạm phát leo thang ở nhiều nền kinh tế.
Thứ ba, tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá các mặt hàng như năng lượng, nhiên liệu và giá các loại thực phẩm thiết yếu tăng chóng mặt. Để kiềm chế đà tăng của lạm phát, các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ, liên tiếp đưa ra các quyết định tăng lãi suất. Khi lãi suất tăng cao, khách hàng rút tiền để tìm kiếm các kênh đầu tư mới khiến các ngân hàng lâm vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản trầm trọng, nhất là những ngân hàng nắm giữ các loại trái phiếu dài hạn.
Đặc biệt, sự phát triển của internet và mạng xã hội đã vô tình hậu thuẫn cho việc bùng phát cuộc khủng hoảng này một cách nhanh chóng. Các ứng dụng ngân hàng điện tử và các dịch vụ giao dịch trực tuyến đã tạo điều kiện cho những khoản tiền gửi được rút ra một cách dễ dàng hơn.
RỦI RO KHỦNG HOẢNG NỢ
Tính tới hết quý 2/2023, tổng nợ toàn cầu đã xác lập mức kỷ lục 307 nghìn tỷ USD, trong đó bao gồm các khoản vay của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình (WEF, 2023). Như vậy, tổng nợ toàn cầu đã tăng thêm 10 nghìn tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2023 và tăng tới 100 nghìn tỷ USD so với thập kỷ trước đó.
Tỷ lệ nợ/GDP một lần nữa tăng trở lại sau bảy quý liên tiếp giảm điểm, cán mốc 336%. Đáng chú ý, hơn 80% tổng số nợ tăng lên của năm 2023 là đến từ các nước phát triển, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp ghi nhận mức tăng lớn nhất; còn ở các thị trường mới nổi, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil là những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho mức tăng kỷ lục này (Campos, 2023). Nguyên nhân khiến nợ toàn cầu tăng bắt nguồn từ lãi suất được điều chỉnh tăng ở nhiều nền kinh tế dẫn tới chi phí cho vay lên cao...
Nguồn: vneconomy.vn