Phát triển các loại thị trường
Đề xuất miễn giảm thuế cùng ưu đãi lãi suất, doanh nghiệp xuống tiền làm mới đội tàu container
26/03/2024 - 300 Lượt xem
Theo ghi nhận, đội tàu của Việt Nam chủ yếu là tàu trọng tải nhỏ, thiếu tàu container, tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế. Hiện nhóm tàu container chỉ chiếm vỏn vẹn 5% (48 tàu), số lượng tàu "già" trên 25 tuổi ngày càng gia tăng...
Chia sẻ tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa diễn ra tại TP.HCM do Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức, ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, bày tỏ niềm tự hào khi Việt Nam có ba cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Đó là cảng TP.HCM, cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép, cả ba cảng này đều có mức tăng trưởng cao những năm qua và có thể đón tàu siêu trọng.
Tuy nhiên, ông Hải trăn trở một thực trạng đáng buồn là Việt Nam có 1.015 tàu vận tải thủy nhưng tàu container lại rất ít, chỉ 48 tàu.
ĐỘI TÀU NGÀY CÀNG "GIÀ", CHI PHÍ ĐẦU TƯ MỚI RẤT LỚN
Lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho biết trong số tàu container hiện có, nhiều tàu đã trên 25 tuổi. Theo các quy định mới nhất về bảo vệ môi trường, các tàu tuổi 25 năm trở lên không đáp ứng được nhiều yêu cầu, có thể sẽ không được vận chuyển.
Trước nỗi lo thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu vận tải biển Việt Nam ngày càng teo tóp, theo ông Hải, các đơn vị cần có thêm nhiều đội tàu mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trong đó, cần ưu tiên phát triển tàu có trọng tải từ 1.700 TEU trở lên; đồng thời, ưu tiên tàu đóng mới hoặc đã qua sử dụng nhưng có đặc tính tốt về hiệu quả năng lượng.
Cũng theo ông Hải, khó khăn trong phát triển đội tàu là chi phí đầu tư tàu quá lớn, nhất là tàu container. Bởi lãi suất vay tại các ngân hàng tương đối cao và chi phí thuế giá trị gia tăng tàu nhập khẩu là 10%.
Đồng thời, lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An đề xuất tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi.
Bên cạnh đó, cần áp dụng chính sách quản lý giám sát hải quan theo hướng linh hoạt và thông thoáng nhất cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác và vận chuyển container hàng xuất nhập khẩu, chuyển cảng, quá cảnh, cũng cần miễn thuế thu nhập cho thuyền viên trên tàu khai thác nội địa.
"Quản lý và điều chỉnh các chí phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả các cảng biển Việt Nam như: phí tàu lai dắt, phí bốc xếp một cách đồng nhất, ưu tiên giá tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam", ông Hải đề xuất.
Liên quan đến nỗi ám ảnh về việc tự ý tăng phụ phí, ông Nguyễn Hoàng Anh, Thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam, cho biết hiện nay, các hãng tàu nước ngoài đang thu khoảng 10 loại phụ phí với hàng hóa đang xếp dỡ tại cảng. Các hãng tàu đơn phương và liên tục tăng phí phụ thu, ông Hoàng Anh đặt câu hỏi về phương án kiểm soát giá.
Bởi hiện các hãng tàu nước ngoài không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng mà dễ dàng niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày. Điều này gây nhiều bức xúc cho nhiều chủ hàng bởi đội tàu biển Việt Nam vẫn thiếu và yếu, chủ yếu vận chuyển hàng nội địa và các tuyến ngắn. Còn lại 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu ngoại.
Để phát triển đội tàu của Việt Nam, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cũng đặt vấn đề bổ sung danh mục phương tiện và đề nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.
Theo ông Liêm, phương tiện vận tải thuỷ kinh doanh chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao, kinh doanh không thường xuyên.
Ba năm gần đây, do nhu cầu và để bù đắp cho các chi phí không chính thức, đa số phương tiện đóng mới hoán cải đều tăng trọng tải lên 1,5 - 2 lần, tải trọng bình quân lên 1.000 tấn/chiếc.
"Tuy nhiên, đa số phương tiện vận tải lẻ, công ty tư nhân chỉ có số lượng 2 - 3 sà lan, manh mún, đông nhưng không mạnh, không đủ cạnh tranh. Ngược lại, lại tạo ra sự cạnh tranh giá cước, tăng tiêu cực, tăng chi phí và trốn thuế làm chậm sự phát triển ngành đuòng thủy nội địa", ông Liêm bày tỏ.
Từ thực tế trên, Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam kiến nghị bổ sung danh mục phương tiện Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp. Hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp, bởi theo ông Liêm, thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu có giá trị đầu tư chỉ 300 - 400 tỷ đồng là cao nhất.
Ngoài ra, lãnh đạo Hội Vận tải thủy nội địa, cho rằng cần xây dựng ban hành Luật Giao thông đường thủy mới, thay thế các quy định lỗi thời, không đồng nhất dễ dẫn đến tai nạn giao thông trong lĩnh vực hàng hải.
“Cuối cùng, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành quy chuẩn tàu sông 72 sửa đổi, giúp ngành đóng tàu và người dân có bộ luật hoàn chỉnh, không làm mất thời gian và giảm chi phí đầu tư phát triển phương tiện”, ông Liêm kiến nghị.
PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH XEM XÉT GIẢM THUẾ, LÀM MỚI ĐỘI TÀU
Ghi nhận đề xuất của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho rằng vấn đề phát triển, làm mới đội tàu là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành không riêng đơn vị nào.
"Do đó, Cục Hàng hải sẽ ghi nhận, kiến nghị để có phương án tốt nhất cho vấn đề này", ông Mười khẳng định.
Về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp hàng hải, đường thuỷ nội địa, Cục sẽ tiếp thu, ghi nhận vì đây là vấn đề liên bộ, ngành, không riêng Bộ Giao thông vận tải nên cần phối hợp, nghiên cứu để có những đề xuất cụ thể.
Vấn đề tuổi tàu, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết các đơn vị liên quan cũng đang chỉnh sửa, đề xuất về vấn đề này.
Riêng nội dung áp dụng phí hải quan, miễn thuế cho thuyền viên, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ban ngành khác để có phương án phù hợp.
Để giải quyết nỗi bức xúc của các chủ hàng khi các hãng tàu ngoại tự ý thay đổi phụ thu xếp dỡ tại cảng biển, ông Lê Đỗ Mười, cho biết trước kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam đã mời các bên cùng các hãng tàu ngồi lại để trao đổi.
"Các hãng tàu lớn cam kết không tăng giá nữa trong khi một số hãng tàu sẽ giảm giá trong thời gian sớm nhất", lãnh đạo Cục Hàng hải thông tin.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đang kiến nghị Bộ Tài chính để sửa Quy định 146, trong dài hạn sẽ tham mưu để sửa Nghị định 158, khi đó, các hãng tàu phải đăng ký các tuyến cố định, cơ quan quản lý không cho phép hãng tàu đơn phương tăng giá, nếu vi phạm sẽ phạt nặng.
Nguồn: vneconomy.vn