VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tổng hợp

Bước “đại nhảy vọt” trong xuất khẩu rau quả

15/02/2024 - 30 Lượt xem

Năm 2023, rau quả là nhóm hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất, với kim ngạch kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng tới 69,2% so với năm 2022. Đây cũng là ngành hàng đầu tiên mở ra “câu lạc bộ” 5 tỷ USD để “đón tiếp” các mặt hàng nông sản khác trong những năm tới…

Về chủng loại rau quả xuất khẩu năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022 nhóm hàng trái cây (tươi và đông lạnh) đạt 4,2 tỷ USD, tăng 112%; tiếp theo là nhóm hàng rau quả chế biến đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 18%; nhóm rau củ đạt 279 triệu USD, tăng 4,9%. Về thị trường năm 2023, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí số 1 với kim ngạch đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng tới 149% (tương ứng tăng hơn 2 tỷ USD) so với năm 2022 và chiếm khoảng 65,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của các nước.

14 MẶT HÀNG CÓ "VISA" SANG TRUNG QUỐC

Riêng với mặt hàng sầu riêng, chỉ trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu đã chính thức vượt mốc 2 tỷ USD khi đạt 2,07 tỷ USD, tăng 606,3% so với cùng kỳ 2022. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đem về 2,24 tỷ USD. Như vậy, sầu riêng đang là sản phẩm xuất khẩu số 1 của ngành hàng rau quả.

Sở dĩ sầu riêng đạt được bước “đại nhảy vọt” như vậy là nhờ Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022, từ đây sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nếu như năm 2022, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt con số 420 triệu USD, thì năm 2023 đã lên tới 2,24 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.

Theo các dự báo, đến năm 2025, lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường 1,4 tỷ dân như Trung Quốc rất lớn, cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường này. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về logistics và chất lượng.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản có "visa" xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.

Để tiếp tục mở cửa cho những mặt hàng nông sản khác, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Cục đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 5 sản phẩm gồm: trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu. Nếu tiếp tục ký được Nghị định thư với các mặt hàng này, xuất khẩu rau quả, nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ có nhiều bất ngờ lớn, giúp nhiều loại trái cây gia nhập “câu lạc bộ” tỷ USD trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre, chia sẻ: dù các sản phẩm dừa chế biến của công ty đã chinh phục khắp các thị trường cao cấp như Âu, Mỹ, Trung Đông nhưng vẫn chưa thể vào được thị trường Trung Quốc do hai nước chưa có Nghị định thư. Riêng Bến Tre năm ngoái xuất khẩu dừa đạt 420 triệu USD, trong đó hơn 85% là các sản phẩm chế biến. Nếu mở cửa được cho sản phẩm này vào thị trường Trung Quốc, việc có được tỷ USD từ xuất khẩu dừa hoàn toàn trong tầm tay.

KHÔNG "BÓ HẸP" TẠI MỘT THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tuy đang “đại nhảy vọt” vào thị trường Trung Quốc, nhưng thị phần của rau quả Việt tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) lại rất khiêm tốn. EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên tới 150 tỷ USD, thế nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU.

Nguyên nhân một phần là do rau quả Việt Nam chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe của khu vực này. Mặt khác, do thiếu những kênh phân phối hàng rau quả do người Việt làm chủ, một số rau quả Việt Nam xuất khẩu qua EU nhưng lại lấy thương hiệu của nước khác khi tiêu thụ làm cho thương hiệu của rau quả Việt bị ảnh hưởng. Do đó, bài toán xây dựng thương hiệu rau quả Việt tại thị trường EU đang là vấn đề rất cấp thiết trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), muốn chinh phục thị trường EU, các nhà xuất khẩu rau quả Việt cần học hỏi từ những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như Australia, ngành sản xuất rau, hoa, quả của nước này được cho là đang đi đúng hướng trong việc thực hiện mục tiêu đạt 20 tỷ USD giá trị xuất khẩu vào năm 2030; với tốc độ tăng trưởng hiện tại thì Australia có thể đạt được điều đó sớm nhất là vào năm 2025-2026. Để phát triển ngành rau quả, Australia đã xây dựng chính sách ba điểm, gồm: cải thiện mức lãi trong thu nhập của nông dân; tăng cường sức cạnh tranh của mặt hàng rau, hoa, quả; nâng cao tính bền vững của ngành này...

Nguồn: vneconomy.vn