VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Cách Singapore đưa AI vào mọi hoạt động hàng ngày, tạo hệ sinh thái tin cậy để công chúng sử dụng

15/03/2024 - 29 Lượt xem

Mục tiêu của Singapore là mọi vấn đề của cuộc sống hàng ngày sẽ được giải quyết bằng công nghệ AI...

Đặt trước sân cầu lông tại một trong hơn 100 trung tâm cộng đồng của Singapore có thể là một bài tập khó, người dùng buộc phải nhập thời gian và địa điểm nhiều lần trên một trang web cho đến khi họ tìm được một chỗ trống. Nhờ có AI, mọi việc có thể sớm trở nên dễ dàng hơn.

Theo Reuters, các cơ quan điều hành và trung tâm cộng đồng ở Singapore đã làm việc với một đơn vị công nghệ của chính phủ để xây dựng một chatbot hỗ trợ trí tuệ nhân tạo, giúp người dân tìm được sân chơi cầu lông miễn phí bằng bốn ngôn ngữ chính thức của thành phố.

Chatbot đặt chỗ, có thể được triển khai trong thời gian ngắn, nằm trong số hơn 100 giải pháp tổng quát dựa trên AI thuộc dự án AI Trailblazers, ra mắt vào năm ngoái để tìm giải pháp dựa trên AI cho các vấn đề hàng ngày tại Singapore.

XÂY DỰNG AI CÓ TRÁCH NHIỆM

Dự án, được các cơ quan chính phủ Singapore và Google hỗ trợ, cũng đã phát triển công cụ để quét CV của người xin việc, hay phát triển chương trình giảng dạy tùy chỉnh và tạo bản ghi các cuộc gọi dịch vụ khách hàng.

Josephine Teo, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore, cho biết đây là một phần trong chiến lược AI của quốc gia Đông Nam Á, mang tính chất “nhẹ nhàng về quy định và quan tâm đến AI cho tất cả mọi người”.

“Các quy định chắc chắn là một phần của quản trị tốt, nhưng trong AI, chúng tôi phải đảm bảo có cơ sở hạ tầng tốt để hỗ trợ các hoạt động”, Bộ trưởng cho biết trong cuộc họp ngắn vào tháng trước tại văn phòng Google Singapore, nơi một số công cụ mới được trình diễn.

“Một khía cạnh rất quan trọng khác là xây dựng năng lực và đảm bảo mọi người không chỉ có quyền truy cập vào các công cụ mà còn được cung cấp cơ hội phát triển các kỹ năng giúp họ sử dụng tốt các công cụ này”. Bộ trưởng Josephine Teo nói.

Với sự bùng nổ sử dụng AI trên toàn cầu, các chính phủ đang chạy đua để hạn chế tác hại của AI - từ thông tin sai lệch về bầu cử đến tin giả - nhưng không hạn chế sự đổi mới hoặc lợi ích kinh tế tiềm năng.

Tại Singapore, trọng tâm chiến lược là áp dụng AI trong khu vực công và ngành công nghiệp, đồng thời xây dựng môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, kỹ năng và hợp tác, Denise Wong, trợ lý giám đốc điều hành tại Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA), cơ quan giám sát kỹ thuật số của đất nước, cho biết. 

Theo đó, quy định không phải là trọng tâm mà là một hệ sinh thái đáng tin cậy để công chúng có thể tự tin sử dụng AI.

Với môi trường kinh doanh ổn định, Singapore liên tục đứng đầu về chỉ số đổi mới toàn cầu, lên vị trí thứ năm vào năm ngoái nhờ sức mạnh của thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Về AI, Singapore là quốc gia áp dụng sớm, đưa ra chiến lược AI quốc gia đầu tiên vào năm 2019 với mục tiêu giúp các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng sử dụng AI “với sự tự tin, sáng suốt và tin tưởng”.

Singapore đã bắt đầu thử nghiệm các công cụ AI tổng quát tại các tòa án vào năm ngoái và sử dụng trong các trường học cũng như các cơ quan chính phủ, đồng thời công bố chiến lược quốc gia vào tháng 12, với sứ mệnh “AI vì lợi ích cộng đồng, vì Singapore và thế giới”.

Cũng trong năm ngoái, Singapore đã thành lập Quỹ xác minh AI để phát triển các công cụ thử nghiệm nhằm sử dụng có trách nhiệm và hộp cát AI tổng quát dành cho các sản phẩm thử nghiệm. IMDA, cùng với các công ty công nghệ IBM, Microsoft, Google và Salesforce, là những thành viên chính của tổ chức này.

Bà Wong cho biết bộ công cụ này, trên nền tảng chia sẻ mã GitHub, đã thu hút sự quan tâm của hàng chục công ty trong nước và toàn cầu. “Chúng tôi muốn cho phép mọi người sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Nhưng các chính phủ không thể tự mình làm điều này”, bà Wong nói.

CÁCH LÀM CỦA SINGAPORE VỚI AI

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trên toàn thế giới có hơn 1.600 chính sách và chiến lược AI từ 169 quốc gia.

Simon Chesterman, giám đốc cấp cao của AI Singapore, chương trình chính phủ dẫn đầu, cho biết Hoa Kỳ đã chọn mô hình dựa trên thị trường với quy định tối thiểu, trong khi châu Âu áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền và Trung Quốc ưu tiên chủ quyền và an ninh.

Ông Simon Chesterman nói: “Đối với các khu vực pháp lý nhỏ như Singapore, thách thức là làm thế nào để tránh quản lý dưới mức – nghĩa là khiến công dân của mình gặp rủi ro – hoặc quản lý quá mức, nghĩa là ảnh hưởng đến sự đổi mới ở nơi khác và bỏ lỡ các cơ hội”.

Hướng dẫn về quản trị và đạo đức AI của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, được phát hành vào đầu tháng này, khuyến nghị các nguyên tắc minh bạch, công bằng và bình đẳng, trách nhiệm giải trình và tính liêm chính cũng như “lấy con người làm trung tâm”.

Tuy nhiên, các quốc gia thành viên bao gồm Singapore, Campuchia và Myanmar đã bị chỉ trích vì sử dụng AI để tăng cường giám sát, bao gồm cả hệ thống nhận dạng khuôn mặt và phân tích đám đông cũng như robot tuần tra.

Phiên bản thứ hai của dự án AI Trailblazers sẽ được ra mắt tại Singapore trong năm nay và giúp thêm 150 tổ chức xây dựng các giải pháp AI tổng thể cho những thách thức hàng ngày.

Tuy vậy, Ausma Bernot, nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith ở Úc, cảnh báo sự hợp tác giữa chính phủ, ngành công nghiệp và giới học thuật có thể đẩy nhanh tiến bộ công nghệ nhưng vẫn có những rủi ro, đó là khả năng trở nên phụ thuộc quá mức vào các tập đoàn công nghệ trong trung và dài hạn.

“Thách thức là tạo ra sự cân bằng giữa hợp tác và duy trì quyền kiểm soát chủ quyền đối với cơ sở hạ tầng AI quan trọng”, nhà nghiên cứu Ausma Bernot nói.

Weng Wanyi, Giám đốc Văn phòng AI Quốc gia, cho biết đã có hơn 140.000 lượt đặt sân cầu lông vào năm 2022, vì vậy một công cụ AI có thể giúp thực hiện điều đó một cách dễ dàng rất được người dân hoan nghênh nhờ tiết kiệm thời gian và công sức. Vấn đề sẽ được giải quyết thực sự bằng công nghệ.

Nguồn: vneconomy.vn