Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa
Nhiều thách thức khiến ngân hàng mở phát triển chưa như kỳ vọng
12/12/2023 - 438 Lượt xem
Những khoảng trống về pháp lý khi triển khai Open API và nhiều lo ngại vấn đề về quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật, nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật sẽ gây nhiều thách thức khi các ngân hàng chuyển dịch từ đóng sang mở cũng như cản trở ngân hàng nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên mới open banking...
Một trong những công nghệ đột phá gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được nhiều ngân hàng tại Việt Nam nghiên cứu và rục rịch ứng dụng vào hoạt động thanh toán và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đón đầu kỷ nguyên ngân hàng mở (open banking).
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo “Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thuộc Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng đây là lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, do đó, những khoảng trống về pháp lý và vấn đề về quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật sẽ gây nhiều thách thức khi các ngân hàng chuyển dịch từ đóng sang mở, nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên mới này.
LO RỦI RO LỘ, LỌT DỮ LIỆU VÀ TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ
Chia sẻ tại hội thảo về tốc độ tăng trưởng thần tốc của thanh toán số tại Việt Nam thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng tốc độ tăng trưởng về mặt số lượng và giá trị của thanh toán số ghi nhận những con số nhảy vọt.
Cuối năm 2022 có trên 150 triệu tài khoản người trưởng thành được mở tại các ngân hàng, chiếm 77,41% dân số. Bên cạnh đó, có trên 145 triệu thẻ nội địa và quốc tế đang hoạt động. “Có thể nói, đây là những con số hết sức ấn tượng, thể hiện kết quả hoạt động thanh toán tại Việt Nam thời gian qua”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Để tiếp sức cho tốc độ tăng trưởng thần tốc của thanh toán số, các ngân hàng đang ráo riết mở rộng phát triển hệ sinh thái số, hướng đến kỷ nguyên ngân hàng mở.
Thống kê từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy hiện có 72,3% tổ chức tín dụng đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó, 47,6% đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối (external API), để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng. Đáng chú ý, có tới 65% các tổ chức tín dụng sẵn sàng triển khai Open API, trong đó, trên 30% tổ chức tín dụng có mức độ sẵn sàng cao đối với Open API.
Tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu của khách hàng rất lớn và mong muốn của các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp cũng rất nhiều, nhưng hiện có rất nhiều vấn đề đặt ra về quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật, nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật.
Thứ nhất, vấn đề quản trị dữ liệu. Khi kết nối liên thông liền mạch, quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro dữ liệu là vấn đề hết sức đáng quan ngại.
Thứ hai, về an toàn bảo mật, có nguy cơ lộ, lọt dữ liệu, thông tin khách hàng và xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ tấn công hệ thống thông tin hoặc nền tảng dùng chung.
Với mức độ phát triển như vũ bão của công nghệ, ông Tuấn cho rằng các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán các doanh nghiệp khi tham gia vào một mạng lưới, một hệ sinh thái rộng khắp các ngành nghề, các lĩnh vực cần phải hết sức chú trọng trong bối cảnh xu hướng tội phạm ngày càng gia tăng và biến động khó lường.
Thứ ba, về nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật, một số tổ chức tín dụng công bố nền tảng Open API trên hệ thống website để các đơn vị tham gia có thể kết nối, thử nghiệm, ký kết hợp đồng, hợp tác.
Cùng chung quan điểm, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững; đồng thời, là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Với sự chuyển dịch mạnh mẽ lên môi trường số, dữ liệu khổng lồ của ngành ngân hàng, tài chính đang trở thành đích ngắm hàng đầu của tội phạm mạng.
Các vụ việc lừa đảo trên mạng trên thế giới có xu hướng gia tăng, trong đó hầu hết là website giả mạo các tổ chức tài chính ngân hàng. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng năm 2023 nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó, hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, ngân hàng mở, open banking là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại công nghiệp 4.0.
Đây sẽ là một trong những mô hình đột phá công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình phát triển số theo hướng thông minh và cởi mở, giúp chuyển đổi số thành công lĩnh vực ngân hàng nhưng cần lưu ý rủi ro trước mắt là phụ thuộc vào bên thứ ba và chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn an ninh, an toàn thông tin chung cho ngân hàng mở
THIẾU VẮNG PHÁP LÝ
Bên cạnh vấn đề về quản trị dữ liệu, nguy cơ lộ, lọt dữ liệu, các ý kiến tại hội thảo cho rằng thiếu vắng khung khổ pháp lý rõ ràng cũng là rào cản khi triển khai Open API, phát triển ngân hàng mở.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến – Ví điện tử MoMo, công ty phối hợp với các ngân hàng triển khai API trong thời gian dài gần 10 năm về thanh toán điện tử, ví điện tử trong việc cho phép khách hàng nạp, trừ tiền trong ví điện tử và triển khai dịch vụ thu hộ, chi hộ. Dù vậy, theo ông Diệp, cơ sở pháp lý về vấn đề open banking đang ở giai đoạn khởi đầu nên các ngân hàng cũng chỉ triển khai từ từ, chờ đợi cơ sở pháp lý chính thức.
“Sau khi Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành những thông tư liên quan đến vấn đề open banking. Khi đó, ngân hàng sẽ cảm thấy tự tin và cảm thấy thoải mái hơn khi triển khai và hợp tác trong lĩnh vực Open API”, lãnh đạo MoMo nhận định...
Nguồn: vneconomy.vn