Việc giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc bằng văn bản là do lựa chọn của doanh nghiệp. Ảnh: Mạnh Hà |
Nhiều DN phải giải trình
Ngày 16/5/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1798 về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp, trong đó nêu đích danh 524 DN rủi ro và yêu cầu các cục thuế địa phương rà soát hóa đơn xuất bán ra của các DN này. Trong trường hợp phát hiện DN đã sử dụng hóa đơn của DN trong danh sách này thì yêu cầu DN giải trình làm rõ. Các hóa đơn này được phát hành trong năm 2020, 2021, 2022.
Phản ánh đến báo chí, nhiều DN cho biết nhận được cuộc gọi của cán bộ thuế yêu cầu đến cơ quan thuế giải trình về việc sử dụng hóa đơn, trong khi các hóa đơn này được mua từ các năm trước, lúc các DN trong danh sách nêu trên vẫn còn hoạt động và chưa được cơ quan thuế cảnh báo.
Làm rõ nội dung này, ngày 11/7, Tổng cục Thuế cho biết, qua phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan thuế rà soát, phát hiện một số đối tượng sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân giả để thành lập mới hoặc mua lại DN ngừng hoạt động để bán hóa đơn không hợp pháp cho các DN làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước. 524 DN trong danh sách tại Công văn 1798 là các DN “bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống”.
Để tăng cường công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro, chống thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho người nộp thuế thay vì phải tiến hành thanh tra, kiểm tra tại DN, căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì cơ quan thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế.
Công văn 1798 nhằm thông báo các DN có hóa đơn đầu vào của 524 DN bán hóa đơn không hợp pháp nêu trên, để chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp, không có hàng hóa kèm theo để điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước. Cơ quan thuế khẳng định, việc giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc bằng văn bản là do lựa chọn của DN.
Trao đổi với Báo Đấu thầu về việc này, TS. Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều DN phản ánh tình trạng cán bộ thuế gọi điện yêu cầu đến cơ quan thuế để giải trình trực tiếp, gây khó khăn, phiền phức và mất thời gian của DN. Đây không phải là tình trạng hiếm gặp khi các DN làm thủ tục thuế trong nhiều năm qua. Trong nhiều trường hợp, DN bị cán bộ thuế gọi lên giải trình rồi hôm sau lại yêu cầu giải trình nội dung khác, dù nhiều vấn đề khá đơn giản.
“Để tăng độ tin cậy và tính minh bạch trong thực thi các thủ tục hành chính thuế, trước hết cần chuẩn hóa các văn bản quy phạm pháp luật ngành thuế và hạn chế ban hành các công văn có nhiều cách hiểu khác nhau. Mặt khác, cơ quan thuế cũng cần tích cực giám sát chặt chẽ cách thực thi thủ tục hành chính thuế của công chức thuế”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Không được hoàn thuế, có DN phải ngừng hoạt động
Cũng liên quan đến thủ tục hóa đơn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nhiều DN phản ánh tình trạng không được hoàn thuế giá trị gia tăng do trong hồ sơ hoàn thuế có một số hóa đơn mua hàng của các DN bỏ trốn từ nhiều năm trước dù khi giao dịch thì các DN này bán hàng vẫn hoạt động bình thường. Tình trạng này khiến nhiều DN bị “đọng” vốn hàng trăm tỷ đồng. Do đó, để gỡ khó cho DN, thay vì kiểm trước hoàn sau thì nên chuyển thành hoàn trước kiểm sau. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì truy thu.
“Nhiều DN mua nguyên vật liệu, hàng hóa của DN khác mà DN đó có thể đóng cửa, ngừng hoạt động, chuyển địa điểm là ngoài tầm kiểm soát của DN mua hàng. Việc đẩy rủi ro này cho DN hoạt động nghiêm túc là không hợp lý, cần tránh tình trạng này”, ông Tuấn nhận xét.
Qua công tác phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện 524 DN bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống (là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Khoản 7 Điều 6 Luật Quản lý thuế). Tổng cục Thuế yêu cầu, Cục Thuế địa phương thông báo mời DN liên quan đến 524 DN có rủi ro cao nêu trên để chứng minh việc sử dụng hóa đơn là hợp pháp. Việc giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc bằng văn bản là do lựa chọn của DN.
Không chỉ trong thủ tục giải trình, ông Tuấn nêu một số thủ tục hóa đơn khác cũng đang gây khó cho hoạt động của DN. Đơn cử, các DN sản xuất phế liệu tái chế rất muốn thu mua phế liệu từ những người nhặt đồng nát hoặc các cơ sở thu mua phế liệu nhỏ lẻ nhưng những người này lại không cung cấp được hóa đơn, mà dùng bảng kê thì không được cơ quan thuế chấp nhận. Việc thu mua phế liệu theo cách này khiến DN không thể hoàn tất thủ tục quyết toán thuế.
“Trong khi chúng ta có chính sách khuyến khích thu gom phế liệu trong nước để tái chế nhưng vì điểm bất cập như trên mà nhiều DN đành chọn cách nhập khẩu phế liệu để tái chế, nhằm dễ dàng hoàn tất thủ tục thuế. Đúng là cơ chế hóa đơn cần sự thay đổi lớn để tạo thuận lợi cho DN”, ông Tuấn nói.
Từ góc độ tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, Khoản 2 Điều 19 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định, một trong những quyền hạn của cơ quan quản lý thuế là yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế. Do đó, qua phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan thuế có Công văn 1798 yêu cầu các DN cung cấp thông tin để kê khai bổ sung (nếu có) là đúng quy định.
“Đây cũng là quy định đã có từ trước. Đến nay, rủi ro sai phạm sử dụng hóa đơn ngày càng nhiều và tinh vi, nên số lượng các DN được yêu cầu giải trình gia tăng. Dù vậy, điều này cũng gây khó khăn cho DN, bởi họ không biết được DN xuất hóa đơn gian hay không gian và việc giải trình cũng khá mất thời gian, công sức. Tuy nhiên, về cách thức giải trình, công văn của cơ quan thuế không yêu cầu DN phải trực tiếp lên cơ quan thuế để giải trình, như vậy, DN có thể giải trình bằng văn bản và phản ánh nếu có hành vi “nhũng nhiễu” từ cán bộ thuế”, ông Nguyễn Văn Được cho biết.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Nhiều DN phản ánh tình trạng không được hoàn thuế giá trị gia tăng do trong hồ sơ hoàn thuế có một số hóa đơn mua hàng của các DN bỏ trốn. Nhiều DN bị “đọng” vốn hàng trăm tỷ đồng. Có DN xuất khẩu đã phải ngừng hoạt động vì thua lỗ quá nặng do không hoàn được thuế. Do đó, cần có hướng dẫn quy trình hóa đơn thuận lợi, phối hợp hiệu quả, không dồn toàn bộ trách nhiệm cho DN, tạo chi phí xã hội quá lớn.
Nguồn: baodauthau.vn