VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng tới kỷ lục mới

15/02/2024 - 28 Lượt xem

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 tuy không đạt được mục tiêu đặt ra hồi đầu năm, nhưng dựa trên phân tích những yếu tố thuận lợi và khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước, các chuyên gia cho rằng năm 2004 sẽ tạo ra “sức bật” mạnh mẽ hơn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đưa ngành này hướng tới những kỷ lục mới…

Nhìn lại năm 2023, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận xét: xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt 53,01 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu 54 tỷ USD đề ra từ đầu năm. Không đạt được mục tiêu, nhưng xuất siêu lại lập kỷ lục với 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm 2022, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Trong đó, nhóm ngành nông sản có mức đóng góp ấn tượng, đặc biệt từ mặt hàng rau quả và gạo…

 

 

Trên cơ sở phân tích những yếu tố thuận lợi như Nghị định thư với Trung Quốc mới được ký kết, hạ tầng thông quan tại cửa khẩu được nâng cấp,… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho năm 2024 là 55 tỷ USD.

ẤN TƯỢNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN

Bên cạnh rau quả và gạo, một số mặt hàng nông sản khác cũng có mức tăng trưởng cao, như hạt điều đạt 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê đạt 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%... Kết quả này đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành nông sản năm 2023 đạt 26,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với năm 2022.

Trong khi nhóm ngành nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng, thì nhóm thủy sản và lâm sản gây “thất vọng” khi cùng suy giảm về kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, với ngành thủy sản, xuất khẩu năm 2023 ước tính đạt 9,1 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022; trong đó, tôm ước đạt khoảng 3,42 tỷ USD, giảm 21%; cá tra ước đạt 1,82 tỷ USD, giảm 25%; cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%; mực, bạch tuộc ước đạt 660 triệu USD, giảm 14% so với năm 2022...

Về thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023, các thị trường thuộc khu vực châu Á tăng 6,8%; châu Mỹ giảm 17,7%; châu Âu giảm 12,5%; châu Phi tăng 21,7%; châu Đại Dương giảm 13,5%. Xét thị trường theo quốc gia, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc cao nhất, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18%; Hoa Kỳ ở vị trí thứ hai chiếm 21%, giảm 17,9% và Nhật Bản vị trí thứ ba chiếm 7,3%, giảm 9,1% so với năm trước.

NHIỀU CƠ HỘI TĂNG TỐC TRONG NĂM 2024

Năm 2024 mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng các chuyên gia cho rằng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ hồi phục tăng trưởng. Sự suy giảm trong năm 2023 có thể xem như là một năm “điều chỉnh” để tạo sức bật tăng trưởng cho năm tới.

Nhận định này là có cơ sở, bởi cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản đã lấy lại được đà tăng trưởng dương, với mức khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phile, các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra… đang được nhiều thị trường quan tâm (Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore).

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết nhiều thị trường như EU, Thái Lan, Israel, Mexico, Nga, Hàn Quốc, Philippines, Nhật Bản đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Các sản phẩm cá ngừ hấp và cá ngừ đóng hộp có nhu cầu tốt hơn so với cá đông lạnh phile, cắt khúc…

Cùng với thủy sản, nhiều loại nông sản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024, như: cà phê, lúa gạo, rau quả, tôm…

Các mặt hàng sắn, điều, tiêu cũng đang “sáng sủa” trở lại. Đặc biệt với ngành hàng cà phê, giá bán trong nước và trên thế giới đều đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Với những thuận lợi từ thị trường, dự báo cà phê sẽ lập kỷ lục kim ngạch đạt 4,5 - 5 tỷ USD trong năm 2024. Như vậy, triển vọng lĩnh vực nông nghiệp sẽ có 3 sản phẩm (không tính gỗ và sản phẩm gỗ thuộc về lâm sản) có thể vào câu lạc bộ 5 tỷ USD ngay trong năm 2024, gồm rau quả, gạo, cà phê. Ngoài ra, ngành hàng tôm cũng sẽ đạt tới mốc này trong tương lai...

Nguồn: vneconomy.vn