Điểm nóng
Chuyển đổi xanh là cơ hội mở cánh cửa tạo ra nguồn lực mới, thị trường mới
11/04/2024 - 20 Lượt xem
Phát triển xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang hướng tới thiết lập áp dụng các hàng rào carbon với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam...
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2024 lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của Địa phương và Doanh nghiệp".
Diễn đàn Vietnam Connect 2024 lần thứ 4 do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức ngày 10/4/2024 tại Hải Phòng tập trung bàn thảo và cập nhật các xu hướng mới có tính quốc tế về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế net zero, đồng thời qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, phản ánh tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Theo ông Thành, đây là một cơ hội quan trọng để nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo thực hiện các cam kết đóng góp có trách nhiệm về biến đổi khí hậu cùng cộng đồng quốc tế. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam đã xác định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình cụ thể để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 với mục tiêu giảm phát thải do quốc gia tự thực hiện đến năm 2030 lên đến 15,8% và mục tiêu có điều kiện lên đến 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường.
“Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, đầy thách thức đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính và công nghệ”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.
Vì vậy, Việt Nam đã khẩn trương hành động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đảm bảo các mục tiêu trên sẽ được hiện thực hóa.
Theo đó, Việt Nam đã điều chỉnh và ban hành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.
Thứ hai, Việt Nam cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ áp dụng các giải pháp quản lý công nghệ thiết bị kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiêm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiêu quả kinh doanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ ba, các bộ ngành, địa phương đã và đang nghiên cứu phát triển, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, điện nhiệt, sinh khối, hydrogen xanh…
Thứ tư, tất cả các thành phần kinh tế đã bắt đầu áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Thứ năm, Việt Nam đã công bố tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vào cuối năm 2022 với nhóm các đối tác quốc tế.
Theo ông Thành, thông qua sáng kiến này cũng như các hoạt động hợp tác song phương và đa phương khác, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho các hoạt động đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng hộ hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để thực hiện hiệu quả đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đỏi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.
“Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng các hàng rào carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Thành nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá cao các doanh nghiệp đã chủ động công bố và cam kết thực hiện lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 với các kế hoạch cụ thể về chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi xanh trong quy trình sản xuất thương mại nhằm giảm phát thải khí carbon, rác thải nhựa.
Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra các nguồn lực mới, mở ra thị trường mới.
“Bằng cách hướng tới một nền kinh tế xanh, chúng ta không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Chỉ thông qua sự hợp tác, nỗ lực chung của các bên, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững cho các thế hệ mai sau”, ông Thành nói.
Nguồn: vneconomy.vn
Tin tức khác
Chất lượng thể chế đang ở đâu?
24/02/2014