VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Số liệu thống kê

Nền kinh tế nhiều điểm sáng, tạo đà tăng trưởng cho quý 3

19/09/2023 - 58 Lượt xem

Nhận định về bức tranh kinh tế, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 và 8 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng xu hướng “kinh tế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước” tiếp diễn trong các tháng gần đây sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế quý 3/2023 cũng như cả năm...

Trong báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm được gửi tới phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc với nhiều điểm sáng trên nhiều lĩnh vực. Lý giải về kết quả tích cực này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng đó là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các yếu tố cả về phía cầu cũng như phía cung.

CUNG VÀ CẦU ĐỀU PHỤC HỒI TÍCH CỰC

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, nhìn về phía cầu, cả ba yếu tố gồm tiêu dùng, đầu tư và chênh lệch xuất – nhập khẩu hàng hóa đều phục hồi.

Số liệu thống kê cho thấy cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong các tháng 7-8/2023 khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động du lịch tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%.

Đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tích cực. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 13,1 tỷ USD, cao nhất của cùng kỳ các năm 2019-2023.

Cùng với đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tăng mạnh tới 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, đây được xem là xu hướng tích cực tiếp đà tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2023 khi tiêu dùng trong và ngoài nước dù phục hồi cũng chưa thể quay về mức trước đại dịch Covid-19.

Xuất siêu 8 tháng cũng ghi nhận mức khá cao, khoảng 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD), góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.

Từ phía cung, hoạt động sản xuất cũng duy trì mức tăng trưởng ở cả 3 khu vực, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực hơn khi từ tháng 5/2023 trở lại đây liên tục tăng trưởng dương với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước.

Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn nhưng số doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2023 là 103.658 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (89.899 doanh nghiệp).

NỀN KINH TẾ KHÓ CHUYỂN BIẾN NHANH TRONG NGẮN HẠN

Dù ghi nhận những điểm sáng trong 8 tháng, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng nền kinh tế khó có thể chuyển biến tốt chỉ trong thời gian ngắn.

“Tăng trưởng kinh tế quý 3 có thể tốt hơn các quý trước, song với mức tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm vẫn là thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động khó lường và nội tại nền kinh tế Việt Nam còn nhiều rủi ro”, Bộ trưởng nói. Đó là sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2022, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đáng lưu ý, dù Việt Nam xuất siêu trong 8 tháng nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn sụt giảm do chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của nền kinh tế thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 8 tháng chỉ đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% và nhập khẩu đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2%.

Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Hương, dù có rất nhiều giải pháp được triển khai nhằm vực dậy khu vực doanh nghiệp sau hơn 2 năm “bạo bệnh” vì Covid-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu, “sức khỏe” của doanh nghiệp bị giảm sút.

Trong khi đó, một số hạn chế của môi trường kinh doanh chưa được khắc phục ngay, đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; các vấn đề về tài chính như khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp còn ở mức thấp; chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao trong khi thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm; thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lương, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng sản xuất trong nước và xuất khẩu...

GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Trong bối cảnh nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5; chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Hội nghị Trung ương 8, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Thứ hai, tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước. Nghiên cứu thị trường trong nước, thực trạng, cơ cấu sản xuất, sản phẩm hiện nay, từ đó có thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa.

Thứ ba, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của nước ta, nhất là hàng nông sản. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE, khai thác thị trường ngành thực phẩm Halal, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.

Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Trong đó, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, tác động mạnh đến xuất khẩu, việc làm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung xử lý, giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhanh sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thứ năm, đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, nhịp nhàng, chặt chẽ các chính sách, cả ngắn hạn và dài hạn, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế thông qua các dự án lớn, có sức lan tỏa cao, tác động mạnh...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nguồn: vneconomy